Thành phố của chúng ta…

Tôi bắt đầu có khái niệm về thị xã quê hương khi đặt chân lên những viên gạch lát vỉa hè đường Phan Đình Phùng, con đường nhựa duy nhất hồi đó, nghe tiếng vòi nước công cộng đầu phố cùng tiếng xô thùng loảng xoảng mỗi buổi mai...

Đường Phan Đình Phùng năm 1986

Đường Phan Đình Phùng năm 1986

Lớn hơn một chút, mỗi ngày tôi đều mải mê ngắm nghía những con đường thẳng tắp, hai bên phần lớn nhà tranh, thi thoảng có vài ba nhà ngói, tường xây nhưng đã lộ rõ sự sắp xếp của phố phường. Những tên gọi khu phố thân thương như: Lâm Phước Thọ, Trần Thị Hường, Trần Đức Vĩnh, Lê Bình, Đông Quế, Thành Đông, Đồng Vinh, Đồng Hải gắn liền với những gương mặt bạn bè thiếu thời …

Mỗi đêm hè sau buổi chợ về, cơm nước xong, mẹ bắt đầu kể cho chúng tôi về những ngày tháng ấu thơ nhọc nhằn của mình nơi thị xã “làng nhiều hơn phố”. Ông ngoại làm thợ mộc được điều vào thành đóng bàn ghế phục vụ cho các quan Nam triều phong kiến. Thành có Cửa Tiền (bây giờ là quảng trường trước cổng UBND tỉnh) Cửa Hậu (phía sau, giáp Hào Thành). Cửa Hữu, nơi tập trung đông dân nhất chính là vùng ngã tư đường Lý Tự Trọng - Nguyễn Công Trứ bây giờ. Cửa Tả nằm phía Tỉnh ủy bây giờ. Thành Đông là tên gọi khu phố nằm ở phía Đông Thành Hà Tĩnh, có nhà thờ Tịnh Giang và đền Võ Miếu. Gần Hồ Dâu có máy chém thực dân Pháp, nơi không ít nhà yêu nước, cách mạng đã ngã xuống. Nhà Lao Hà Tĩnh nằm phía sau thành. Cồn Cồ, Đỗ Đen là những nơi ghi dấu tích của nạn đói 1945.

Quang cảnh khu vực núi Nài bị chiến tranh tàn phá năm 1975...

Nhà bà ngoại đông con, làm nghề chế biến giò lụa nhưng vẫn luôn đói khổ túng thiếu. Bà ngoại thuộc thế hệ thứ hai của nghề giò, hay được gọi là bà Di Giò, mẹ thế hệ thứ ba, cùng thời với bà Nuôi Anh, bà Hằng, bà Du. Hiện nay, các anh chị Hiền Minh, chị Thanh, anh Hà con bà Hằng là thế hệ thứ 4. Giò lụa Thành Sen hồi ấy ngon nổi tiếng, chỉ những bữa tiệc sang trọng hoặc giỗ chạp mới có. Mỗi con giò đều thấm bao công sức của những người làm giò với các công đoạn: lọc thịt, quết (giã), pha chế, gói, buộc, luộc rồi đội lên đầu mang đi các chợ bán… Từ 3-4 giờ sáng, tiếng chày giã vào cối đá thùm thụp, đều đặn, làm nên âm thanh đặc trưng của những con phố nhọc nhằn.

Mẹ cũng kể: ngày cách mạng Tháng Tám thành công vui lắm, vui vô kể! Đoàn người biểu tình rầm rập kéo đến dinh của tỉnh trưởng Hà Văn Đại đòi trao lại chính quyền. Khởi nghĩa nhanh chóng thành công. Mẹ cùng các anh chị thiếu nhi cầm tay nhau hát nhảy bài: “Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta”. Những đêm ấy, thị xã không ngủ, già trẻ gái trai đi hội họp, ngày mít tin. Rồi tất cả lại hòa nhập vào không khí mới của những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Bố tôi cũng như nhiều người tham gia chiến dịch xe thồ chở hàng lên Điện Biên, chiến dịch Trung Lào. Trở về, ông gia nhập vào Đội văn nghệ Liên Thành rồi trở thành diễn viên Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh.

Nhà hát Nhân Dân Hà Tĩnh năm 1989...

Ngày 15-6-1957, một sự kiện lớn làm xôn xao người dân các khu phố của thị xã “phố làng”: Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Mẹ tôi lúc ấy vừa tan buổi chợ, theo chân rất nhiều người ra đứng chật con phố Phan Đình Phùng đoạn dẫn về Hồ Sen Tỉnh ủy. Người chật như nêm, mẹ cố kiễng chân lên và chỉ thoáng nhìn thấy Bác trong bộ đồ ka-ki trắng giản dị. Chỉ có vậy mà mẹ ghi nhớ mãi, cho đến ngày bố tôi hy sinh vào năm 1967. Những ngày mất mát đau thương ấy, kỳ lạ thay, mẹ tôi đã mơ gặp Bác Hồ. Vừa gặp Bác, mẹ đã nức nở: “Bác có biết chuyện Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh từ Hà Nội về bị máy bay Mỹ ném bom ở Cầu Cấm Nghệ An không?”. Bác xoa đầu mẹ an ủi: “Bác biết! Bác biết!...”. Đến tận bây giờ, dù nhiều câu chuyện mẹ đã quên, nhưng chuyện mơ gặp Bác thì mẹ cứ kể suốt. Có lẽ vì nỗi đau của mẹ đã được vơi đi rất nhiều sau giấc mơ ấy.

Còn nhớ, thuở thị xã bắt đầu có ti-vi, nhà chưa có phải đi xem nhờ những nhà có. Theo chợ búa, mẹ không đi xem bộ phim nào, chương trình nào, nhưng những ngày gần sinh nhật Bác, thể nào mẹ cũng gác lại công việc để đi xem các bộ phim tài liệu về Bác. Mẹ luôn nói với chúng tôi: Bác Hồ là vị thánh các con ạ! Tôi biết, có hai đấng tối cao mà mẹ tôn thờ là Đức Phật Thích Ca và Bác Hồ, dù những bức ảnh thờ cũng rất đơn sơ. Không hiểu sao, một người ít được đọc sách như mẹ lại biết chuyện Bác Hồ và Tạ Đình Đề. Mẹ nhận định, Bác là một nhà trinh thám, không việc gì qua được mắt Bác… Mẹ chẳng thể nào biết được Bác đã dặn gì với cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh trong lần về thăm ấy, nhưng niềm tin son sắt về Bác mãi mãi vẹn tròn trong lòng mẹ.

Tôi lớn lên, xa nhà đi học. Mỗi lần về thăm lại thấy thị xã đổi thay một ít. Những con đường mới mở, những ngôi nhà, trường học, công sở mọc thêm ngày càng nhiều. Đặc biệt là phố (gọi làng cũng được) Đông Hải gần phố tôi đã không còn những ruộng rau dưa, đậu lạc, thay vào đó là nhiều nhà dân. Khu phố Trần Đức Vĩnh không còn lầy lội, Bồng Sơn đã bớt đi những hộ sản xuất nông nghiệp. Những con đường bắt đầu được rải cấp phối. Trước và sau năm 1991, thời điểm tách tỉnh, nhiều con đường mới mở như Hải Thượng Lãn Ông, 26/3, Xuân Diệu kéo dài phía Bắc, đường Nguyễn Du…

Thành phố hôm nay đổi thay chóng mặt

Từ chỗ chỉ có 2 phường Bắc Hà và Nam Hà, thị xã có thêm nhiều phường mới như Trần Phú, Tân Giang. Nhiều xã của Thạch Hà nhập về Thị xã và dần dần phát triển lên phường như Đại Nài, Thạch Quý, Thạch Linh…Nay thì thành phố đã có 16 xã phường với gần 10 vạn dân. Hàng loạt tên đường mang tên danh nhân mới mở hoặc được nâng cấp như Huy Cận, Nguyễn Huy Lung, Mai Lão Bạng, Phú Hào, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Xí…

10 năm thành lập thành phố, kể từ năm 2007, bây giờ tôi chẳng thể nào nhận ra những cánh đồng thuộc Thạch Quý, Bồng Sơn, Đông Quế. Cũng chẳng thể nào nhận ra dấu vết hoang vu lạnh lẽo của vùng Hồ Dâu, Cồn Cồ... Đài tưởng niệm liệt sỹ, nơi những ngày nắng nóng, tôi đã đi bộ băng qua những viên gạch rát bỏng để đưa cơm cho mẹ bán hàng ở chợ tỉnh nay thành công viên Lý Tự Trọng. Khu vực Văn Yên, nơi ngày xưa tôi chưa hề đặt chân đến nay đang hiện hình một công viên lớn. Hồ Nhà hát, hồ Công an Vũ trang nay thành hồ Bắc Hà, hồ Công đoàn xanh mát, hiện đại nhờ dự án ADB cùng với Hào Thành - Sông Cụt được chỉnh trang.

Sông Cụt, con sông đào đã thành Tân Giang, mỗi mùa lễ tết lại sôi động hội đua thuyền. Đặc biệt là khu đô thị phía Bắc, khu đô thị phía Tây với những tòa nhà, khách sạn, khu biệt thự… sang trọng đang khoác lên thành phố của tôi một dáng vẻ hiện đại trẻ trung. Ngày ngày chạy xe trên Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Hàm Nghi, tôi chẳng thể hình dung lại những cánh đồng của Thạch Trung, Thạch Quý, Thạch Linh ngày xưa nếu như dấu tích con kênh Thạch Linh vẫn còn đó. Một mai này, nó cũng sẽ không còn dấu vết khi thành phố tiếp tục mở rộng về hướng tây, hướng Bắc với những con đường mới.

Mẹ tôi nay đã già, quẩn quanh nơi khung cửa nhưng bà rất vui khi tôi kể về những đổi thay của thành phố mỗi ngày. Cũng đúng thôi, bà đã đi qua 8 thập kỷ trên mảnh đất này, chứng kiến bao thăng trầm của thành phố. Riêng tôi, ngoài tình cảm máu thịt đã dành cho mảnh đất này, tôi còn thầm cảm ơn các thế hệ lãnh đạo và những người con của cả tỉnh đã về đây, bằng bàn tay khối óc và tâm huyết, họ đã làm cho Thành phố của tôi đẹp hơn giàu hơn, như điều Bác Hồ căn dặn.

Thành phố Hà Tĩnh bây giờ không thuộc về những người con đã sinh ra lớn lên ở đây nữa, mà đã thành niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao của những ai đang sống ở nơi này, thành tình cảm thiết tha trìu mến của người dân Hà Tĩnh nói chung. Thành phố của tôi - thành phố của chúng ta!

Bùi Minh Huệ

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/thanh-pho-cua-chung-/135101.htm