Thành phố miền Tây Nam bộ trong miên man ký ức

Sau đúng ba mươi năm, tôi trở về sống trên đất Long Xuyên, thành phố êm đềm của miền Tây Nam bộ. Năm 1969, tôi đến Long Xuyên để học đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ)...

Ba năm ở Long Xuyên của một thời tuổi trẻ, thật đẹp và thơ mộng. Vòng quay tình cờ, ở tuổi tứ tuần, tôi lại trở về đây với một tâm hồn già cỗi hơn, nhưng cái tươi trẻ của Long Xuyên vẫn làm tôi rạo rực, bồi hồi. Những kỷ niệm tưởng rằng đã phai mờ trong ký ức như những chiếc lá vàng tưởng ngủ quên sau mùa thu, nào ngờ nó dễ dàng bật dậy khi có sự đánh thức của những bước chân cảm xúc.

Long Xuyên thay đổi quá nhiều so với ba mươi năm trước. Nhưng sự thay đổi này không làm tôi ngạc nhiên và choáng ngộp, vì thỉnh thoảng tôi vẫn về Long Xuyên, vẫn cảm nhận đều đặn sự thay da đổi thịt của những con đường, góc phố; vẫn cảm nhận gió sương trên mái tóc của những người bạn tôi.

Thời đi học tôi say mê nhất là thơ và sách. Đặt chân đến Long Xuyên tôi có ngay một số bạn thơ: Phạm Hữu Quang, Kim Đan, Đoàn Công Án, Yên Uyên Sa, Lộc Vũ… sau đó có thêm Nguyên Lãm, Phan Văn Bảy… Đầu tuần, nhận được tiền của gia đình, tôi đều “nướng” vào hiệu sách Vinh Ba và Yến Phương. Cho nên tuần nào có nhiều sách hay tôi phải nhịn ăn sáng dài dài. Tôi cũng là khách hàng quen thuộc của hai sạp báo Vân và An Phú trên đường Thoại Ngọc Hầu (Lê Minh Ngươn ngày nay) trước đầu dãy bán cơm và giải khát bên cạnh rạp Tân Đô.

Cũng chính nơi đây tôi đặt cơm tháng tại quầy của Bà Năm, giá chỉ có 1.800 đồng một tháng. Mỗi bữa ăn gồm có cơm trắng (ăn no), một tô canh và một dĩa đồ mặn nấu rất chất lượng, chỉ có 60 đồng. Điều thú vị ở quán cơm này là ăn bữa nào ghi sổ bữa nấy, có bạn bè cứ mời tới, mấy người ghi mấy phần, hôm nào vắng mặt không tính, khỏi cần báo trước gì cả. Ngày nay Long Xuyên có nhiều quán cơm bình dân, mỗi phần ăn cũng tương tự như xưa nhưng chất lượng thấp hơn, giá 5.500 đồng một phần.

Chúng tôi đến sạp báo coi cọp mười tờ mới mua một tờ. Nói là coi cọp chớ chỉ lật sơ qua xem có in bài của mình không. Nếu có thì mua tờ báo về kỷ niệm vì hồi đó báo đăng thơ không trả nhuận bút mà cũng chẳng có báo biếu. Nếu không có bài thì cũng mua đại một tờ để chủ sạp không nhìn mình với đôi mắt mất thiện cảm.

Chiều chiều, chúng tôi thường chạy honda xuống Tầm Bót, Cái Sao uống cà-phê ở các quán bên đường và nghe nhạc tiền chiến. Văn nghệ thời đó chỉ có cà-phê, không biết nhậu nhẹt như bây giờ. Đường đi Vàm Cống còn hẹp, nhưng ít xe, nhà thưa thớt. Bây giờ đường được mở rộng nhưng người xe cuồn cuộn, nhà cửa san sát.

Có những giờ nghỉ học, chúng tôi vào rạp Minh Hiển xem phim thường trực (phim chiếu liên tục, không ấn định giờ) hoặc ra hồ Nguyễn Du hóng gió. Con đường Lê Lợi có hàng cây cổ thụ rất nên thơ, chiếc cầu Giao Duyên vắt qua hồ soi bóng nước tạo thêm nét trữ tình và lãng mạn. Ngày nay hồ Nguyễn Du được sửa sang khá đẹp và sạch, nhất là về đêm, những ngọn đèn lung linh tạo nên vẻ kỳ ảo cho mặt hồ. Tôi ngồi trên băng đá, nhìn những đôi bạn trẻ kề vai nhau thả bộ ven hồ, nhớ thời xuân xanh của mình nhưng tiếc là không thể kéo lại được.

Long Xuyên cách Châu Đốc chỉ hơn 50 cây số, nhưng thời đó tuyệt đối không có bún nước lèo, bù lại có quán phở Tứ Xuyên rất tuyệt. Nghe đâu, mỗi ngày tiêu thụ cả một con bò nghé, nên thịt mềm, ngon mà nước súp cũng đậm đà hương vị. Khi trở về đây, tôi tìm ngay đến tiệm phở Tứ Xuyên, nhưng không còn như ngày xưa nữa. Quán được xây dựng khang trang hơn nhưng khách không còn đông và mùi phở cũng khác, chẳng biết do khẩu vị của mình thay đổi hay tiệm đã đổi thợ nấu!

Ở Long Xuyên hồi đó có một món ăn nữa mà bọn trẻ chúng tôi rất thích, đó là bò vò viên Hòa Nghĩa bên cạnh rạp chiếu bóng Thanh Liêm. Gương mặt xương xương của ông chủ mãi đến bây giờ tôi vẫn còn hình dung được. Tôi có người bạn học trường Nông Lâm súc Cần Thơ, mỗi chiều thứ bảy về Châu Đốc thăm nhà, dù đi xe đò nhưng vẫn nhảy xuống ghé tạt vào nhà trọ rủ tôi đi ăn bò viên Hòa Nghĩa. Có khi phải vét những cắc bạc cuối cùng trong đáy túi để đổi lấy tô bò viên nghi ngút khói, vừa ăn vừa hít hà vừa chảy nước mũi.

Ngày nay Long Xuyên có nhiều hàng quán, nhiều món ngon nổi tiếng như: cơm tấm Cây Điệp, lẩu mắm Cây Dừa, bánh bao Đại Phát, bánh mì Thanh Lan, cháo quảng Chí Lình, cơm gà hấp Bình Minh, lẩu trâu Bình Đức, thịt cầy “Cánh đồng hoang”, chè bưởi hồ Nguyễn Du… nhưng vẫn không làm tôi quên được hương vị đã trở thành ấn tượng của ngày xưa.

Đi trong thành phố Long Xuyên hôm nay tâm hồn tôi như rộng mở với những con đường thoáng, rộng, những công viên thơ mộng trong lòng phố. Người Long Xuyên ăn mặc đẹp, có lối sống tao nhã. Nhất là các cô gái Long Xuyên, vẫn xứng đáng với câu ca dao xưa: “Trai nào bằng trai Châu Đốc, gái nào bằng gái gốc Long Xuyên”.

Ba mươi năm trước, Long Xuyên đã có nhiều trường học nổi tiếng, nên học sinh từ các vùng lân cận như Rạch Giá, Thốt Nốt, Châu Đốc, Chợ Mới, Lấp Vò … kéo nhau về đây học. Nữ sinh Long Xuyên vốn đã đẹp bấy giờ càng đông càng đẹp hơn. Mỗi buổi tan trường, những tà áo trắng tung bay trên cầu Hoàng Diệu làm xao xuyến biết bao tâm hồn. Một nhà thơ bạn của tôi đã thốt lên:

“Những tà áo trắng bay trong gió

Có áo em mình trong đó không”

Nữ sinh Long Xuyên đẹp như thế nhưng tôi thì thật bất hạnh, là trai Châu Đốc đến đây suốt ba năm trời nhưng chỉ biết cắm đầu lo học, đến hôm từ giã Long Xuyên mới nhận ra các cô bạn trong trường tôi đẹp tuyệt vời. Cho nên, khi xa Long Xuyên, tôi viết một bài thơ trong cơn nuối tiếc, trong đó có câu: Ngày chia tay em chợt đẹp lạ thường. Em không đẹp lạ thường đâu. Em đẹp từ lâu rồi nhưng chỉ tại tôi khám phá ra vẻ đẹp ấy quá muộn màng mà thôi!

Tôi về đây bạn xưa chỉ còn năm, ba người. Các bạn trẻ ít ai biết mình. Tuổi trẻ bây giờ hòa vào nhịp sống mới, năng động hơn, nhanh nhạy hơn, sôi nổi hơn …

Thành phố đã mở rộng, chợ Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Xuyên… đông đúc, khang trang và quy cũ. Đêm đêm ánh điện rực rỡ bên dòng sông Hậu êm đềm.

Tôi bây giờ là một công dân của thành phố Long Xuyên, hòa vào dòng người và nghe niềm hạnh phúc của mọi người truyền sang mình.

Tôi sống ở đây một mình, nhưng không cảm thấy bơ vơ.

TRỊNH BỬU HOÀI

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thanh-pho-mien-tay-nam-bo-trong-mien-man-ky-uc-post173826.html