Thành phố Mosul (Iraq): Cận kề một thảm họa nhân đạo

Với sự hậu thuẫn của bộ binh và không quân Mỹ, Anh, Pháp, hơn 30.000 lính Iraq cuối tuần qua chỉ còn cách khu vực ngoại ô TP Mosul chừng 5km. Đây là bước tiến mới trong chiến dịch giải phóng thành trì cuối cùng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq. Đây cũng là chiến dịch quân sự lớn nhất do Iraq thực hiện kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này vào năm 2011.

Tuy nhiên, theo chỉ huy lực lượng chiến binh người Kurd tại Mosul Karim Jinjari, số chiến binh IS còn lại - ước đoán vào khoảng 4.000 đến 8.000 tên - sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để phòng thủ thành phố mang tính biểu tượng của IS. Vì thế, những cuộc giao tranh sẽ ác liệt và ở thế giằng co, đặc biệt ở các khu phố cổ của Mosul, nơi có các cung đường nhỏ hẹp khiến phương tiện cơ giới của quân đội chính phủ khó tiếp cận.

Trận chiến Mosul có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo lớn nhất trong năm 2016.

Trong bối cảnh ấy, số phận của hơn 1 triệu dân thường còn mắc kẹt trong thành phố bị đe dọa nghiêm trọng, điều mà Liên hợp quốc (LHQ) vừa lên tiếng cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tồi tệ. Cuộc tổng tấn công được dự đoán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những cư dân khốn khổ tại Mosul, với hàng trăm nghìn dân thường đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ngay khi cuộc tổng tấn công diễn ra, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) từng cảnh báo IS có thể sẽ sử dụng người dân làm lá chắn sống nhằm bảo vệ thành trì cuối cùng của chúng tại Iraq. Theo chỉ huy Lữ đoàn số 9 của quân đội Iraq, Đại tá Mahdi Ameer, IS đã có những động thái đe dọa, cấm người dân bỏ chạy khỏi thành phố. Bên cạnh đó, mối đe dọa từ các xạ thủ, bom mìn, những chiến hào ngập dầu hỏa, đường hầm, công sự được IS triển khai dày đặc khiến việc hỗ trợ nhân đạo trở nên cực kỳ khó khăn.

Một số nhà chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cho rằng, sự hiện diện của nhiều tay súng người Shiite tham gia cùng quân đội trong đợt tấn công này có khả năng khiến tình trạng bạo lực liên quan đến sắc tộc bùng nổ. Như thế, trừ khi một tuyến đường di tản an toàn được thiết lập, những gia đình còn kẹt lại trong các đống đổ nát của Mosul không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm bám trụ với nguy cơ có thể mất mạng bất cứ lúc nào do bom rơi, đạn lạc cũng như đối mặt với một cuộc sống cực kỳ thiếu thốn.

Thực tế này cho thấy, việc đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Mosul đặt ra cho các tổ chức quốc tế nhiều thách thức. Theo ước tính của LHQ, giao tranh xung quanh thành phố giàu dầu mỏ này đã khiến hơn 5.600 người phải sơ tán từ đầu tuần trước.

Ngoài ra, khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi diễn biến chiến sự tại đây, trong đó có nhiều trẻ em phải sống trong những điều kiện cùng cực kể từ khi đội quân cờ đen chiếm được Mosul năm 2014. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết, đã chuẩn bị lều tạm, nước uống, thực phẩm và thuốc men cho công tác hỗ trợ nhưng khẳng định việc tìm một địa điểm thích hợp để tiếp nhận người lánh nạn không hề dễ dàng.

Số liệu từ Văn phòng Cao ủy LHQ về quyền con người (OHCHR) cho thấy, cơ quan này đã chuẩn bị khoảng 10.014 lều - đủ cho hơn 60.000 người trú ẩn, đồng thời dự kiến triển khai thêm 41.744 lều cho hơn 250.000 người nữa. Cao ủy phụ trách vấn đề người tị nạn của LHQ Filippo Grandi cũng đã đến Jordan để thảo luận với Ngoại trưởng nước chủ nhà Nasser Judeh chuẩn bị khả năng tiếp nhận dòng người di tản khỏi vùng chiến sự Mosul.

Ủy ban Người tị nạn Na Uy (NRC) cũng truyền đi thông điệp yêu cầu các bên cần ưu tiên bảo đảm an toàn cho dân thường. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết đã sẵn sàng cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho trẻ em, ước tính chiếm khoảng một nửa số người di tản. Về phần mình, Bộ Chỉ huy quân đội Iraq đã phát đi thông báo yêu cầu người dân tại Nineveh (bao gồm cả Mosul) cần tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa các vị trí của IS.

Chiếm lại Mosul là ưu tiên chiến lược trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố tàn bạo IS. Dù quân chính phủ đã có những bước tiến đáng kể trên chiến trường, nhưng trận chiến quyết định này chắc chắn không dễ kết thúc trong ngày một ngày hai khi IS quyết tâm tử thủ. Trong bối cảnh đó, thảm cảnh của hơn một triệu nhân mạng đang mắc kẹt tại thành phố này là vô cùng đáng ngại và chính họ hằng ngày phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của xung đột.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/852885/thanh-pho-mosul-iraq-can-ke-mot-tham-hoa-nhan-dao