Thanh Hóa cần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tỉnh Thanh Hóa cần triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2020 đạt tỷ lệ số người dân trên một doanh nghiệp bằng mức bình quân chung của cả nước; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Một góc thành phố Thanh Hóa

Đó là nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa cần đổi mới tư duy phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nghiên cứu mô hình phù hợp; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, chú trọng xã hội hóa. Tăng cường liên kết giữa Tỉnh với các trung tâm kinh tế lớn, trước hết trong khu vực Bắc miền Trung. Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2020 đạt tỷ lệ số người dân trên một doanh nghiệp bằng mức bình quân chung của cả nước; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Đồng thời coi trọng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao; tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản; thu hút và phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt chú ý đến yêu cầu cấp bách trong phát triển của miền Tây Thanh Hóa. Tăng cường đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung ứng lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tỉnh Thanh Hóa coi trọng chất lượng tăng trưởng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Tăng cường sự đoàn kết trong cả hệ thống chính trị. Chú trọng xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, người dân; công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn (tăng cường trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,4%; GDP năm 2015 gấp 1,7 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước; tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 gấp 2,5 lần giai đoạn trước (trong 9 tháng năm 2016, Tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế, trong đó du lịch tăng 16,2%).

Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án FDI với quy mô lớn; từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ và một số dự án nông nghiệp công nghệ cao. Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến tích cực...

Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, GDP bình quân đầu người chỉ bằng 70% bình quân cả nước; hạ tầng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư đúng mức. Chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ô nhiễm môi trường tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển du lịch và chất lượng cuộc sống.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/du-lich/thanh-hoa-can-dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon/290593.vgp