Thấp thỏm mùa thu hoạch cà phê

Thời điểm cuối năm này, cùng với khu vực Tây Nguyên thì vùng Đông Nam bộ cũng đang vào chính vụ thu hoạch cà phê. Thị trường cà phê nội địa dịp đầu tháng 12 ở quanh mức giá 43.000 đồng/kg. Với giá cà phê nhân xô như vậy đã cao hơn đầu vụ năm ngoái gần 10.000 đồng/kg, và là mức giá khá tốt trong nhiều năm qua. Đây có lẽ là “điểm sáng” hiếm hoi trong bức tranh nông sản của nước ta trong vài năm trở lại đây.

Nông dân huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai thu hoạch cà phê. Ảnh: Bảo Trâm

Sản lượng thất thu

Trong niên vụ thu hoạch năm nay, có lẽ niềm vui về mức giá khá cao không trọn vẹn với những người trồng cà phê. Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua hồi đầu năm 2016 tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã khiến cho nguồn nước tại khu vực này cạn kiệt, dẫn đến việc hàng ngàn ha cà phê phải chịu cảnh thiếu nước tưới, nhiều diện tích bị cháy khô. Mặt khác, khi vào mùa mưa, nhiều cơn mưa kéo dài, liên tục đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, góp phần làm sản lượng, năng suất cà phê sụt giảm trầm trọng. Tính toán sơ bộ, tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tổng số gần 50.000ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, vụ thu hoạch năm nay sản lượng chỉ còn đạt khoảng 60% so với năm trước.

Gia đình chị Nguyễn Thị Đào ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, có gần 2ha cà phê. Những ngày qua, chị Đào không khỏi lo âu khi thấy lượng cà phê thu được trên mỗi cây ít hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Chị Đào lo lắng cho biết: “Do hạn hán, không đủ nước tưới nên sản lượng cà phê năm nay thấp hơn năm trước. Giá cà phê mặc dù có tăng nhưng sản lượng giảm thế này thì gia đình tôi lại thất thu mất thôi…”.

Trước đó, trong năm 2013, khi người trồng cà phê tại miền Đông được mùa thì giá cà phê nhân xô lại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 29.700 - 30.000 đồng/kg. Mức giá “khiêm tốn” này đã khiến nông dân ở những vùng cà phê có năng suất cao nhất cũng lao đao vì lỗ vốn. Năm nay, bài ca “được giá mất mùa, được mùa mất giá” một lần nữa lại vang lên, khiến cho các nông hộ vùng Đông Nam bộ thêm rầu rĩ.

Thu hái cà phê xanh

Vụ thu hoạch cà phê còn kéo dài đến giáp Tết Nguyên đán 2017 thì mới kết thúc, và nỗi lo của bà con nông dân cũng dài theo ngày tháng. Tại huyện Bù Gia Mập, vùng chuyên canh cà phê trọng điểm của tỉnh Bình Phước, người dân lại phải đối mặt với vấn nạn vẫn diễn ra hàng năm - nạn hái trộm cà phê. Kẻ trộm thường lợi dụng sơ hở của chủ vườn rồi mang theo bạt vào tuốt quả. Nếu như bị phát hiện thì chúng để lại đống cà phê rồi “chuồn”.

Theo tìm hiểu, tình trạng trộm cắp cà phê đã lắng dịu trong mấy năm qua vì giá xuống thấp. Cho đến năm nay, khi giá cà phê có dịp “bùng nổ”, thì vấn nạn này lại rầm rộ trở lại.

Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp đi xuống vùng trồng cà phê ở xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Đi đến đâu cũng thấy những sân phơi đầy cà phê, số thì đã khô đen, số thì còn tươi mới. Khi được hỏi: Tại sao hái cà phê sớm vậy? Không ít hộ nhìn chúng tôi với cặp mắt ái ngại và đáp cho qua chuyện: Cà phê của nhà chín nên hái thôi!

Chúng tôi đến thăm hộ ông Lê Văn Chín ở xã Đăk Ơ, đang sở hữu gần 5ha cà phê kinh doanh, sân nhà đang phơi hàng chục tấn quả cà phê. Ông Chín cho biết, sản lượng năm nay ước đạt chừng 90 tấn cà phê quả tươi. Cũng như nhiều người, ông giải thích: “Cà phê nhà chín nên mới thu hoạch, chứ không phải cà xanh”. Theo quan sát của chúng tôi, số cà phê đang phơi tại sân chỉ chín tầm quá nửa, còn lại chi chít quả xanh. Khi chúng tôi hỏi chuyện bị ăn cắp cà phê, ông Chín cho biết vẫn bị mất lặt vặt do “đám thanh thiếu niên thiếu tiền chơi điện tử nên trộm vài ba bao”.

Một trong những nguyên nhân người nông dân trồng cà phê hái cà xanh là do cà phê đang được giá, cần bán để trang trải nợ vay cũng như thanh toán tiền nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được mua từ đầu vụ cho các đại lý. Cùng thời điểm này năm 2015, giá cà phê nhân chỉ ở mức 34.000 đồng/kg, thì nay giá cà phê đã tăng lên gần 10.000 đồng so với năm trước, giá cà tươi đang được các thương lái trên địa bàn mua vào ở mức từ 7.500 - 8.000 đồng/kg. Chính từ các yếu tố giá cà phê đang ở mức cao, nhân công khó kiếm, tránh để mất cắp và chuyện chặt phá cây xảy ra, nhiều hộ nông dân đã và đang tiến hành ồ ạt cho thu hoạch vội cà phê khi quả đang còn tươi xanh. Việc hái cà xanh dù rằng không mất đi nông sản, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng của cây cà phê. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu hái quả chín có thể từ 520 - 680 quả/kg, nhưng nếu quả xanh phải mất 900 - 1.200 quả/kg, đây là điều đáng báo động. Do hái quả xanh, nên 1kg cà phê nhân, chỉ có khoảng 50 - 60% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chất lượng giảm vì hương cà phê sẽ không thơm, vị sẽ nhạt, nhân không đẹp.

Tạm quên những lo toan nói trên, giá cà phê nhân xô gia tăng ngay trong vụ thu hoạch mới khiến người trồng cà phê ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên thêm hy vọng về loại cây công nghiệp dài ngày này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước cũng khuyến cáo rằng, mặc dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhân xô, nhưng giá cả lại phụ thuộc vào thị trường thế giới, cụ thể là những nhà đầu cơ lớn trên thế giới. Vì vậy, công tác dự báo giá cà phê lên xuống trong nước gặp rất nhiều khó khăn và không theo quy luật như những năm trước đây. Do đó, các nông hộ nên cân nhắc kỹ, khi quyết định bán hay tiếp tục trữ cà phê chờ giá tăng cao mới đưa ra thị trường, tiêu thụ kiếm lời.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do tình hình hạn hán nghiêm trọng nhất trong 3 thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa gần 180.000ha cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, trong đó có hơn 40.000ha bị hư hỏng. Dự kiến, Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cà phê nhân trong năm nay, giảm 25% so với năm 2015.

Bảo Trâm

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/thap-thom-mua-thu-hoach-ca-phe_t114c1067n112728