Thanh Hóa: Vì sao công trình Hội trường UBND huyện Nga Sơn 'đội vốn'?

Thời gian gần đây, VP đại diện Báo Xây dựng tại Thanh Hóa liên tục nhận được đơn thư bạn đọc, phản ánh về việc công trình Trung tâm Hội nghị huyện Nga Sơn, chất lượng không đảm bảo, đội vốn tới 18 tỷ đồng. Để làm rõ thực hư, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nga Sơn về vấn đề này.

Trung tâm Hội nghị Nga Sơn

Công trình Trung tâm Hội nghị huyện Nga Sơn, do UBND huyện làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và ngân sách huyện. Được khởi công tháng 6/2013, dự kiến hoàn thành tháng 8/2015. Nhưng do nhu cầu phục vụ Đại hội Đảng nên được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm 4 tháng so với kế hoạch. Hiện đang được tiến hành kiểm toán trước khi quyết toán, bàn giao công trình cho chủ đầu tư vào tháng 11/2016.

Giải trình về nguyên nhân công trình bị cho là đội vốn 18 tỷ, lên tới tổng kinh phí 71 tỷ đồng (theo dư luận phản ánh). Ông Mai Xuân Liêu, Trưởng Ban quản lý Dự án huyện cho biết: Con số 71 tỷ đồng như dư luận nêu là đúng, tuy nhiên, đây là những hạng mục phát sinh, bổ sung và một số thay đổi thiết kế phù hợp, cần thiết đối với một công trình lớn của huyện, phải đảm bảo về độ bền, tính thẩm mỹ… Theo đó, ông Liêu liệt kê một số hạng mục chính, chi phí lớn khiến công trình bị “đội vốn” bao gồm: phần sân (2.000m2), thiết kế ban đầu nền bê tông, sau đó được bổ sung lát gạch bloc và thêm hệ thống bồn hoa, cây xanh… tổng kinh phí bổ sung 4,5 tỷ đồng.

Hệ thống cột, lan can, theo thiết kế được ốp gạch thường và con tiện xi măng đúc sẵn, do không đảm bảo thẩm mỹ nên được thay bằng ốp đá kim sa và con tiện bằng đá, ngoài ra còn phát sinh thêm việc mua sắm bàn ghế, thiết bị âm thanh, ánh sáng… do cũ và thiếu nên phải thay thế, bổ sung, tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng; một máy phát điện 250 KVA để dự phòng mất điện, kinh phí 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã tận dụng phần mái tầng 2 của hội trường, xây dựng 8 phòng làm việc cùng trang bị nội thất, thiết bị bổ sung, dùng làm trụ sở làm việc cho Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện (nhằm tiết kiệm chi phí và quỹ đất), kinh phí 3,5 tỷ đồng; nhà để xe máy 300 triệu đồng, sửa chữa bàn ghế 300 triệu đồng… theo tính toán, tất cả các hạng mục trên có tổng kinh phí 15 tỷ đồng, so với tổng chi phí 71 tỷ đồng, còn “dôi” 3 tỷ được dùng cho kinh phí dự phòng.

Trụ sở làm việc của Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện, một trong số các công trình phát sinh.

Nhà để xe và sân hội trường cùng hệ thống bồn hao, cây xanh, những hạng mục không có trong thiết kế ban đầu.

Như vậy, việc đội vốn công trình Trung tâm Hội nghị Nga Sơn do các chi phí phát sinh, thay đổi thiết kế, vật liệu và các công trình phụ trợ như giải trình của UBND huyện là có cơ sở. Trước khi thay đổi thiết kế, thay thế, bổ sung vật liệu, trang thiết bị, chủ đầu tư đã lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục, có biên bản về việc “thay đổi một số chi tiết thiết kế, vật liệu xây dựng thành phẩm…” được sự chấp thuận của các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công.

Về chất lượng công trình, theo đại diện chủ đầu tư là hoàn toàn đảm bảo. Bởi trong và sau quá trình thi công, UBND huyện đã 3 lần mời Trung tâm Kiểm định chất lượng Xây dựng (Sở Xây dựng Thanh Hóa) tiến hành kiểm tra, đánh giá (có đầy đủ hồ sơ) về công trình. Ngoài ra, do yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, tuổi thọ của công trình, huyện cũng đã hợp đồng với trường Đại học Xây dựng để kiểm tra, đánh giá chất lượng phần chịu tải của tòa nhà. Kết quả cho thấy phần chịu tải được thi công đúng yêu cầu kỹ thuật theo bản vẽ thiết kế, thi công.

Cũng theo giải trình của ông Mai Xuân Liêu, phần mái của công trình bị thấm nước, ngấm loang xuống trần, phải khắc phục bằng cách làm mái tôn che bên trên là có thật. Nguyên nhân do sự “co giãn bê tông” và mưa lớn, nước đọng trong các ô không chẩy được? Hiện nhà thầu đang tiến hành khắc phục.

Trao đổi với PV, ông Mai Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Nga Sơn khẳng định, công trình Trung tâm Hội nghị của huyện hoàn toàn không có việc “đội vốn, phát sinh” như dư luận hiểu nhầm. Theo ông, kinh phí 53 tỷ là riêng cho công trình này, chưa có phần phụ trợ như trụ sở Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện; phần sân, hệ thống bồn hoa, cây xanh, nhà để xe, máy phát điện, bàn ghế v.v.. việc thay đổi thiết kế, vật liệu (hoàn toàn hoặc từng phần) đối với một số hạng mục của công trình là phù hợp theo nhu cầu.

Như vậy, việc công trình Trung tâm Hội nghị huyện Nga Sơn bị đội vốn lên tới 18 tỷ đồng như phản ánh của dư luận là không có cơ sở. Hơn nữa, câu trả lời “có” hay “không” về tình trạng tiêu cực, móc nối “ăn chia” giữa nhà thầu với chủ đầu tư sẽ được làm rõ qua kết quả làm việc của Kiểm toán Nhà nước trước khi bàn giao công trình (dự kiến được công bố vào khoảng trung tuần tháng 11/2016). Tuy nhiên, theo chúng tôi, giải thích của Trưởng Ban quản lý Dự án huyện về việc phần mái tòa nhà bị ngấm nước là chưa thuyết phục. Thêm nữa, công tác lập dự án, dự toán, thiết kế thi công, chọn mẫu vật liệu xây dựng… của chủ đầu tư phải chăng không sát thực tế, dẫn đến phải thay đổi thiết kế, bổ sung một số hạng mục? Từ đó, gây nên sự thắc mắc, hiểu lầm trong dư luận.

Đào Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/thanh-hoa-vi-sao-cong-trinh-hoi-truong-ubnd-huyen-nga-son-doi-von.html