Thanh khoản sụt giảm mạnh

(Chinhphu.vn)– Cả hai sàn đều giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần (21/1) trong khi thanh khoản trên toàn thị trường sụt giảm đáng kể khi toàn phiên chỉ có hơn 116 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

Ảnh minh họa

Kết thúc phiên hôm nay, VN-Index đóng cửa tại 447,79 điểm; giảm 6,37 điểm (1,4%). Tổng khối lượng cổ phiếu được trao đổi đạt 58,68 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 930,34 tỷ đồng. Số mã tăng giá, giảm giá và đứng giá tham chiếu lần lượt là 98, 133 và 56.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index dừng ở mức điểm 61,16; giảm 0,89 điểm (1,43%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,09 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 394,8 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá, giảm giá và đứng giá tham chiếu là 88, 142 và 167.

Diễn biến cho thấy hành động bán tiếp tục là chủ đạo khi điểm số cao nhất trên hai sàn đều đạt được ở thời điểm đầu phiên và thấp nhất ở cuối phiên. Đáng chú ý, áp lực bán được duy trì theo xu hướng tăng dần trên cả hai sàn.

Chính vì vậy, một vài thời điểm xuất hiện tín hiệu về sự giằng co khi bên mua tăng cường gom cổ phiếu giá thấp nhưng do lực không đủ mạnh nên nhanh chóng bị bên bán lấn át với lực cung thậm chí còn áp đảo hơn trước.

Điểm nổi bật trong phiên hôm nay là sự sụt giảm đáng kể về thanh khoản. Về vấn đề này, hiện tại có hai hướng phân tích khác nhau. Một số nhà đầu tư cho rằng, đây là một tín hiệu tốt. Bởi vì trong quá trình điều chỉnh, khi điểm số giảm mà thanh khoản cũng giảm theo tức là áp lực bán đã và đang yếu đi qua từng phiên. Những người muốn bán thì đã bán còn những người không bán, họ sẽ giữ lại cổ phiếu và cương quyết không chấp nhận bán với giá rẻ. Và như vậy nhiều khả năng sẽ giúp cho nhịp điều chỉnh nhanh chóng kết thúc.

Một góc độ khác, một số nhà đầu tư lại cho rằng, thanh khoản giảm là do bên mua chưa nhiệt tình mua vào vì giá cổ phiếu chưa thấp đến mức họ kỳ vọng. Thực tế, những phiên điều chỉnh vừa qua chưa thể nói là ở mức sâu nên phần lớn các cổ phiếu đều chưa bị giảm giá đến mức độ mà người nắm giữ không thể chịu thêm và phải bán rẻ để cắt lỗ.

Ngược lại, bên cầm tiền với lợi thế của mình sẽ không vội vàng mua vào mà kiên trì chờ đợi thêm. Chính vì vậy, sự sụt giảm về thanh khoản ngày hôm nay cho thấy, quá trình điều chỉnh có thể chưa kết thúc ngay mà còn tiếp diễn trong một vài phiên tới.

Trong điều kiện các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên cả hai sàn như BVH, CTG, MSN, VNM, ACB, VND, SHB và rất nhiều những mã thuộc các nhóm ngành khác đều nằm trong tình trạng giảm giá nhưng thị trường vẫn xuất hiện một số điểm sáng.

Trước tiên phải kể đến diễn biến về việc đảo chiều ngoạn mục của ITA và sự ổn định của SHN. Mặc dù cùng bị bán ra khá mạnh làm cho giá cổ phiếu về tới sát giá sàn (ITA) hoặc tham chiếu (SHN) nhưng cuối phiên cả hai đều có khối lượng dư mua trần rất cao.

Với riêng SHN, đây cũng đã là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp. Đặc biệt, hôm nay, thanh khoản của SHN cao đột biến khi có tới xấp xỉ 5,6 triệu đơn vị được trao tay.

Bên cạnh đó, giao dịch tại một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành khoáng sản như KSS, KTB, MIC, KSB… cũng giúp cho những nhà đầu tư nắm giữ các mã này cảm thấy yên tâm hơn.

Thị trường đóng cửa, số lượng cổ phiếu trong nhóm tăng giá hay đứng giá tham chiếu chiếm ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, ngoại trừ một số mã có thanh khoản ở mức cao như KSS, KTB, LCM, phần lớn các cổ phiếu còn lại đều có điểm chung đó là khối lượng giao dịch trong phiên vẫn còn ở mức thấp.

Hà Nguyễn

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/thanh-khoan-sut-giam-manh/20131/160012.vgp