Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa gửi một số kiến nghị đến các cơ quan hữu quan về sửa đổi một số điều trong dự thảo Nghị định 67/2013/NĐ-CP, điển hình là quy định cấp tem có thu tiền.

Kiến nghị sửa đổi một số điều, khoản

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) về kinh doanh thuốc lá đã giúp các DN tự chủ và có ý thức hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất - kinh doanh thuốc lá thì một số điều trong dự thảo sửa đổi chưa thiết thực với ngành thuốc lá, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Tại Khoản 3, 4 Điều 3, dự thảo quy định: “Sợi thuốc lá” và “thuốc lá sợi” đều là sản phẩm. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng, quy định này có thể gây hiểu nhầm là cả 2 sản phẩm này đều được bán cho người tiêu dùng để sử dụng trực tiếp. Trên thực tế, vì sự hiểu nhầm nói trên một số cơ quan nhà nước có ý định áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với “sợi thuốc lá” tương tự thuốc lá thành phẩm. Để tránh hiểu nhầm như vậy, Hiệp hội kiến nghị “sợi thuốc lá” quy định tại khoản 3, điều 3 nên được ghi nhận rõ là “nguyên liệu thuốc lá” để sản xuất sản phẩm thuốc lá thay vì là sản phẩm thuốc lá hoàn thiện. Việc ghi nhận như vậy là hợp lý khi Luật PCTHTL 2012 (Khoản 3, Điều 2) đã định nghĩa “nguyên liệu thuốc lá” bao gồm cả “sợi thuốc lá”.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy thuốc lá lậu.

Ngoài ra, tại điều 20 của Nghị định (dự thảo) quy định: Đến năm 2017 sản lượng các sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất được quy đổi ra thuốc lá điếu (loại 20 điếu/bao) phải đạt từ 100 triệu bao/năm (gồm sản lượng sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) trở lên, trường hợp không đạt được sản lượng trên sẽ phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc sáp nhập với DN có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá khác.

Việc áp dụng quy định này hiện không phù hợp bởi Luật PCTHTL như in hình cảnh báo, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá làm giảm nhu cầu đối với sản phẩm thuốc lá. Thuế tiêu thụ đặc biệt ngày càng tăng và hình cảnh báo cũng làm tăng mạnh tính hấp dẫn của thuốc lá điếu nhập lậu. Điều này hiện nay làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng của nhiều đơn vị trong Tổng công ty, khiến không đạt mức sản lượng 100 triệu bao/năm vào thời điểm 2017 như yêu cầu tại NĐ 67.

Bên cạnh đó, các công ty con sản xuất thuốc lá điếu trong TCT vừa mới thực hiện đề án tái cơ cấu theo Quyết định 166/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này các công ty con đều là công ty TNHH MTV. Đa số các đơn vị này vẫn đang thích ứng dần với cơ cấu mới và cấu trúc lại cách thức tổ chức hoạt động của mình để hoạt động hiệu quả và giảm cạnh tranh nội bộ. Nếu 2017 mà yêu cầu lại tiếp tục yêu cầu các đơn vị này tái cơ cấu (sát nhập, chuyển đổi ngành nghề) thì sẽ gây xáo trộn rất lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của doanh nghiệp và người lao động. Do vậy kiến nghị lùi thời gian áp dụng quy định này tới năm 2020, tức sau thời điểm cổ phần hóa Tổng Công ty.

Đối với việc thực hiện phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, Hiệp hội đề nghị sửa đổi thành: “Thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo quy định đều bị tịch thu để tiêu hủy” thay vì chỉ quy định “thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo quy định đều bị tịch thu để tiêu hủy. Thuốc lá lậu bị tịch thu và xử lý theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.” như Nghị định 67 hiện nay.

Lý giải về đề xuất này, Hiệp hội nêu rõ: Đề nghị tiêu hủy thuốc lá lậu để phù hợp với quy định của cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, Khoản 5, Điều 26 Luật PCTHTL yêu cầu Chính phủ phải quy định hướng dẫn xử lý thuốc lá lậu mà không được ủy quyền lại, vì vậy, việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu cần được quy định ngay tại Nghị định này.

Ngoài ra, thực tế tại Việt Nam cho thấy các loại thuốc lá nhập lậu được tái xuất, thì nguy cơ quay tái thẩm lậu về Việt Nam là rất cao vì các lý do sau: Thuốc lá JET, HERO (hiện chiếm 80%-90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam) không phù hợp với các nước trong khu vực, chỉ được người tiêu dùng Việt Nam biết đến và thực tế hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Do không in cảnh báo sức khỏe, không in nơi sản xuất, không in thời gian sản xuất và không có giấy xác nhận chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu này không đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu ở đa số các nước; việc tái xuất đến một thị trường nước ngoài nào đó là không thực tế, nếu có thì cũng chỉ để đưa trở lại Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại điều 36 về Quản lý nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá, Hiệp hội cũng kiến nghị bổ sung thêm quy định doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá để chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu hoặc gia công chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu. Việc bổ sung quy định này tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất sản phẩm thuốc lá có thể chủ động tiến hành chế biến, gia công nguyên liệu để xuất khẩu nhằm tăng thu ngoại tệ, tạo thêm công ăn việc làm và tận dụng máy móc hiện có.

Cấp tem thu tiền: Cần hợp lý

Đối với quy định dán tem sản phẩm thuốc lá, mới đây Bộ Tài chính có công văn số 15894/BTC-CST ngày 7/11/2016 đề nghị sửa đổi điều 32 về tem thuốc lá. Theo đó, yêu cầu cấp tem có thu tiền và giao Bộ Tài chính quyết định giá bán tem. Hiệp hội cho rằng đề xuất nêu trên là không hợp lý bởi:

Việc cấp tem thuốc lá có mục đích chính là để quản lý nhà nước, quản lý hoạt động thu thuế. Hàng năm ngân sách nhà nước đã thu được khoảng 18.000 đến 20.000 tỉ từ ngành thuốc lá.Con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tăng từ 70% lên 75% từ 1/1/2019, chưa kể khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tăng từ 1,5% lên 2% từ 1/5/2019. Chi phí cấp tem theo Bộ Tài chính là khoảng 100 tỉ một năm là không lớn nếu so với khoản thu trên. Vì nhà nước bắt buộc DN dán tem thuốc lá để phục vụ mục đích chính là quản lý Nhà nước. Do vậy không nên yêu cầu DN bỏ tiền mà nên dùng một phần tiền thuế trên để chi cho khoản này.

Việc thu tiền cấp tem thuốc lá không phù hợp với Luật Phí và lệ phí 2015. Đề xuất của Bộ Tài chính đồng nghĩa với việc DN sản xuất thuốc lá phải nộp một “khoản tiền được ấn định”, tức giá bán tem do Bộ Tài chính đơn phương quyết định. Mục đích của việc cấp tem theo phân tích ở trên chủ yếu là để “phục vụ công việc quản lý nhà nước”, cụ thể là thu thuế. Như vậy, khoản tiền này chính là một loại lệ phí theo định nghĩa tại Luật Phí và lệ phí 2015. Tuy nhiên, tiền cấp tem thuốc lá không thuộc bất kỳ hạng mục nào trong danh mục phí, lệ phí (được phép thu) ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí 2015.

Bộ Tài chính cho rằng tem thuốc lá do Bộ phát hành đã trở thành thương hiệu của ngành sản xuất thuốc lá, việc cấp tem giúp người tiêu dùng phân biệt được thuốc lá lậu và thuốc lá hợp pháp là chưa phù hợp. Tuy nhiên, cơ sở này không phù hợp. Bởi, điều dễ nhận thấy, thuốc lá lậu không in hình cảnh báo trong khi thuốc lá lưu thông hợp pháp phải có cảnh báo bằng hình ảnh chiếm 50% diện tích mặt trước và sau của bao và tút thuốc lá. Thuốc lá Jet và Hero (chiếm 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam) hoàn toàn không in cảnh báo sức khỏe. Đó mới là dấu hiệu cảm quan và chính yếu nhất để người dùng phân biệt thuốc lá lậu với thuốc lá hợp pháp.

Việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh thuốc lá là rất quan trọng và cần thiết, song việc xây dựng các điều, khoản của Nghị định phải phù hợp với tình hình thực tế sản xuất trong nước, nếu không sẽ có tác dụng ngược và tạo môi trường thuận lợi cho thuốc lá nhập lậu chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị các cơ quan cân nhắc, xem xét và chấp nhận, ủng hộ giữ nguyên việc không thu tiền tem thuốc lá cho DN có Giấy phép sản xuất thuốc lá như hiện tại.

Quỳnh Trang

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-47623-47623.html