Tháo gỡ vướng mắc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Việc thủ tục rườm rà, phải kê khai thuế, thường xuyên bị thanh kiểm tra,… khiến nhiều hộ kinh doanh (KD) e ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp (DN).

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư Vấn thuế Việt Nam, hộ KD quy mô nhỏ, tiếp cận vốn khó khăn, trình độ tay nghề chưa đáp ứng quy mô sản xuất kinh doanh thay đổi.

“Muốn chuyển đổi lên DN, cơ sở vật chất, công nghệ, quản lý cũng cần phải chuyển đổi theo. Phải có kế toán kiểm kê sổ sách, phải đóng góp các khoản bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, bà Cúc nói.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: hộ KD đã ý thức rõ hạn chế và ưu thế của mình khi chuyển đổi lên DN. Hộ KD bị ràng buộc nhiều về mặt thương quyền, điều này hạn chế về hoạt động kinh tế. Nhưng khi chuyển đổi lên DN sẽ dễ tiếp cận các chính sách của Nhà nước hơn.

“Cần cởi trói tất cả hạn chế về tiềm năng phát triển, tạo đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế. Vấn đề hiện nay là cần cải cách môi trường KD, bãi bỏ các chính sách hạn chế, rào cản trong hoạt động KD; cải cách chế độ thuế; động viên hộ KD chuyển đổi lên DN. Thiết lập khuôn khổ pháp luật cao hơn để quản lý nhưng không gây khó khăn cho DN. Bản chất của chuyển đổi là tạo một đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp”, ông Hiếu kiến nghị.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nêu ý kiến: “Cần điều chỉnh mức thuế suất theo hướng DN siêu nhỏ đóng thuế thấp hơn so với DN và nên nộp trực tiếp cho Nhà nước, chứ không cần thông qua cán bộ thuế, để giảm những thủ tục chung chia. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục thuế, kế toán cho các mô hình DN siêu nhỏ. Hãy để hộ KD suy nghĩ trên “luống cày” của họ, quyền quyết định của họ. Dù là nhỏ nhưng phải KD minh bạch, đúng quy định theo xu hướng hội nhập hiện nay, hộ KD lên DN siêu nhỏ sẽ có nhiều cơ hội kết nối, giao thương”.

Trước những băn khoăn của các hộ KD hiện nay liên quan đến vốn, thuế,…, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó GĐ Ngân hàng Nhà nước (chi nhánh TP.HCM) chia sẻ, nếu DN nhỏ không có tài sản thế chấp ngân hàng thì ngân hàng có thể cho các DN thế chấp bằng công nợ, dòng tiền của họ. Nhưng nếu là hộ KD thì hơi khó khăn, vì vậy, hộ KD nên chuyển đổi lên DN để hưởng những chính sách ưu đãi.

Riêng việc các DN muốn nhờ ngân hàng giúp DN làm kế toán, trả lương cho nhân viên để bớt việc, ông Nguyễn Nam Bình - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn DN vào trang hỗ trợ DN sẽ có các đơn vị cung cấp phần mềm, kế toán, dịch vụ miễn phí giúp DN. bà Cúc cho hay.

Đại diện một hộ KD đặt vấn đề cơ quan thuế có miễn phí thuế hay giảm chi phí cho hộ KD khi chuyển đổi lên DN, ví dụ “khuyến mãi” trong 3 năm?, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ quản lý thu nhập cá nhân, Tổng cục thuế - Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi có cân nhắc nhưng nếu chúng tôi giảm thuế thì chắc chắn sẽ 100% hộ KD lên DN và sau 3 năm hết giảm thì DN sẽ lại trở về hộ KD. Đây là bài toán khó chưa giải được. Vì vậy, chúng tôi hướng đến hỗ trợ DN hơn là miễn thuế”.

Theo số liệu Cục thuế TP.HCM, hiện thành phố có 14.821 hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn và 21.209 hộ kinh doanh lớn (theo tiêu chí kinh doanh trên 100 triệu đồng/tháng với một số địa bàn) nhưng sử dụng hóa đơn. Qua kiểm tra sơ bộ, TP.HCM đã có 14.000 hộ kinh doanh đủ điều kiện để lên doanh nghiệp nhưng vẫn “núp bóng” hoạt động ở dạng hộ kinh doanh cá thể.

Nguyễn Cẩm

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/mua-sam/thao-go-vuong-mac-chuyen-doi-ho-kinh-doanh-len-doanh-nghiep-99088/