Thanh tra Chính phủ: Tọa đàm về cải cách thủ tục hành chính

Chiều 21/9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức tọa đàm về cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tham dự tọa đàm có đại diện các cục, vụ của TTCP và thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Ông Nguyễn Văn Kim - quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì tọa đàm. Ảnh: TTH

Cải cách hành chính (CCHC) được Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Mục tiêu của CCHC nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương đã và đang quyết tâm thực hiện các hoạt động CCHC để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Đối với TTCP, trong những năm qua, công tác CCHC luôn được lãnh đạo TTCP quan tâm, chỉ đạo. Ông Nguyễn Văn Kim - quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: TTCP đã và đang tích cực triển khai các hoạt động của CCHC như ban hành kế hoạch hàng năm, tiến hành khảo sát về hoạt động CCHC của cơ quan, tự chấm điểm chỉ số CCHC, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện CCHC, tổ chức các hội nghị, tọa đàm về CCHC, rà soát, ban hành, công bố các TTHC thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của TTCP.

Liên quan đến các TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành Thanh tra, ông Kim cho biết: Ngày 21/6/2016, Tổng TTCP đã ban hành Quyết định số 1585/QĐ-TTCP về việc công bố TTHC được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của TTCP. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện cho thấy, các TTHC được thống kê trong Quyết định số 1585 chưa đầy đủ, có TTHC thống kê chưa rõ một số tiêu chí. Do đó, TTCP tiếp tục rà soát lại các TTHC để ban hành bộ TTHC mới với các nội dung đầy đủ hơn, cập nhật hơn.

Bà Trần Thị Thúy Mai - Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Vụ Pháp chế cho biết: Các TTHC lần này được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của TTCP, bao gồm: Thủ tục giải quyết khiếu nại, thủ tục giải quyết tố cáo, thủ tục tiếp công dân, thủ tục xử lý đơn thư, các thủ tục trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, có một số TTHC trong lĩnh vực khen thưởng, tổ chức của ngành Thanh tra.

Bà Mai cho rằng: Số lượng các TTHC của TTCP không nhiều, nhưng việc áp dụng các thủ tục này trên thực tế là rất lớn, liên quan trực tiếp đến nhiều người dân. Do đó, đòi hỏi việc thống kê, rà soát phải rất cẩn thận, cụ thể để có bộ TTHC hoàn chỉnh, chính xác.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TTH

Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến đóng góp vào bộ TTCH mới của TTCP.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngân - đại diện Văn phòng Chính phủ đánh giá: TTCP là đơn vị quan tâm kiểm soát TTHC, 9 tháng đầu năm 2017, TTCP đã làm được nhiều việc liên quan đến cải cách TTHC như: Công bố được danh mục chuẩn hóa TTHC của TTCP; kiểm soát được tất cả TTHC; rà soát được các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực của ngành từ tiếp công dân đến giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng...

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Ngân cũng cho rằng, TTCP cần sớm chuẩn hóa công bố TTHC; công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Để làm tốt hơn nữa công tác cải cách TTHC, bà Ngân đề nghị TTCP nghiên cứu kỹ bám sát quy định cụ thể để nhận diện TTHC; nghiên cứu quy định về định nghĩa TTHC; rà soát lại các văn bản pháp luật của ngành, xem văn bản nào cần chỉnh sửa, văn bản nào cần loại bỏ; mẫu đơn, mẫu tờ khai cần quy định số hiệu cụ thể...

Là người trực tiếp làm công tác cải cách TTHC ở cơ quan TTCP, bà Mai cũng chỉ ra một số vướng mắc bất cập trong quá trình triển khai công tác CCHC và chấm điểm xác định chỉ số CCHC của TTCP. Đồng thời kiến nghị Bộ Nội vụ cân nhắc trong việc loại bỏ một số tiêu chí và tiêu chí thành phần.

Bà Mai cho biết: Hiện nay Bộ chỉ số CCHC cấp bộ được ban hành theo Quyết định 436 năm 2016 của Bộ Nội vụ gồm có 32 tiêu chí và 59 tiêu chí thành phần (thuộc nhóm I) và 6 tiêu chí, 28 tiêu chí thành phần (thuộc nhóm II), qua công tác đánh giá chấm điểm để xác định chỉ số CCHC 2016, bà Mai đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc loại bỏ tiêu chí sáng kiến trong CCHC, gộp tiêu chí quy định về kiểm tra công tác CCHC và kiểm tra tình hình tổ chức của các đơn vị.

Để rút ngắn mức thang điểm đối với từng tiêu chí thành phần, bà Mai đề nghị, nên để ở 3 mức độ hoàn thành 100%, hoàn thành từ 85% đến dươí100% và hoàn thành dưới 85%. Đối với thang điểm mức độ hoàn thành kế hoạch thanh tra hiện nay quy định 2 mức thang điểm là chưa phù hợp, đề nghị quy định thành 3 mức. Về thành lập hội đồng chấm điểm đề nghị Bộ Nội vụ nên cử các đại diện của từng bộ, ngành tham gia để đảm bảo tính khách quan, công bằng...

TTH

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thanh-tra-chinh-phu-toa-dam-ve-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh_t114c1059n124646