Thanh Hóa nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS

Thanh Hóa có số lượng người tiêm chích ma túy, nhiễm HIV/AIDS khá cao, phân bố trên địa bàn hành chính trải rộng, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đưa các dịch vụ truyền thông, can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS về xã, bản là giải pháp thiết thực nhằm phát huy hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS.

Nhân viên phòng, chống HIV/AIDS tư vấn cho người có nguy cơ cao tại huyện Đông Sơn.

Tận tâm, trách nhiệm với người bệnh

Bác sĩ Lê Văn Tự, quê ở xã Định Tăng, huyện Yên Định đã có 13 năm công tác ở trạm y tế xã Trung Sơn. Không ít bác sĩ thường tìm đường “xuống núi” nhưng bác sĩ Lê Văn Tự nghĩ bám bản, bám người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là gần một trăm trường hợp đang điều trị methadone, ARV là trách nhiệm, bổn phận của người thầy thuốc. Bác sĩ Lê Văn Tự và năm y sĩ, điều dưỡng phục vụ người bệnh không kể ngày hay đêm. Đôi khi mới hơn 5 giờ sáng hoặc đêm đã khuya vẫn có người gọi cửa để được điều trị liên tục, đủ liều. Trung Sơn cách huyện lỵ 60 km, dân cư sinh sống ở bảy thôn, bản, trong đó xuống bản Pượn phải leo núi, đi bộ mất từ hai đến ba giờ. Các nhân viên y tế thường xuyên xuống thôn, bản nắm bắt tình hình, cập nhật các trường hợp phát sinh, vận động làm các xét nghiệm liên quan, hướng dẫn, đôn đốc người bệnh tuân thủ điều trị, không bỏ liều; thực thi các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Gần đây, hai nhân viên y tế thôn theo học khóa bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, thực hiện được việc xét nghiệm HIV tại thôn, bản. Phạm Bá Mạnh, nhân viên y tế bản Co Me bộc bạch: Còn tâm lý ngại “lộ diện” cho nên trong cộng đồng có những trường hợp nguy cơ nhiễm HIV chưa được can thiệp, điều trị kịp thời. Phạm Bá Mạnh cùng các nhân viên y tế đã học tập nghiêm túc, làm chủ kỹ thuật, chủ động tiếp cận đối tượng nguy cơ để vận động, làm xét nghiệm tại bản. Xét nghiệm thấy có phản ứng, y tế bản vận động người có nguy cơ lên trạm làm các xét nghiệm, gửi mẫu bệnh phẩm lên tuyến trên phân tích. Bản có sáu người nhiễm HIV đang được điều trị ARV theo phác đồ.

Chung sức phòng, chống HIV/AIDS

Thanh Hóa có hơn 3,5 triệu người, trong đó 11 huyện miền núi chiếm hai phần ba diện tích tự nhiên, hơn một phần ba số dân toàn tỉnh với nhiều trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy. Toàn tỉnh ước có gần 14 nghìn người nghiện chích ma túy, trong đó 7.600 người có hồ sơ quản lý. Tính từ khi phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên ở huyện Đông Sơn vào năm 1995, lũy tích đến nay có 7.398 người nhiễm HIV/AIDS, phân bố ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, 92% số xã, phường.

Được sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức y tế quốc tế, Thanh Hóa triển khai mô hình: tiếp cận - xét nghiệm - điều trị - duy trì, tiếp cận theo hạt giống, tiếp cận - tư vấn xét nghiệm tại thôn, bản và điều trị ARV tại tuyến xã. Trong số 21 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, năm nay dự án VAAC - US.CDC đang hỗ trợ triển khai 18 cơ sở ở 17 huyện với 17.636 người được tư vấn xét nghiệm và có tới 93,4% số người nhiễm HIV được dự án phát hiện. Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Lê Trường Sơn cho biết: Toàn tỉnh có 25 phòng khám ngoại trú ở 18 huyện, thị xã, thành phố đang điều trị ARV cho 3.211 người bệnh và hiện vẫn còn chín huyện “trắng điểm” điều trị cho người bị HIV/AIDS. Trong 2.741 người bệnh đang điều trị methadone, có hơn 400 người bệnh dương tính với HIV nhưng mới có 360 người bệnh được điều trị và một số người bệnh không muốn điều trị HIV ngay. Thêm nữa, vẫn còn 1.648 người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ bảo hiểm y tế, 583 trường hợp đang điều trị tại các trại giam cũng vậy.

Phó trưởng Phòng truyền thông Cục Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế Cao Thị Kim Thoa nhận xét: Nét mới ở Thanh Hóa là xét nghiệm sàng lọc HIV tại thôn, bản do cán bộ thôn, bản thực hiện và người bệnh được cấp thuốc ARV, khởi liều điều trị methadone tại xã. Đưa các hoạt động truyền thông, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về bản, các xã vùng sâu, vùng xa là cách làm sát hợp với tình hình thực tế, thể hiện sự sáng tạo, tinh thần phục vụ, trách nhiệm cao. Thời gian qua, chúng ta mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh chương trình mục tiêu chi cho hoạt động truyền thông không còn, nguồn hỗ trợ quốc tế giảm dần, tỉnh Thanh Hóa quan tâm lồng ghép hoạt động truyền thông, bố trí tài chính, huy động các nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS nhằm duy trì, nhân rộng các mô hình tiếp cận đối tượng, nhất là điều trị khởi liều tại xã.

Với 8,5 tỷ đồng từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ điều trị methadone mới đáp ứng khoảng một phần tư nhu cầu. Năm 2017, Thanh Hóa là một trong năm tỉnh trên địa bàn toàn quốc tiếp tục được tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện mục tiêu: 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp) nhưng nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể, sự vào cuộc cấp ủy, chính quyền các cấp, bản lĩnh quyết tâm, thái độ đồng hành của cộng đồng mới thật sự tạo ra sức mạnh tổng hợp phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS.

Bài và ảnh: Mai Luận

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31776102-thanh-hoa-no-luc-phong-chong-hiv-aids.html