Thành lập Viện Trần Nhân Tông và bổ nhiệm Viện trưởng

Ngày 22/2, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã chính thức công bố quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo.

Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học được thành lập theo Quyết định số 1717 ngày 1/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là viện nghiên cứu thứ 4 trong số 5 viện nghiên cứu của ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Theo Quyết định thành lập, Viện Trần Nhân Tông sẽ là viện nghiên cứu khoa học, đồng thời là cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc ĐHQGHN với sứ mệnh tiên phong, nòng cốt trong nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, tư tưởng và bản sắc dân tộc, di sản tinh thần Trần Nhân Tông, văn hóa đời Trần và văn hóa truyền thống nói chung; là trung tâm giao lưu, tập hợp nhà nghiên cứu về Trần Nhân Tông trên khắp thế giới để phát triển bền vững.

Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông. Ảnh nguồn: vnu.edu.vn.

Tại lễ công bố, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN được bổ nhiệm kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng là PGS.TS Lại Quốc Khánh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN.

Phát biểu tại buổi lễ, tân Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông - Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, với thế mạnh là một viện nghiên cứu mang tính học thuật cao thuộc ĐHQGHN, Viện Trần Nhân Tông sẽ là nơi góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa.

Thông qua hoạt động đào tạo, chủ yếu ở bậc Tiến sĩ, Viện sẽ cố gắng đào tạo những người tu hành tài năng làm hạt nhân phát triển Phật học mang tính nhân văn các công trình nghiên cứu chuyên sâu khơi dòng chân đạo của Phật giáo; Tích cực hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa, học thuật trong và ngoài nước để củng cố đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.

Các đề tài, luận án sẽ ưu tiên nghiên cứu giải quyết các vấn đề của Phật giáo Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam, các vấn đề Phật giáo và xã hội, con người đương đại.

Dự kiến khóa đào tạo tiến sỹ Phật học đầu tiên của Việt Nam sẽ tuyển sinh vào tháng 9/2017. Đề án thí điểm đào tạo tiến sỹ Phật học được thiết kế dựa theo thông lệ thế giới, chú ý tới đặc điểm Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trúc Lâm và tư tưởng Trần Nhân Tông./.

Tuấn Minh (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/thanh-lap-vien-tran-nhan-tong-va-bo-nhiem-vien-truong-229468.html