Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam còn 'ì ạch'

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ các kênh thanh toán vật lý sang các kênh số hóa, do đó tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chính.

Các thiết bị dành cho ngân hàng, nhà bán lẻ mới nhất được Diebold Nixdorf giới thiệu tại Hà Nội ngày 25/5.

Theo thông tin được đưa ra tại sự kiện kỷ niệm 10 năm chính thức hoạt động tại Việt Nam, đại diện hãng công nghệ Diebold Nixdorf đánh giá Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ các kênh thanh toán vật lý sang các kênh số hóa, do đó tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chủ đạo, dù được giao dịch với cách thức cải tiến và linh hoạt hơn.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua Việt Nam cũng đã có nhiều động thái để cải thiện thực tế.

Đầu năm 2017, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Cùng đó là các nỗ lực thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng).

Với dân số khoảng gần 95 triệu người, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực ngân hàng với hệ thống mạng lưới dịch vụ mở rộng ra ngoài các thành phố lớn đến các vùng nông thôn, nơi có gần 70% người dân vẫn chưa sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Theo thống kê, năm 2016, tổng số máy rút tiền tự động (ATM) tại Việt Nam đạt khoảng 18.000 máy. Dựa trên các dự đoán từ số máy đã lắp đặt của báo cáo Global ATMs 2021, tỳ lệ tăng trưởng gộp hàng năm từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2021 sẽ đạt 3,9%.

Theo Công ty Tư vấn và Nghiên cứu chiến lược RBR2, đã có 496 triệu giao dịch rút tiền được thực hiện trên các máy ATM tại Việt Nam trong năm 2015; số lượng giao dịch hàng năm vẫn đang tăng đều đạt tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm là 12% kể từ năm 2011.

Trao đổi tại sự kiện, ông Neil Emerson, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Diebold Nixdorf, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết thời gian tới hãng sẽ tiếp tục tung ra nhiều giải pháp nhằm giúp các khách hàng trong khối ngân hàng và bán lẻ tại Việt Nam cải tiến thông qua công nghệ và dịch vụ.

Diebold Nixdorf hiện đang hoạt động tại hơn 130 quốc gia với gần 25.000 nhân viên. Tại Việt Nam, hãng đã có 10 năm hoạt động và là nhà sản xuất máy ATM duy nhất có văn phòng chính thức tại Việt Nam, đang cung cấp dịch vụ cho 32 tổ chức ngân hàng với hơn 6.000 máy ATM được triển khai trên cả nước.

Bên cạnh các giải pháp ngân hàng, Diebold Nixdorf còn cung cấp cho lĩnh vực bán lẻ. Hiện tại công ty này đang là một trong những nhà cung cấp dịch vụ điểm bán hàng điện tử (EPOS) chiếm khoảng 20% thị phần tại Việt Nam.

Nguyên Đức

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-viet-nam-con-i-ach-153298.ict