Thành viên HĐQT độc lập: 80% doanh nghiệp còn hụt quy định!

Chưa đầy 20% số DN đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) làm đúng tỷ lệ 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) là độc lập theo quy định tại Thông tư 121/2012/TT-BTC.

TNG là một trong số ít DN niêm yết chú trọng việc công bố thông tin bằng tiếng Anh

Đây là một trong rất nhiều thông số đo lường trực tiếp chất lượng công bố thông tin và minh bạch mà HNX sẽ công bố với cộng đồng doanh nghiệp và nhà quản lý trong cuộc họp vào giữa tháng 11 tới.

80% DN không đủ số thành viên HĐQT độc lập

Trong cuộc gặp mặt với các DN niêm yết và DN đại chúng năm 2015, HNX đã tiến hành một cuộc khảo sát nhằm đánh giá mức độ đón nhận của các DN về những thay đổi trong khung pháp lý/mức độ sẵn sàng của DN khi đáp ứng các tiêu chí quản trị tiên tiến/các yêu cầu, đề xuất từ phía DN và đánh giá sự hỗ trợ của HNX với các DN tại sàn này. Kết quả: gần 60% DN tham gia cho rằng, môi trường kinh doanh là yếu tố đầu tiên cần cải tổ, sau đó đến các chính sách điều hành cụ thể như lãi suất, tỷ giá, thuế... Nhiều DN phản ánh quy định pháp lý chưa sát với thực tế, nhiều chính sách có chủ trương, nhưng không có hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến hoạt động quản trị, các DN không ngần ngại bày tỏ một thực tế: việc tìm kiếm thành viên HĐQT độc lập có kinh nghiệm là quá khó, nhất là khi quy định pháp lý yêu cầu 1/3 số thành viên HĐQT phải là độc lập.

Các DN cũng đồng thời phản ánh những lý do trong việc chưa thể cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, chủ yếu vì chưa sắp xếp được nhân sự. Cùng với đó, DN cho biết, khó khăn lớn nhất với họ khi tính việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty là vấn đề nhận thức, chứ không phải là câu chuyện sở hữu gia đình hay nền tảng văn hóa. Nhiều DN cho rằng, việc nhà quản lý muốn họ công bố thông tin bằng tiếng Anh là không cần thiết khi họ không thấy có lợi ích từ việc này...

Trong mùa chấm điểm DN năm 2016, HNX xây dựng 100 câu hỏi khảo sát, trong đó có khá nhiều câu sử dụng để đánh giá sự cân bằng, kỹ năng, năng lực của HĐQT. Chẳng hạn, HĐQT có đủ số lượng thành viên theo quy định không? DN có đủ tỷ lệ 1/3 số thành viên HĐQT độc lập không? DN có thành viên HĐQT nào nắm giữ chức vụ thành viên HĐQT của trên 5 DN khác không?...

Những khó khăn cũng như mức độ thích ứng với quản trị tiên tiến của các DN sẽ được thấy qua các thông số cụ thể HNX chia sẻ vào tháng 11 tới, tuy nhiên, đánh giá sơ bộ từ Sở cho biết, điểm số của các DN có tăng, nhưng tăng rất nhỏ so với các năm trước đó.

Chỉ cho DN biết vì sao cần thay đổi

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, liên quan đến quản trị công ty, thông lệ quốc tế chỉ có 5% quy định là bắt buộc; 95% là khuyến khích, nên để DN Việt Nam “ngấm” được, cần rất nhiều thời gian.

“Nhiều người vẫn chưa biết quản trị doanh nghiệp và quản trị công ty có khác nhau gì không, nên nói câu chuyện quản trị công ty với họ không dễ. Thực tế quản trị doanh nghiệp là việc tất cả những ai làm chủ DN đều phải thực hiện để duy trì DN hoạt động, còn quản trị công ty là việc điều hòa mối quan hệ lợi ích giữa các chủ thể có liên quan đến DN đó”, ông Trung nói.

Điểm khó nhất ở Việt Nam, như chia sẻ của ông Trung, là làm cách nào để DN hiểu sự cần thiết về quản trị công ty trong bối cảnh họ đã quen với cách làm cũ, chưa có động lực và sức ép phải thay đổi. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là dừng lại, mà con đường thúc đẩy DN minh bạch, quản trị chuyên nghiệp sẽ được thực hiện trong gian khó, xác định như một “cuộc cách mạng”, hướng DN niêm yết đến chuẩn mực cao hơn.

Chấm điểm chi tiết và công bố điểm số là một trong những nỗ lực chỉ ra những việc DN làm được và chưa làm được khi soi mình vào các quy chuẩn quản trị chuyên nghiệp. Chẳng hạn, quy chuẩn quản trị không cho phép Chủ tịch HĐQT kiêm vị trí Tổng giám đốc.

Trên thực tế, kết quả đánh giá năm nay của HNX cho thấy, Chủ tịch HĐQT của 31% DN niêm yết vẫn kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc tại DN. Tỷ lệ này có chút cải thiện so với năm 2015 (ở mức 34,2%), nhưng việc kiêm nhiệm luôn tiềm ẩn các xung đột lợi ích giữa HĐQT, Ban Tổng giám đốc và các cấp quản lý khác trong DN do quyền hạn và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT và chức danh Tổng giám đốc không có sự tách bạch.

Chủ tịch là người lãnh đạo, điều hành HĐQT để ra các định hướng, chiến lược phát triển công ty và giám sát Ban điều hành, trong khi Tổng giám đốc là người lãnh đạo, điều hành hoạt động của công ty.

Chỉ ra các khoảng hở là cần thiết, nhưng trên nền tảng đó, cần giúp DN hiểu vì sao nên tuân thủ thông lệ quản trị chuyên nghiệp, tuân thủ có lợi gì cho DN, cho cổ đông, cho cộng đồng....? Có như vậy mới hy vọng DN có động lực thay đổi từ bên trong.

Tường Vi

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/thanh-vien-hdqt-doc-lap-80-doanh-nghiep-con-hut-quy-dinh-167957.html