'Thầy cô cho em mùa xuân'

Xin mượn tựa đề ca khúc của nhạc sĩ Vũ Hoàng để nói về những người thầy cô 'đặc biệt' này. Bởi lẽ chính họ đã tạo một bước ngoặt lớn để mang 'mùa xuân' đẹp nhất đến cho các nghệ sĩ - ca sĩ, vốn xuất thân là một cậu bé mồ côi, một anh công nhân sơn cửa, một cô thợ may công nghiệp hay một thợ uốn tóc mới chập chững học nghề…

(GD&TĐ) - Xin mượn tựa đề ca khúc của nhạc sĩ Vũ Hoàng để nói về những người thầy cô “đặc biệt” này. Bởi lẽ chính họ đã tạo một bước ngoặt lớn để mang “mùa xuân” đẹp nhất đến cho các nghệ sĩ - ca sĩ, vốn xuất thân là một cậu bé mồ côi, một anh công nhân sơn cửa, một cô thợ may công nghiệp hay một thợ uốn tóc mới chập chững học nghề…

Nghệ sĩ Vũ Luân: “nếu không có thầy…”

Hồi ấy, Bình rất mê cải lương, không có tiền mua vé, nên thường vào rạp Hưng Đạo xem “cọp” các nghệ sĩ tập tuồng. Lúc đó, ước mơ trở thành một nghệ sĩ với Bình vẫn còn xa vời lắm. Một hôm, đi dự tiệc đám cưới người bạn thân, Bình xung phong lên hát một bài tân cổ. Không ngờ trong tiệc cưới hôm ấy có một vị khách đặc biệt: nghệ sĩ Bạch Long. Phát hiện ra Bình có gương mặt sáng sân khấu, giọng hát khỏe khoắn và truyền cảm, nghệ sĩ Bạch Long đã tìm đến tận nhà xin mẹ của Bình cho Bình về Đoàn Đồng Ấu Bạch Long để truyền nghề. Nghệ sĩ Bạch Long cũng là người đã đặt cho Bình nghệ danh Vũ Luân. Sự kiên trì dạy dỗ của thầy, quyết tâm phấn đấu vươn lên của Bình đã làm nên một ngôi sao cải lương Vũ Luân ngày hôm nay… Vũ Luân tâm sự: “Chưa bao giờ tôi để cho thầy phật lòng, tôi luôn hát hết sức mình vì khán giả, không “dính” vào scandal để thầy phải buồn, phải lo. Những giải thưởng mà tôi nhận được là một thước đo rất cần thiết trong cuộc đời nghệ thuật của tôi, đồng thời nhắc nhở tôi phải luôn trong tư thế cố gắng và phấn đấu hết sức mình. Một điều nữa là thầy không bao giờ khen tôi, bởi thầy cho rằng như thế sẽ dẫn đến sự tự mãn, mà tự mãn trong nghệ thuật sẽ dễ tự diệt mình…”.

Vũ Luân và Tú Sương

Diễn viên hài Anh Vũ: “nhờ thầy mà chuyển hướng…”

Hồi nhỏ, Anh Vũ quậy và ham chơi, không chịu theo nghề xây dựng của ba mà chỉ muốn làm… ca sĩ. Lớn lên, sau khi tốt nghiệp THPT, Vũ nhận ra chất giọng của mình “chưa đủ đô” nên theo phụ ba làm nghề xây dựng một thời gian rồi miễn cưỡng ghi danh vào học nghề uốn tóc. Nhưng chân Vũ khoái đi, đâu chịu đứng một chỗ, ngoảnh qua ngoảnh lại, Vũ nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm. Thế nhưng, gần đến ngày thi, Vũ “rét” quá nên thối lui… Sau khi xem bảng tuyển sinh ở Sân khấu 5B, bạn bè rủ Vũ thi thử, ai dè… đậu thiệt. Thầy chủ nhiệm lớp của Vũ chính là nghệ sĩ hài Việt Anh. Mặc dù thầy dạy rất hay nhưng suốt thời gian học, Vũ luôn bị xếp gần… cuối lớp vì chẳng có chút năng khiếu nào, bài tập thực hành cũng… dở ẹc. Vũ buồn lắm, dự tính sẽ bỏ nghề luôn. Một lần, thầy Việt Anh gọi Vũ đến bảo: “Em có khiếu hài đó, chuyển hướng đi”. Và thầy Việt Anh là người trực tiếp dạy cho Vũ những “miếng hài”. Từ lúc chuyển qua hài, Vũ học khá lên thấy rõ. Vũ tiếp tục song hành cùng thầy Việt Anh trong các chương trình Trong nhà ngoài phố, nhiều vai hài ở Sân khấu kịch 5B… Trở thành một diễn viên hài, gặt hái được những thành công nhất định,Vũ cứ ngỡ như là trong mơ. Người mang lại giấc mơ này cho Vũ chính là thầy Việt Anh… Anh Vũ cho biết: “Hiện tại, khi bị bế tắc về một vai diễn nào đó, tôi đều nhờ đến thầy phân tích và góp ý, và tôi đã “sáng” ra rất nhiều. Đoạt được bất kỳ giải thưởng nào, người đầu tiên tôi gọi điện báo tin vui chính là thầy. Tôi luôn tâm niệm những lời thầy dạy: “Trong kiến thức chuyên môn, thầy không dạy cho các em tiểu xảo để mau nổi bật, mà dạy những căn bản vững vàng để các em đi dài lâu trên chính đôi chân của mình…”.

Anh Vũ

Ca sĩ Đông Quân: “Người mẹ thứ hai của tôi”

Cho đến bây giờ, Đông Quân vẫn nhớ như in “người mẹ thứ hai” của mình. Đó chính là cô giáo Tấn đã dạy cho Đông Quân năm lớp 3 ở Trường tiểu học An Hòa - Long Thành - Đồng Nai. Hồi ấy, Nguyễn Đông Quân là một cậu học trò rất nhút nhát, luôn mặc cảm hoàn cảnh nghèo. Mẹ Quân mất sớm, ba Quân lập gia đình khác cuộc sống cũng rất khó khăn. Quân sống với bà ngoại, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Thương ngoại vất vả nên có lần Quân định nghỉ học. Chính cô đã đến tận nhà khuyên Quân nên đi học lại. Từ đó, cô thương yêu và quan tâm đến Quân giống như một người mẹ thật sự. Cứ vào dịp khai giảng, cô đều mua tập, sách vở, quần áo mới cho Quân. Những lần Quân bệnh, cô đều có mặt săn sóc, đỡ đần mọi thứ. Quân rất mê hát, chính cô đã cho tiền Quân ghi danh học các lớp thanh nhạc. Cô cũng định hướng cho Quân thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM. Rồi Quân ra trường, trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, được khán giả yêu mến như ngày hôm nay. Đông Quân xúc động: “Nhiều lúc Quân nghĩ, nếu không có cô thì cuộc đời Quân sẽ đi về đâu, câu hỏi này Quân không thể tự trả lời được. Mỗi lần xem chương trình truyền hình có Quân biểu diễn, cô thường nhắn tin, nhận xét về giọng hát, phong cách, trang phục biểu diễn và nhất là câu nói: “Chữ tâm là quan trọng hơn tất cả nghen con…”. Những lần đi lưu diễn ở nước ngoài, Quân thường mua quà về tặng cô, lần nào cô cũng bảo: “Món quà quý nhất đối với cô chính là sự thành đạt của em”. Lúc đó, Quân cảm thấy vô cùng hạnh phúc và thương kính cô biết bao…

Đông Quân (phải) hát trong ngày Nhà giáo Việt Nam

Diễn viên Kim Huyền: “thầy đã ban ‘phép lạ’ cho tôi”

Kim Huyền vẫn nhớ như in cái ngày vượt qua sự cấm cản của gia đình từ Phan Thiết vào TP.HCM dự thi Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh. Bị đánh rớt vì “xấu và quá lùn”, nhưng vì đã yêu thích sân khấu từ trong máu thịt rồi, nên Kim Huyền không nản lòng mà chờ đến năm sau để thi tiếp. Trong một năm chờ đợi đó, Kim Huyền kiếm sống bằng nghề may công nghiệp. Năm thứ hai lại rớt, buồn quá Kim Huyền lang thang khắp Sài Gòn, không biết đi đâu và làm gì. Tình cờ thấy một đoàn làm phim đang quay tại công viên Hoàng Văn Thụ, Kim Huyền “cả gan” vào xin được đóng vai quần chúng. Nhờ đó mà gặp thầy Công Ninh. Chính thầy Công Ninh khuyên Kim Huyền nên theo học hệ B Trường Sân khấu Điện ảnh. Thầy cũng là người đầu tiên truyền cho Kim Huyền sức mạnh để đi theo nghề này. Chính thầy Công Ninh đã cho tiền Kim Huyền mua cái máy may mang vào ký túc xá để may quần áo cho bạn bè kiếm tiền trang trải học phí, cuộc sống. Ra trường, thầy giới thiệu Kim Huyền về sân khấu Kịch Phú Nhuận đóng các vai đào con, vai hài…và tạo dựng được tên tuổi như ngày hôm nay. Kim Huyền cho biết: “Chính vì xem thầy là thần tượng mà tôi quyết định sẽ thi vào khoa đạo diễn để tiếp tục được thầy truyền đạt kinh nghiệm và mơ ước sau này sẽ trở thành một đạo diễn tài năng và đức độ như thầy…”.

Kim Huyền

Đại Nghĩa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/201111/Thay-co-cho-em-mua-xuan-1955778/