Thắp lên ngọn lửa nhân ái - những kỷ niệm khó phai

Trên mảnh đất thân yêu hình chữ S vẫn còn những gia cảnh éo le, những mảnh đời đáng thương cần sự sẻ chia những cây cầu, những ngôi trường... cần chung tay xây dựng. Hoạt động Xã hội từ thiện (XHTT) của Báo CAND & Chuyên đề ANTG bắt nguồn từ đó.

Với các chương trình XHTT trong thời gian qua, như: “Tết vì người nghèo”, “Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo”, “Trao học bổng tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “Xây dựng nhà tình nghĩa” v.v.., Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả. Trong những chuyến đi thiện nguyện ấy, đã có rất nhiều kỷ niệm như sợi chỉ đỏ yêu thương gắn kết tình người.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND trao nhà tình nghĩa
tới cán bộ Công an có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai (tháng 7-2016).

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND: “Người Việt Nam tốt nhỉ!

Câu nói ấy bắt nguồn từ chuyến đi trao quà, xây nhà bán trú cho các em học sinh Trường Tiểu học Háng Đồng thuộc xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên– một địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Sơn La mà tôi có dịp trực tiếp tham gia.

Dự án xây dựng nhà bán trú này có xuất phát điểm một bài viết phản ánh về những khó khăn của thầy, trò nhà trường do phóng viên Minh Tiến, Ban Chuyên đề An ninh thế giới, Báo CAND thực hiện vào đầu tháng 4-2008.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND gặp lại GS. Yang - Soo Bae ở Hà Nội.

Sau khi đọc bài viết trên, GS. Yang - Soo Bae, Tổng Thư ký Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (Vesamo), là người bảo vệ Luận án tiến sĩ thứ 100 về đề tài có liên quan đến thơ của đại thi hào Nguyễn Du tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vận động được số tiền gần 100 triệu đồng để cùng Báo CAND ủng hộ dự án xây dựng nhà bán trú Trường Tiểu học Háng Đồng.

Một ngày đầu tháng 1-2010, trong cái rét ngọt, đại diện cho Ban Biên tập Báo CAND, tôi đã cùng với GS. Yang - Soo Bae và các thầy của Trung tâm Việt Nam học trở lại Háng Đồng để dự lễ khánh thành ngôi nhà bán trú và tặng quà học sinh nghèo nơi đây.

Để lên được đây, chúng tôi phải “tăng bo” trên những chiếc xe môtô “đặc chủng” của các anh cán bộ xã. Mỗi khi đến đoạn dốc dựng vách, ngồi phía sau, chúng tôi đều bị tụt xuống. Chẳng thế mà cứ đi được dăm mét, các anh cán bộ xã lại dừng xe, “xốc” lại chỗ ngồi cho chúng tôi...

Khi chúng tôi đặt chân lên nơi mà ngôi nhà bán trú được làm bằng gỗ dổi, mái lợp tôn, nền lát xi măng (chia làm 4 gian nhỏ) với tổng kinh phí hơn 220 triệu đồng – nguồn vốn do Vesmo và Báo CAND ủng hộ, ai cũng thấy vui mừng.

Buổi lễ khánh thành nhà bán trú được diễn ra trang trọng, ấm cúng. Có dịp lên Háng Đồng, tôi cũng như các thành viên trong đoàn, nhất là GS. Yang - Soo Bae mang nhiều cảm xúc. Bởi vậy, khi dự bữa cơm với cán bộ xã và thầy trò nhà trường, GS. Yang - Soo Bae đã chủ động hòa mình với những lời ca, điệu múa cổ truyền của các em học sinh.

Buổi khánh thành nhà bán trú kết thúc, trên xe trở về xuôi, GS. Yang - Soo Bae kể cho tôi nghe về cuộc sống của mình và người thân bên Hàn Quốc. Nhà ông nằm cách Trường Đại học quốc gia Busan (Hàn Quốc) – nơi Giáo sư đang giảng dạy hơn 300km.

Nghe GS Yang - Soo Bae kể về người mẹ sinh năm 1932 đang sống ở quê, lúc ấy, trong tôi chợt dội lên một cảm xúc khó tả. Tôi nhớ đến mẹ mình, người cùng năm sinh với mẹ giáo sư. Tôi lặng người đi và ngước mắt, nhìn qua cửa kính xe. GS Yang - Soo Bae hỏi tôi: “Anh sao vậy?”, “Không có gì, chỉ là… mẹ của Yang Soo – Bae bằng tuổi mẹ tôi thôi! Tôi không được may mắn như giáo sư, mẹ tôi đã qua đời trong một vụ tai nạn khi mới 31 tuổi…”, tôi nói.

Nghe đoạn đến đây, giáo sư liền nhìn và nắm chặt tay tôi như một sự cảm thông, chia sẻ. Trong câu chuyệnBvới GS. Yang - Soo Bae, tôi được biết, gia đình ông sống ở nơi thời tiết khắc nghiệt, gió rét quanh năm. Nên, dù lúc này trời đã chập choạng tối, tôi vẫn nhấc máy gọi điện thoại, nhờ một cán bộ ở Ban Trị sự - Báo CAND ra phố Lương Văn Can tìm mua hai chiếc áo bông chần – một loại áo có lớp bông dệt ấm để gửi tặng mẹ GS. Yang - Soo Bae quê nhà.

Do tối hôm đó, khi trở về tới Hà Nội, GS. Yang - Soo Bae phải bay về Hàn Quốc gấp vì cậu con trai của mình phải nhập viện, nên ngày hôm sau, tôi đã gửi được hai chiếc áo tới quê nhà GS. Yang - Soo Bae.

Nhận được món quà trên, GS. Yang - Soo Bae đã chuyển lời cảm ơn và lời nhắn: “Người Việt Nam tốt nhỉ!” của mẹ Giáo sư tới tôi.

Lúc này, GS. Yang - Soo Bae đang ở Hà Nội, tôi và ông cảm động say sưa nói về chuyện cũ mà như ngày hôm nay, ông nói: “Mẹ ông giờ già yếu và đã chuyển về thành phố Busan sống cùng ông. Cụ vẫn mặc áo tôi biếu mỗi khi mùa đông đến, và thường nói câu: “Người Việt Nam tốt nhỉ!”.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND: Cơ duyên đến với “Bữa tiệc từ thiện

“Bữa tiệc từ thiện” là một trong những hoạt động để vận động tài trợ cho Chương trình "Tết vì người nghèo" vào dịp Tết Nguyên đán mà Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nguồn cơn để có “Bữa tiệc từ thiện” thì ít người biết. Năm 1999, Báo CAND mời được một số doanh nghiệp có “máu” làm từ thiện tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một lần bàn việc quyên góp giúp đồng bào nghèo, anh Lê Danh, một Việt kiều Mỹ kể: “Bà con ở nước ngoài luôn mong muốn có dịp gửi tiền, quà về giúp người nghèo trong nước. Mỗi lần có người chuẩn bị về nước, chúng tôi lại tổ chức một bữa tiệc và mời người thân, bạn bè đến. Thay vì trả tiền ăn, mọi người góp tiền lại chuyển về ủng hộ cho bà con nghèo ở quê hương”.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND cùng các nhà hảo tâm tại “bữa tiệc từ thiện” - Chương trình “Tết vì người nghèo xuân Giáp Ngọ 2014.

Nghe những chia sẻ của anh, tôi liền nảy ra ý tưởng sẽ tổ chức một “Bữa tiệc từ thiện” nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền Tổ quốc khi dịp Tết Nguyên đán cận kề.

Ngay Tết năm đó, “Bữa tiệc từ thiện” được thực hiện với hơn 40 nhà hảo tâm tham gia. Số tiền quyên góp, ủng hộ được 40 triệu đồng. Năm sau, chúng tôi lại tiếp tục tổ chức “Bữa tiệc từ thiện” có thêm nhiều Mạnh Thường Quân mới và thu được 130 triệu đồng làm quà Tết cho bà con nghèo.

Hiệu ứng của chương trình sau đó đã có sức lan tỏa rộng rãi. Đến nay, đã gần 17 năm tổ chức, số lượng nhà hảo tâm, đơn vị tài trợ tham dự cũng như số tiền quyên góp, ủng hộ chương trình đã tăng lên đáng kể.

Đáng chú ý, từ năm 2010 đến nay, năm nào cũng vậy, “Bữa tiệc từ thiện” dịp cuối năm đều quyên góp được hơn 1 tỷ đồng. Cá biệt có năm, chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra bữa tiệc, số tiền quyên góp còn lên đến gần 2 tỷ đồng. Anh Việt kiều Lê Danh dù ở Việt Nam hay ở Mỹ hàng năm đều nhớ “Bữa tiệc từ thiện” và xin được đóng góp.

Có người đã góp gạo cho bữa cơm từ thiện suốt 16 năm qua như: anh Ngô Bửu Khánh, anh Lưu Quốc Cường, anh Lâm Tấn Lợi,…

Và năm nay bữa cơm từ thiện thứ 17 chắc chắn các anh chị đó cũng có mặt. Trong những chuyến đi trao quà, chúng tôi đều mời các nhà hảo tâm cùng đi.

Bên cạnh những doanh nghiệp, “Bữa tiệc từ thiện còn được góp sức của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ khi biết tin Báo CAND & Chuyên đề ANTG tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo” – “Bữa tiệc từ thiện” đã đến ca, hát miễn phí. Thậm chí, khi biểu diễn xong, số ca sĩ, nghệ sĩ này còn lấy tiền cá nhân để ủng hộ cho chương trình như ca sĩ Hồng Vân, Ngọc Sơn, MC Thanh Bạch, Xuân Giao, Trầm Ca v.v...

Điều đó đã cho thấy, chương trình “Tết vì người nghèo” hay còn gọi là “Bữa tiệc từ thiện” vào dịp cuối năm ở phía Nam đã và đang có sức lan tỏa rộng rãi.

Thượng tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND cùng đại diện Công an tỉnh Cao Bằng trao quà Tết tới đồng bào nghèo xã Thụy Hùng (Cao Bằng).

Trung tá Nguyễn Văn Long - Phó trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Báo CAND, kiêm Trưởng Văn phòng Thường trú Báo CAND tại miền Trung: “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Mỗi khi nhắc đến quê hương miền Trung là tôi chạnh lòng, nghĩ ngay đến câu thơ của Hoàng Trần Cương: “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt”!.

Đã gần 30 năm theo nghề viết báo, lăn lộn với mảnh đất miền Trung, tôi đã tận mắt chứng kiến bao cảnh đời hẩm hiu, bất hạnh, và nghĩ câu thơ kia cũng chỉ lột tả phần nào về cái nghèo, cái khó của con người sinh sống trên mảnh đất đầy khắc nghiệt, phải thường niên hứng chịu thiên tai, bão lũ…

Cũng vì thế, trong tôi luôn in đậm kỷ niệm những chuyến công tác XHTT của Báo CAND.

“Với mảnh đất này, chúng tôi không tiếc gì cả!”, tôi nhớ Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND, trong một chuyến đi về đất anh hùng Quảng Nam, đã nói như vậy. Mà đâu có sai. Rất nhiều lần về các tỉnh, thành miền Trung trao quà từ thiện, khi thấy địa phương quá khó khăn, ông lại tiếp tục bảo anh em chúng tôi lấy thêm tiền để cho. Cho nên, biết rõ “tính cách” của ông, mỗi khi cùng ông đi làm việc thiện, tiền trao 100 triệu thì phải tạm ứng mang theo chí ít cũng 200 hoặc 300 triệu mới đủ.

Trung tá Nguyễn Văn Long trong một chuyến đi trao quà tình nghĩa.

Tôi cũng chẳng lạ lẫm gì với “tính cách” của Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND khi nhắc về mảng công tác XHTT ở miền Trung. Cứ mỗi lần nghe đài báo bão vượt đảo Lu Dông, Philippines tiến vào Biển Đông, nhắm hướng miền Trung, đã nghe anh điện thoại dặn dò bám sát cơ sở và sau đó bão tan, tiền từ Quỹ XHTT Báo CAND cũng nhanh chóng được “rót” vào để cứu trợ đồng bào bị thiệt hại.

Còn nhớ ngay khi bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, anh vẫn “trực” điện thoại liên lạc với chúng tôi từng giờ. Sau cơn bão dữ, anh trực tiếp vào miền Trung cùng chúng tôi đi cứu trợ. Dù là lãnh đạo, Tổng Biên tập bận trăm công ngàn việc, nhưng mỗi khi nghe điện thoại chúng tôi báo cáo việc vận động quyên góp cho những đợt từ thiện – xã hội ở miền Trung, giọng anh vui, ấm lạ.

Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban TKTS (thứ hai từ phải qua) thăm hỏi và trao 2 triệu đồng từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của Báo CAND cho anh Phạm Văn Tuyền, Công an viên xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, Ninh Bình, bị thương trong khi dũng cảm ngăn chặn một vụ gây rối trật tự công cộng (tháng 2-2016).

Trung úy Trần Quang Huy, phóng viên Ban Pháp luật – Bạn đọc: Rơi nước mắt khi nhìn vợ trẻ, con thơ trong lễ tang chiến sỹ Cảnh sát Cơ động

9h, ngày 19-7-2014, trở về Hà Nội sau chuyến công tác dài ngày ở tỉnh Lào Cai, tôi nhận được điện thoại của lãnh đạo Ban Pháp luật – Bạn đọc giao nhiệm vụ cùng PV Trần Xuân, Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ lên Sơn La thăm hỏi, sẻ chia mất mát với gia đình đồng chí Chiêm, cán bộ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động ngay trong đêm.

Không chút chậm trễ, chúng tôi lập tức lên đường. Đồng chí Chiêm hy sinh vào rạng sáng 19-7, trong cuộc đọ súng nảy lửa với những ông “trùm” buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn tại khu vực Thung Cuông, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ).

Trung úy Trần Quang Huy cùng Công ty Motorola Solutions thăm hỏi, tặng quà, sẻ chia mất mát với gia đình đồng chí Lường Phát Chiêm.

Hôm đưa tiễn anh về với đất mẹ, mưa rừng giăng kín trên các ngọn đồi. Dòng người nối nhau từ các ngả đường đổ về bản Pán II, xã Chiềng Ly (huyện Thuận Châu) để san sẻ đau thương với gia đình anh. Những vòng hoa tưởng nhớ sự ra đi của anh cứ thế xếp thành hàng dài.

Bên chiếc quan tài được phủ lá cờ Tổ quốc, ẵm đứa con thơ trong tay, chị Tòng Thị Hiếu đứng không nổi. Đôi mắt đỏ hoe vì tin dữ ập đến với mẹ con chị quá đường đột. Chỉ mới tuần trước thôi, tranh thủ ngày nghỉ trở về nhà, anh còn bồng bế cậu con trai kháu khỉnh mới gần 2 tuổi của mình dạo chơi quanh bản.

Trước hôm cùng đồng đội lên đường nhận nhiệm vụ nơi huyện Vân Hồ, anh có hẹn với vợ con rằng, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẽ trở về dùng bữa với gia đình. Nhưng, lời hẹn ấy của anh đã lỡ… Anh đã ngã xuống vì bình yên cuộc sống.

Phóng viên Văn Vĩnh,Văn phòng Thường trú Báo CAND tại Đồng bằng sông Cửu Long: Nhớ mãi lần trao tặng nhà cho bác Nguyện (chợ Gạo,Tiền Giang)

Đã 6 năm, tôi về nhận công tác tại Văn phòng Thường trú Báo CAND tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chừng ấy thời gian, tôi được tham gia các chuyến công tác XHTT của đơn vị kết hợp cùng với Mạnh Thường Quân gửi tặng những tấm lòng thơm thảo đến với đồng bào nghèo trên địa bàn.

Phóng viên Văn Vĩnh.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in lần tác nghiệp hồi ấy. Đó là trường hợp bác Nguyễn Văn Nguyện, ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) khi được Báo CAND và chính quyền địa phương trao nhà tình nghĩa vào hồi tháng 2-2012.

Chính thức được dọn vào căn nhà mới sau nhiều năm sống trong căn chòi dột nát, bác Nguyện đã không tin có ngày được ở trong căn nhà tường còn thơm mùi sơn. Vì vậy, khi phát biểu cảm tưởng, bác Nguyện đã xúc động đến quên luôn 2 từ cảm ơn dù đã ghi sẵn trên tờ giấy trắng đang cầm: “Tôi… tôi hứa sẽ cố gắng thoát nghèo”.

Của cho không bằng cách cho, khi đi trao quà, Báo CAND và các Mạnh Thường Quân thường đến trao trực tiếp những phần quà tới đồng bào nghèo, qua đó góp phần động viên bà con vươn khó.

Từ năm 2011 đến năm 2015, tổng số tiền hỗ trợ và trao tặng cho các hoạt động xã hội – từ thiện của Báo CAND & Chuyên đề ANTG đạt hơn 47 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã phối hợp với các nhà hảo tâm thực hiện nhiều chương trình xã hội – từ thiện như: “Tết vì người nghèo”, “Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí”, “Tặng thẻ bảo hiểm y tế”… với tổng số tiền trên 10,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm Báo CAND phát hành số đầu tiên (1-11-1946-1-11-2016), Báo CAND & Chuyên đề ANTG đã phát động và triển khai chương trình “70 năm Báo CAND – 70 nhà tình nghĩa”. Đến nay, đã có hơn 100 căn nhà tình nghĩa được trao tặng tới gia đình các cán bộ chiến sĩ Công an có hoàn cảnh khó khăn.

Trần Huy (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/thap-len-ngon-lua-nhan-ai-nhung-ky-niem-kho-phai_so-70-nam-414721/