Thảo luận dự án Luật Hòa giải cơ sở

Ngày 16-8, tiếp tục Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận về dự án Luật Hòa giải cơ sở.

Phần lớn đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải cơ sở, nhằm nâng cao tính pháp lý của hoạt động hòa giải cơ sở, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, đồng thời giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh và phạm vi hòa giải cơ sở, nhiều đại biểu đồng tình với quy định trong dự thảo luật chỉ điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, thực tiễn cho thấy nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ được hòa giải thông qua các hình thức thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở như hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã hội, người đứng đầu dòng họ, già làng, trưởng bản. Do vậy, dự thảo luật cần bổ sung một số quy định, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa tổ hòa giải, hòa giải viên với các hình thức hòa giải khác trên địa bàn dân cư và việc có tổ chức hòa giải ở cơ sở không có nghĩa là loại bỏ những hình thức hòa giải khác. Một số đại biểu cũng đề nghị, dự thảo luật cần chú ý tới nguyên tắc phát huy truyền thống tương thân tương ái trong cộng đồng xã hội và dòng họ trong hoạt động hòa giải cơ sở.

Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc bổ sung biên chế cho Viện Kiểm sát Nhân dân nhiệm kỳ 2011 - 2015 và một số vấn đề về công tác xây dựng ngành kiểm sát.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/2.670/th-o-lu-n-d-an-lu-t-hoa-gi-i-c-s-1.362974