Thanh Hóa kiến nghị tăng thêm Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh

“Đối với các địa phương có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh, cần tăng thêm từ 1 Phó Chủ tịch, 1- 2 Ủy viên UBND tỉnh”

Tỉnh Thanh Hóa kiến nghị vấn đề này tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Trần Văn Túy – Trưởng Ban Công tác đại biểu làm trưởng đoàn, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, diễn ra ngày 29/3.

Có nhất thiết bổ nhiệm quá nhiều cấp phó hay không?

Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hai năm qua đã thực hiện tinh giản biên chế 1.046 trường hợp, trong đó năm 2015 là 160 người; năm 2016 là 616 người; đợt 1 năm 2017 là 270 người.

Báo cáo của tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, qua thanh tra, kiểm tra 46 cơ quan đơn vị phát hiện 28 cơ quan, đơn vị có sai phạm; trong đó 14 đơn vị có sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; 10 đơn vị có sai phạm về tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức; 4 đơn vị có sai phạm trong bổ nhiệm, đề bạt.

Từ con số trên, Đại biểu Bùi Thị Thanh – Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đặt vấn đề: Gần 61% số đơn vị được thanh tra, kiểm tra có vi phạm thì nguyên nhân do trình độ năng lực của cán bộ công chức, viên chức hay do người lãnh đạo, người đứng đầu?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội

Đánh giá chung Thanh Hóa thực hiện khá nghiêm túc quy định trong điều kiện đặc thù của tỉnh, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng dẫn số liệu cho thấy nhiều đơn vị tăng biên chế, có cơ quan trong 5 năm tăng tới 51 người.

Liên quan vấn đề cấp phó của các Sở, ngành, ông Nguyễn Sỹ Cương cũng cho biết chỉ có vài đơn vị vượt, trong khi rất nhiều Sở nhiều năm ổn định 2 cấp phó. Vậy có nhất thiết bổ nhiệm quá nhiều cấp phó hay không? Với đặc thù của tỉnh Thanh Hóa, theo ông Cương, việc có 4 cấp Phó là chấp nhận được.

Nhấn mạnh việc hơn ½ số lượng cơ quan chuyên môn vượt cấp phó, nhiều Sở có từ 4- 6 Phó Giám đốc trong khi quy định chỉ có 3 là chưa đúng, ông Phan Trung Lý – thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh giải trình rõ hơn vấn đề này.

Giải trình các vấn đề Đoàn giám sát đặt ra, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, số lượng biên chế của một số Sở tăng lên là do tăng nhiệm vụ. Tuy vậy, việc giảm biên chế gặp khó khăn do quy định hiện hành mang yếu tố định tính hơn là định lượng.

Ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa giải trình tại buổi giám sát

Liên quan cấp phó, ông Đầu Thanh Tùng cho biết, Sở NN-PTNT từ 8 Phó Giám đốc nay chỉ còn 5, trong đó có 1 Phó kiêm nhiệm và sẽ nghỉ hưu vào 2018. Một số Sở có từ 4-5 Phó thì tỉnh có chỉ đạo để luân chuyển, sắp xếp đảm bảo cấp phó theo đúng quy định.

“Tuy nhiên, việc quy định số lượng cấp phó đồng loạt cho tất cả các cơ quan chuyên môn, cho tất cả các tỉnh không quá 3 Phó Giám đốc Sở thì cũng khó trong phân công nhiệm vụ vì đơn vị hành chính, dân số và quy mô mỗi địa phương khác nhau. Thanh Hóa có mấy chục đơn vị hành chính thì cần khác tỉnh chỉ có mấy đơn vị” – ông Tùng nêu quan điểm.

Về số cán bộ cấp phó phòng, Thanh Hóa quy định không quá 2, thấp hơn so với trần tối đa của Chính phủ là 3. Với các vị trí “thừa” thì tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để bố trí phù hợp, ngoài ra, giao Sở Nội vụ phối hợp xây dựng khung số lượng cấp phó dựa trên biên chế và phân loại cấp huyện kết hợp biên chế để thực hiện đúng số lượng quy định.

Báo cáo thêm với đoàn giám sát về vụ “một Sở có 8 Phó Giám đốc” gây dư luận trước đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn thẳng thắn, Thanh Hóa nhận sai và đã điều chuyển. Ở một số Sở khác thì tới đây tỉnh cũng điều chỉnh.

“Thanh Hóa có đặc thù riêng nên vẫn có kiến nghị rằng sắp tới nên có xếp hạng tỉnh để có số lượng cấp phó phù hợp, không nhất thiết cứ phải cào bằng tỉnh này với tỉnh khác. Thanh Hóa vừa kiến nghị và vừa tổ chức sửa sai” – ông Tuấn nói.

Kiến nghị tăng Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Thanh Hóa cho rằng, tỉnh có số biên chế công chức được giao còn thấp so với chắc năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc được giao; một số tổ chức được thành lập mới, một số đơn vị được giao thêm nhiệm vụ nhưng không được bổ sung biên chế, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc cấp trên giao.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, diễn ra ngày 29/3

Nhấn mạnh thực tế hoạt động của UBND các cấp phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện đặc thù như vùng, miền, dân tộc – tôn giáo, tốc độ phát triển kinh tế, tỷ lệ thu chi ngân sách, tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm, Nghị định số 107/2004/NĐ-CP quy định số lượng, cơ cấu thanh viên UBND các cấp trên có sở các tiêu chí diện tích, dân số, số lượng đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền theo mô hình (Phường, thị trấn) và mô hình nông thôn (xã) là chưa đảm bảo hợp lý.

“Đối với các địa phương có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh, cần tăng thêm từ 1 Phó Chủ tịch, từ 1 đến 2 Ủy viên UBND tỉnh để đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành và quản lý của UBND” – báo cáo của tỉnh Thanh Hóa nêu kiến nghị.

Ngoài ra, tỉnh này cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét tính chất đặc thù của từng địa phương để quy định số lượng cấp Phó của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Kết luận buổi giám sát, ông Trần Văn Túy – Trưởng Ban Công tác đại biểu ghi nhận những đổi mới của tỉnh Thanh Hóa cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian qua; đồng thời nêu rõ, số lượng “phình” ra chủ yếu là viên chức chứ số lượng công chức vượt là không nhiều.

“Tuy vậy, vấn đề đặt ra là có giảm được hay không? Nếu không thì chủ trương như đánh vào không khí vì nói giảm mà không giảm trong khi yêu cầu đặt ra đến năm 2020 phải giảm 10%. Tỉnh cần giải trình kỹ hơn trong báo cáo để đoàn tổng hợp kiến nghị” – ông Trần Văn Túy nói./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/thanh-hoa-kien-nghi-tang-them-pho-chu-tich-va-uy-vien-ubnd-tinh-607935.vov