Thảo luận nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủy lợi và dự án Luật Du lịch (sửa đổi).

Đánh giá cơ chế “giá dịch vụ thủy lợi”, phát triển du lịch

Dự thảo Luật Thủy lợi được xây dựng trên cơ sở chủ trương xã hội hóa công tác thủy lợi, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, Luật nhằm chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi” để thay đổi nhận thức, coi công tác thủy lợi mang tính phục vụ sang tính dịch vụ, đưa hoạt động thủy lợi tiếp cận với cơ chế thị trường.

Công tác thủy lợi sẽ chuyển từ cơ chế phục vụ sang dịch vụ, tiếp cận cơ chế thị trường. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều ĐBQH cho rằng, việc xem xét xây dựng Luật Thủy lợi cần đặt trong bối cảnh mới, cần tập trung tận dụng công nghệ mới, tiết kiệm nước, từ bỏ tư duy xây dựng các công trình lớn, hồ đập cao để phát triển thủy lợi.

Đặc biệt, để chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”, cần đánh giá kỹ tác động đến chính sách “tam nông”, tránh những tác động tiêu cực. Việc miễn thủy lợi phí nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân, không nên hỗ trợ qua doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có 10 chương, 79 điều. Việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013…, tạo điều kiện cho Ngành Du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Đồng tình với những phân tích về sự cần thiết phải ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến tập trung phân tích và đề xuất hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tạo động lực phát triển để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch nên quy định riêng trong một chương. Trong đó, phải quy định rõ trách nhiệm toàn diện của UBND các cấp: Nhất là trách nhiệm quy hoạch du lịch, phát triển hạ tầng du lịch. Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch là phải khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân phát triển du lịch, quản lý được chất lượng du lịch, môi trường du lịch...

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, gồm 6 chương, 45 điều, là bước đi quan trọng cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp.

Dự án luật quy định các nội dung hỗ trợ cơ bản đối với DNNVV như: Gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đáng chú ý, luật quy định không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV mà những hỗ trợ cơ bản này thực hiện chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DNNVV.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết và quan trọng, nhưng chưa đủ để tạo thuận lợi thực sự hỗ trợ DNNVV phát triển. Vì vậy, bên cạnh luật, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ rào cản, tạo điều kiện tốt nhất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, quyền tự do kinh doanh của DN và công dân.

Cũng trong ngày làm việc thứ 15, thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, các ĐBQH đồng tình cao cần miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Đây là chính sách khoan sức dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ.

Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả

407/420 ĐBQH có mặt đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch đặt mục tiêu thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các DN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN-4). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%...

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/854506/thao-luan-nhieu-du-an-luat-nghi-quyet-quan-trong