Tháo gỡ khó khăn cho công trình nhiệt điện đầu mối (Kỳ 1)

Ðẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng các công trình đầu mối, nhất là các nhà máy nhiệt điện đầu mối luôn là yêu cầu cấp bách, được Chính phủ, chủ đầu tư và các nhà thầu hết sức quan tâm. Trên thực tế, việc triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn. Nguy cơ 'lụt' tiến độ, chậm hoàn thành công trình luôn hiện hữu, đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Kỹ sư của các nhà thầu trao đổi phương án thi công trên công trường Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, tỉnh Hậu Giang.

Bài 1: Căng mình chạy đua tiến độ

Hai nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang) và Long Phú 1 (Sóc Trăng) có điều kiện thi công khá tốt. Thời tiết, khí hậu vùng đồng bằng Nam Bộ tương đối ôn hòa, giao thông thuận tiện. Tuy nhiên, những ràng buộc về cơ chế, quy định khiến tốc độ triển khai hai dự án này luôn bị trì hoãn, cho dù các nhà thầu, kỹ sư và công nhân trên công trường đã hết sức cố gắng.

Sẵn sàng trên công trường

Tại công trường dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, hơn 1.000 kỹ sư, người lao động đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục được giao. Tất cả đều hăng say, tập trung vào công việc với mong muốn bảo đảm kế hoạch đề ra.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu vực lắp đặt kết cấu thép lò hơi số 1 độ cao gần 80 m, Phó Trưởng phòng Thi công xây lắp Ban quản lý dự án (BQLDA) Ðiện lực dầu khí Long Phú 1 Vũ Ngọc Tuấn cho biết, mỗi ngày có khoảng 1.100 người lao động tham gia thi công trên công trường. Thời kỳ cao điểm, tổng nhân lực huy động lên tới hơn 3.000 người. Hiện tại, toàn dự án đạt khoảng 64% tiến độ; trong đó, phần thi công đạt 44%, phần kết cấu thép lò hơi số 1 và số 2 đã cơ bản hoàn thành. Riêng phần kết cấu thép nhà tua-bin máy phát, tổ máy 1 đã hoàn thành hơn 60%; tua-bin máy phát, tổ máy 2 mới xong phần móng, đang chuẩn bị lắp kết cấu thép.

Anh Tuấn cho biết thêm, mặc dù quá trình thi công công trình có những thuận lợi như lực lượng kỹ sư, người lao động bảo đảm trình độ, sự ưu đãi của khí hậu, tuy nhiên, vật tư thi công do nhà thầu chính PM của Nga chậm cung cấp đã làm tiến độ thi công xây lắp bị kéo dài so với kế hoạch. BQLDA phải đốc thúc, chỉ đạo để các bên liên quan, nhất là nhà thầu chính nhanh chóng khắc phục hạn chế, cung cấp đầy đủ, kịp thời vật tư nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án đi vào hoạt động ổn định.

Tương tự, tại công trường dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng đang khẩn trương thi công các hạng mục để đuổi kịp tiến độ. Phó Trưởng ban phụ trách BQLDA Ðiện lực dầu khí Sông Hậu 1 Nguyễn Thanh Bình cho biết, tiến độ dự án hiện đang bị chậm khoảng 12% so kế hoạch. Nguyên nhân do dự án được lập từ cuối năm 2009; đầu năm 2010, khi đó đơn giá xây dựng không còn phù hợp thực tế hiện tại, gây khó khăn trong quá trình quyết toán, thực chi xây dựng, thi công lắp đặt. Các đơn vị làm việc trên công trường đều nỗ lực triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ; BQLDA cũng tập trung phối hợp các nhà thầu rút ngắn thời gian, linh hoạt hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh quyết toán nhằm hỗ trợ những khó khăn chưa thể giải quyết trong "một sớm một chiều".

Còn nhiều rào cản

Một trong những khó khăn đầu tiên là công tác thực thanh, thực thu theo Quyết định 2414/QÐ-TTg (Quyết định 2414) về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020. Trước hết, phải khẳng định, đây là quyết định hết sức kịp thời, đúng đắn, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản. Nhưng thực tế triển khai, đã phát sinh một số vướng mắc ảnh hưởng tiến độ thi công xây dựng.

Ðơn cử, các gói thầu thi công đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu bảo vệ ý tưởng đến khâu thanh quyết toán. Ðơn giá, phải được kiểm duyệt trước rồi mới triển khai thi công và khi thi công xong phải được nghiệm thu mới thanh toán theo đơn giá tạm tính. Tổng giá trị thanh toán là 80% (giữ lại 20% dự phòng, khi thống nhất đơn giá mới thanh toán nốt). Quá trình này phải qua rất nhiều khâu, nhiều thủ tục phức tạp. Nếu ách tắc một khâu nào đó, hoặc thay đổi, bổ sung, lại phải quay vòng, lặp lại quy trình như cũ, kéo theo rất nhiều thủ tục phát sinh, nhất là chi phí quản lý.

Giám đốc Ban dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 - LILAMA Phạm Hồng Sơn cho biết, cơ chế này vô hình trung đã khiến tiến độ không thể đẩy nhanh được. Nhiều nhà thầu không mặn mà tham gia các gói thầu, vì càng làm càng thấy khó, không thể ước lượng được mức lợi nhuận của mình với đơn giá tạm tính và thanh toán tạm ứng 80% gói thầu.

Khó khăn trong thanh quyết toán một phần xuất phát từ hệ thống định mức, đơn giá xây dựng. Mặc dù, đây không phải là những dự án nhiệt điện đầu tiên trên cả nước, nhưng nhiều khâu, công đoạn chưa được cập nhật vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ, nghiệm thu, nhất là trong bối cảnh tăng cường kiểm soát, thanh quyết toán theo Quyết định 2414. Ðiều này gây ảnh hưởng đến các dự án nêu trên, cho dù phía chủ đầu tư PVN đã hỗ trợ ở mức cao nhất. Phó Giám đốc phụ trách BQLDA Sông Hậu 1 (PVN) Nguyễn Thanh Bình cho rằng, chính những vướng mắc trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến tình trạng hạn chế những sáng kiến kỹ thuật trên công trường. Một số định mức tiêu chuẩn thậm chí vẫn còn áp dụng định mức từ những năm 70 của thế kỷ trước, rất lạc hậu với thực tế ngành xây dựng thay đổi chóng mặt như hiện nay. Tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, mặc dù có nhiều đề xuất, sáng kiến có thể rút ngắn thời gian thi công, đem lại lợi ích lớn, nhưng chiếu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành thì chưa có "tiền lệ", do vậy khó xử lý trong khâu quyết toán, hạn chế sự sáng tạo. Ðiều này trực tiếp tác động đến việc tính toán đơn giá xây dựng cho nhà thầu. Với đơn giá tạm tính bó buộc, cộng với việc chậm cập nhật, hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức đơn giá xây dựng khiến các nhà thầu không dám tham gia thêm vào các gói thầu, trong điều kiện siết chặt như hiện nay, mỗi sự thay đổi đều ảnh hưởng đến quá trình thi công xây dựng. Thí dụ, cát xây dựng vừa qua tăng mỗi ngày một giá khiến nhiều nhà thầu phải chọn phương án làm đến đâu thanh toán đến đó, không dám chủ động tham gia thêm các gói thầu tiếp theo, mặc dù đây đều là những gói thầu trong "tầm tay". Rất nhiều nhà thầu đang phải thi công với đơn giá tạm tính thấp hơn đơn giá thực tế (chưa tính đến lợi nhuận), gây khó khăn về tài chính kéo dài cho dù trong hợp đồng vẫn ghi sẽ áp dụng đơn giá điều chỉnh.

Tại dự án Nhiệt điện Long Phú 1, vấn đề định mức, đơn giá xây dựng cũng đang là rào cản lớn, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Giám đốc BQLDA Ðiện lực dầu khí Long Phú 1 Nguyễn Doãn Toàn phân tích, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt từ năm 2009, cộng thêm công tác thực thanh thực chi, khiến việc xác định dự toán chi phí cho các nhà thầu gặp nhiều vướng mắc.

Mặt khác, do thành viên nhà thầu PM (đơn vị phụ trách thiết bị cho dự án) chia nhỏ thành nhiều gói thầu (129 gói) cho nên công tác quản lý thầu phụ rất phức tạp. Công tác thu xếp vốn và thanh toán của dự án còn chậm, đến nay vẫn chưa thu xếp đủ vốn cho dự án, chưa có kế hoạch thanh toán, giao hàng theo tiến độ do khó khăn từ PM, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cho các nhà thầu. Nhiều đơn vị đã không còn đủ nguồn lực để thi công, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung toàn công trình.

Thời gian qua, cả chủ đầu tư và các nhà thầu tại hai dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 và Long Phú 1 đều tích cực huy động mọi nguồn lực có thể nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng nếu không có giải pháp tháo gỡ linh động, kịp thời, việc bảo đảm tiến độ đã điều chỉnh khó khả thi. Thực tế công trường, các nhà thầu vẫn có thể áp dụng những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, mặc dù có thể "đội" chi phí dự án. Xét bài toán kinh tế, sớm đưa dự án vào vận hành thương mại, lợi nhuận thu được còn lớn hơn nhiều so mức tăng chi phí nêu trên. Tuy nhiên, do vướng về cơ chế, đã không có chủ đầu tư nào dám mạnh dạn thực hiện.

(Còn nữa)

Hiện nay, sân trạm kết nối tổ máy phát/máy biến áp chính của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với lưới điện 500 kV đã bị chậm so với mốc đóng điện ngược của hợp đồng khoảng 14 tháng. Ðiều này ảnh hưởng đến công tác thiết kế đấu nối nhà máy với sân trạm, kéo tiến độ chung của toàn dự án chậm theo.

NGUYỄN THANH BÌNH

Phó Giám đốc phụ trách BQLDA Nhiệt điện Sông Hậu 1 (PVN)

Ðơn giá tạm tính áp dụng cho nhà thầu xây dựng từ năm 2009 đã lỗi thời, nhiều đầu mục công việc đơn giá quá thấp khiến nhà thầu thi công phải bù chi phí. Chẳng hạn, lắp đặt kết cấu thép nhà tua-bin/máy phát, đơn giá tạm tính chỉ là hai triệu đồng/tấn kết cấu thép, trong khi thực tế dao động khoảng chín triệu đồng/tấn. Một nghịch lý nữa, đơn giá xây dựng do chủ đầu tư quyết định, nhưng người thụ hưởng lại là các nhà thầu. Do vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá thực tế và đơn giá của chủ đầu tư thường quá lớn.

NGUYỄN ANH TUẤN

Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Long Phú 1 - LILAMA

Hiện nay, sân trạm kết nối tổ máy phát/máy biến áp chính của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với lưới điện 500 kV đã bị chậm so với mốc đóng điện ngược của hợp đồng khoảng 14 tháng. Ðiều này ảnh hưởng đến công tác thiết kế đấu nối nhà máy với sân trạm, kéo tiến độ chung của toàn dự án chậm theo.

NGUYỄN THANH BÌNH

Phó Giám đốc phụ trách BQLDA Nhiệt điện Sông Hậu 1 (PVN)

Ðơn giá tạm tính áp dụng cho nhà thầu xây dựng từ năm 2009 đã lỗi thời, nhiều đầu mục công việc đơn giá quá thấp khiến nhà thầu thi công phải bù chi phí. Chẳng hạn, lắp đặt kết cấu thép nhà tua-bin/máy phát, đơn giá tạm tính chỉ là hai triệu đồng/tấn kết cấu thép, trong khi thực tế dao động khoảng chín triệu đồng/tấn. Một nghịch lý nữa, đơn giá xây dựng do chủ đầu tư quyết định, nhưng người thụ hưởng lại là các nhà thầu. Do vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá thực tế và đơn giá của chủ đầu tư thường quá lớn.

NGUYỄN ANH TUẤN

Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Long Phú 1 - LILAMA

Bài và ảnh: XUÂN THỦY, HOÀNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33803302-thao-go-kho-khan-cho-cong-trinh-nhiet-dien-dau-moi-ky-1.html