Thanh tra như 'vòng kim cô' kiềm tỏa doanh nghiệp

Đây là nhận định của đại biểu (ĐB) Trần Thị Hiền (Hà Nam) tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), diễn ra chiều qua (23/5).

ĐB Trần Thị Hiền đề nghị “xóa bỏ khoảng trống chính sách” liên quan đến hoạt động thanh tra DN

Không hành động cũng là hỗ trợ doanh nghiệp

Nhắc lại ý kiến đã được đưa ra từ kỳ họp trước về sự cần thiết phải luật hóa quy định về tần suất kiểm tra, thanh tra, kiểm toán không quá 1 lần/năm; kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong 1 lần thanh tra, kiểm tra; lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo tinh thần của Nghị quyết 35 của Chính phủ, ĐB Trần Thị Hiền cho rằng: “Đây thực sự là một nội dung, chính sách vô cùng quan trọng để hỗ trợ, kiến tạo môi trường phát triển lành mạnh cho DNNVV”.

ĐB Hiền cũng thấy rằng, sự chồng chéo, lạm phát hoạt động thanh tra, kiểm tra cho đến nay vẫn như cái “vòng kim cô” kiềm tỏa sự phát triển của DN, nhất là DNNVV, làm méo mó quan hệ giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước “là khoảng trống chính sách cần xóa bỏ”.

Phó Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Hà Nam cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay sau phiên đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN ngày 7/5/2017 vừa qua đã ký ban hành Chỉ thị 20, theo đó chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN để phần nào giải tỏa những bức xúc của cộng đồng DN đã thể hiện sự cần thiết phải luật hóa vấn đề này.

Làm rõ việc miễn giảm phí tư vấn pháp lý

Cũng tại phiên họp, một số ý kiến tiếp tục đề nghị không nên quy định quá nhiều quỹ vì nguồn lực có hạn. Theo ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), chỉ cần 1 quỹ thay vì 3 loại quỹ như trong dự thảo luật. Ngoài ra, ĐB Tô Văn Tám cũng băn khoăn về quy định DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn được nêu trong dự thảo luật.

Cho rằng thực tế cả nước hiện có nhiều DNNVV và trong những DN đáp ứng điều kiện nhận hỗ trợ thì có những DN gây ô nhiễm môi trường, sản xuất hàng hóa kém chất lượng, ĐB Mai Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị quy định rõ những DN có thể được nhận các khoản hỗ trợ là những DN không vi phạm pháp luật về môi trường và các quy định của pháp luật khác; đồng thời loại trừ các DN sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ, không có khả năng phục hồi trong thời gian là 3 năm khỏi phạm vi đối tượng áp dụng.

Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/thanh-tra-nhu-vong-kim-co-kiem-toa-doanh-nghiep-336049.html