Thất bại của TPP sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc

Việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ, Nhật Bản và 10 nước khác hoàn tất cách đây 1 năm. Mục đích chiến lược của Tổng thống Mỹ - ông Barack Obama – là kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày 8/11 có thể khiến mọi nỗ lực của ông Obama “đổ sông đổ biển”. Trong quá trình tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng thỏa thuận thương mại tự do này “giết chết” hàng triệu việc làm của người Mỹ.

Ông Trump không ủng hộ TPP

Khoảng trống hiện nay của TPP mang tới cho Trung Quốc cơ hội triển khai một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn hơn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Lý Bảo Đông – cho biết chuyến thăm tới Peru sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong những nỗ lực lấp đầy khoảng trống Mỹ đang tạo ra. Các quan chức của Trung Quốc tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Ông Lý Bảo Đông cho biết chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang không có đủ đà tăng trưởng. Trung Quốc tin rằng các thành viên tham gia APEC nên sẵn sàng một kế hoạch để duy trì đà tăng trưởng và giải quyết các vấn đề của ngành công nghiệp trong quá trình chuẩn bị thành lập một khu vực thương mại tự do mới.

Nhiều tháng nay, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng thất bại của TPP sẽ mở ra cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy các hiệp định thương mại có lợi cho họ.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, đại diện thương mại Mỹ - ông Mike Froman – nhận định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị bỏ lại nếu TPP chính thức có hiệu lực.

Trung Quốc đang tập trung mọi nỗ lực để đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa họ và 15 thành viên khác, trong đó có Việt Nam.

Động thái của Trung Quốc ngày 9/11 cho thấy những thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump và cách Trung Quốc sẽ tận dụng điều đó để khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong tương lai.

Cố vấn cao cấp Matthew Goodman của Center for Strategic and International Studies nhận định rằng Trung Quốc đang lấp vào khoảng trống trong các cuộc đàm phán thương mại mà đáng ra thuộc về Mỹ của ông Trump.

Hành động này được Trung Quốc thực hiện ngay khi Hạ viện Nhật Bản chính thức thông qua TPP vào tối ngày 10/11 sau nhiều tuần tranh cãi nảy lửa.

Tuy nhiên với việc ông Trump phản đối TPP – thỏa thuận thương mại chiến gần 40% GDP toàn cầu, Đảng Dân chủ lo ngại rằng khoản tiền chi tiêu chính trị phục vụ thỏa thuận này bị lãng phí.

TPP không thể có hiệu lực nếu Mỹ không phê chuẩn. Thất bại của TPP sẽ tạo ra một lỗ hổng khổng lồ trong chương trình kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản – ông Shinzo Abe. Thông qua việc cắt giảm thuế quan áp lên thực phẩm, ông Abe hy vọng TPP sẽ giúp thúc đẩy quá trình cải cách nông nghiệp.

Tổng thư ký Toshihiro Nikai của Đảng Dân chủ Tự do cho biết Nhật Bản vẫn đang tìm cách thuyết phục Mỹ thông qua TPP.

Ông Abe dự kiến có cuộc gặp mặt với ông Trump tại New York vào tuần sau và TPP gần như chắc chắn sẽ nằm trong nội dung trao đổi.

Chủ tịch hội đồng Ngoại thương Nhật Bản – ông Eizo Kobayashi – lên tiếng ca ngợi việc Hạ viện Nhật Bản thông qua TPP và cho rằng bây giờ chưa phải lúc để từ bỏ.

Ngoài Mỹ và Nhật Bản, các thành viên tham gia TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines đang bày tỏ mong muốn tham gia thỏa thuận này.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/that-bai-cua-tpp-se-mo-ra-co-hoi-cho-trung-quoc-20161111104141671p145c151.news