Tháp Thái Bình 300 tỷ gây xôn xao: Đầu đuôi lủng lẳng

Phần đuôi, thân, đế, ngọn tháp trông lủng lẳng và không ăn nhập với nhau. Bố cục chỉ là một hình tháp đi lên, không rõ ràng về ý đồ nghệ thuật.

Không rõ ý đồ nghệ thuật

Thái Bình đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành khởi công xây dựng một tòa tháp 25 tầng (gồm 5 tầng đế, 19 tầng thân và tầng đỉnh), cao 162m với mức đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Tổng diện tích mặt bằng dự án là 16.870m². Tòa tháp được đặt giữa hồ nước, kết nối "đất liền" bằng cầu kiều.

Về công năng sử dụng, từ tầng 1 đến 7 là khu dịch vụ, thương mại; tầng 8 đến 12 là không gian triển lãm; tầng 13 đến 19 phục vụ dịch vụ văn hóa, du lịch; tầng 20 là tầng kỹ thuật; tầng 21 và tầng 22 là tháp chuông và không gian tham quan; từ tầng 23 đến tầng 25 trưng bày phục vụ du lịch, văn hóa.

Phố cảnh tháp Thái Bình được nhận định là xấu, không hài hòa và mang tính nghệ thuật

Phố cảnh tháp Thái Bình được nhận định là xấu, không hài hòa và mang tính nghệ thuật

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, KTS Ngô Doãn Đức, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ nhiều băn khoăn.

Theo vị KTS, dù sử dụng tiền xã hội hóa hay ngân sách nhà nước thì khi xây dựng tòa tháp cũng phải tính toán, cân nhắc thận trọng. Thái Bình hiện nay các công trình an sinh xã hội, trường học, bệnh viện, các công trình dành cho người nghèo vẫn còn rất thiếu và hạn chế.

“300 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ. Hơn nữa Thái Bình là vùng lúa của Đồng bằng Bắc Bộ, còn nhiều câu chuyện phải lo hơn là xây dựng biểu tượng này. Những công trình dành cho người nghèo, cho trẻ em, trường học, bệnh viện cũng rất cần thiết và tốn không ít tiền.

Tôi nghĩ Thái Bình nên tính toán lại, thận trọng và kìm chế. Hiện nay nhiều tỉnh trong cả nước thi nhau xây dựng các công trình mang biểu tượng riêng của tỉnh.

Tôi nghĩ không nên khuyến khích những việc như thế này và cần tập trung vào những vấn đề nhức nhối của xã hội”, ông Đức nhấn mạnh.

Nhìn nhận dưới góc độ cảnh quan, kiến trúc, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng mô hình tòa tháp mà phía UBND tỉnh Thái Bình đưa ra không rõ ý đồ nghệ thuật, thiết kế tổng thể không hòa hợp với nhau.

“Tháp 162 m của Thái Bình bao gồm các khu dịch vụ, thương mại triển lãm, dịch vụ văn hóa, du lịch để kinh doanh. Tôi nghĩ nên gọi là trung tâm thương mại thì đúng hơn.

Về mặt kiến trúc, theo đánh giá của tôi là xấu. Dường như mẫu thiết kế không có sự tham gia của những người làm nghệ thuật nên không bật lên được tính nghệ thuật như mong muốn của những người giới thiệu.

Phần đuôi, thân, đế, ngọn trông lủng lẳng và không ăn nhập với nhau. Bố cục chỉ là một hình tháp đi lên, không rõ ràng về ý đồ nghệ thuật”, ông Đức nhấn mạnh.

Là một trong những KTS có nhiều kinh nghiệm, vị chuyên gia khẳng định, bản thân chưa từng được phía tỉnh nhờ tư vấn hoặc đưa ra các ý kiến phản biện về thiết kế của tòa tháp.

“Tôi đi công tác về và thấy dư luận nói về chuyện Thái Bình xây tháp. Sau khi xem trên mạng thì thấy thất vọng quá.

Tôi nghĩ Thái Bình nên tổ chức một cuộc thi, công bố rộng rãi để người dân và các KTS đóng góp ý tưởng cho tòa tháp chứ không phải một nhóm vài người đưa ra đề xuất. Ở nước ngoài không có tình trạng kiểu như thế này. Nhà nước chỉ đứng ra quản lý và đưa ra đề bài để các đơn vị khác cùng tham gia”, ông Đức nêu quan điểm.

Phải công khai, minh bạch

Cùng đưa ra ý kiến, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong thời buổi hiện nay, việc các tỉnh sử dụng nguồn vốn từ xã hội hóa để xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, vui chơi, nghỉ dưỡng tại địa phương là hoàn toàn bình thường.

Đối với công trình tòa tháp tại Thái Bình cũng vậy. Tuy nhiên theo vị chuyên gia, Thái Bình cần phải đặt ra các tiêu chí rõ ràng và có đánh giá cụ thể hiệu quả khai thác, đầu tư công trình.

“Tỉnh cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng đồng thời chứng minh được luận điểm về kinh tế, kỹ thuật. Ngoài ra cần lưu ý đến tính công khai, minh bạch, ngay cả quá trình thẩm định vốn. Các chính sách đưa ra phải công bằng và trong sáng”, ông Hùng nói.

Một vấn đề khác được PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhắc đến là việc các tổ chức, doanh nghiệp tiến hành đóng góp xây tháp theo kêu gọi xã hội hóa của địa phương.

Theo ông Hùng, chủ trương trên cần phải phù hợp với quy hoạch xây dựng của tỉnh cũng như nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đặc biệt tỉnh phải thật sự công tâm, khách quan giữa các doanh nghiệp với nhau, tránh tình trạng đưa ra quá nhiều ưu đãi cho đơn vị tham gia xã hội hóa để xây tháp.

“Trước đây với nhiều dự án FDI, chúng ta cũng bị thua thiệt vì ưu đãi quá lớn và không khách quan.

Cái gì cũng cần công khai và rõ ràng. Tôi sợ nhất là khi tháp hoàn thành đi vào sử dụng, những người đầu tư vốn xã hội hóa sẽ thu lợi mà không đóng góp được gì nhiều cho địa phương”, ông Hùng lo lắng.

Để giải quyết vấn đề này, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội đề nghị Thái Bình lập ra một hội đồng thẩm định về công trình này.

Các KTS, các nhà chuyên môn sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định để đảm bảo công trình vừa có tính thẩm mỹ về mặt cảnh quan, vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, kết nối giao thông.

“Để đánh giá được số tiền 300 tỷ đồng là nhiều hay ít chúng ta cần những thông số chi tiết hơn về diện tích, tiêu chuẩn xây dựng, vật liệu dùng để các nhà chuyên môn thẩm định dự án.

Nếu chỉ đưa ra một bản thiết kế chung chung mà bảo 300 tỷ thì không cụ thể và khách quan”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thap-thai-binh-300-ty-gay-xon-xao-dau-duoi-lung-lang-3334768/