Thanh tra Bộ VHTTDL kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam

Ngày 14/3, Thanh tra Bộ VHTTDL đã có kết luận về việc kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường tại TP Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 39/QĐ-TTr ngày 21/02/2017 của Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Ảnh minh họa (Ảnh: mywork)

Văn bản nêu rõ, xét báo cáo kết quả kiểm tra ngày 08 tháng 3 năm 2016 của đoàn kiểm tra, Thanh tra Bộ kết luận, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra trực tiếp việc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường tại 05 đơn vị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó bao gồm 01 di tích cấp Quốc gia (Di tích Thành Điện Hải), 01 Khu du lịch danh thắng (Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn), 03 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch (02 khách sạn 5 sao, 01 khách sạn 4 sao).

Tại Quảng Nam, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra trực tiếp việc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường tại 3 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch (2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao) và đi khảo sát tại Di tích phố cổ Hội An.

Các đơn vị được kiểm tra đã phối hợp và thực hiện quyết định kiểm tra theo đúng quy định.

Theo kết luận kiểm tra, về hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch tại Đà Nẵng, Thanh tra Bộ cho biết: nhìn chung, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được kiểm tra tại Đà Nẵng (Fusion Maia Resort, Khách sạn One opera, Khách sạn Mường Thanh) và Quảng Nam (Golden Sand Resort, Boutique Hoian Resort, Palm Garden Resort) đã có cố gắng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi, dịch vụ trong khách sạn, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí cho khách lưu trú.

Thanh tra Bộ đánh giá, do người lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch thường xuyên biến động, các cơ sơ kinh doanh lưu trú du lịch gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nguôn nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong quá trình hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, các đơn vị được kiểm tra còn những tồn tại thiếu sót như: Không đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo quy định; Không đảm bảo tiêu chuẩn trang thiết bị, tiện nghi khác theo quy định; Không treo quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch tại vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân; Không thực hiện đúng quy định về công tác y tế trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao…

Về công tác bảo vệ môi trường, nhìn chung các đơn vị được kiểm tra đã có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bào vệ môi trường. Cảnh quan môi trường tại các đơn vị được kiểm tra cơ bản đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Không tiến hành niêm yết nội quy bảo vệ môi trường, đưa nội dung quy định bảo vệ môi trường tại cơ sở, trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách vào tài liệu hướng dẫn di tích theo quy định; Không báo cáo định kỳ công tác bảo vệ môi trường hàng năm theo quy định; Không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; Không có Giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.

Thanh tra Bộ kiến nghị Tổng cục Du lịch tăng cường chất lượng công tác thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, đảm bảo đánh giá đúng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiểm tra văn bằng, chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ khi thẩm định xếp hạng.

Ngoài ra, kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam tăng cường phổ biến, hướng dẫn cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, khu du lịch di tích trên địa bàn chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh du lịch và bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực lưu trú du lịch; Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao, Thanh tra Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Đoàn kiểm tra đối với các đơn vị được kiểm tra và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/thanh-tra-bo-vhttdl-kiem-tra-hoat-dong-kinh-doanh-du-lich-tai-da-nang-quang-nam-231717.html