Thanh Hóa: Số vụ ngộ độc thực phẩm tăng đột biến

(VnMedia) - Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh này vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp lớn, tập trung đông người lao động.

Được biết, trong 7 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 1.200 người mắc, 1 người chết. Trong đó có 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại 3 bếp ăn tập thể có quy mô hàng nghìn người ăn với 713 người mắc phải nhập viện điều trị, tăng hơn 4 lần số người nhập viện so với cả năm 2010. Vụ ngộ độc xảy ra tại Cty giày Hung Fu vào ngày 12/3 khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch Mới đây nhất, trưa 13/7, cũng đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể tại Xí nghiệp may 8, Công ty Cổ phần May Hồ Gươm, Hà Nội, dặt tại địa bàn huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) khiến hơn 200 công nhân phải nhập viện điều trị. Trước đó, ngày 12/3/2011, vụ ngộ độc tập thể tại Cty giày HongFu (tại khu công nghiệp Hoàng Long, Hoằng Hóa) khiến gần 300 công nhân phải nhập việc trong tình trạng nguy kịch... Ngộ độc thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm không an toàn, quy trình chế biến không đảm bảo nguyên tắc một chiều, người trực tiếp chế biến thiếu kiến thức về VSATTP và thực hành vệ sinh kém... Nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh bếp ăn tập thể, nhất là các nhà hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn tập thể nhằm kiểm soát tình hình ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngành chức năng phải tổ chức thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, bếp ăn trong các đơn vị trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn về việc thực hiện đầy đủ các quy định bảo đảm ATVSTP. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật... Tổ chức tập huấn kiến thức về ATVSTP để nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATVSTP; Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Hướng dẫn và tổ chức thẩm định để cấp giấp chứng nhận cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đủ điều kiện ATTP theo phân cấp quản lý. Theo thống kê từ Bộ Y tế cho biết, trong tháng 7, cả nước đã xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm tại 15 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh làm 1.038 người mắc, số người phải nhập viện là 969 người, 1 trường hợp tử vong. Hoàng Sơn

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=73&newsid=237838