Thanh Hóa cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Với mục tiêu phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa xác định phải tạo được bước chuyển mới trong nhận thức và hành động của cả cộng đồng, trong đó quan trọng nhất, trực tiếp nhất là các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ tỉnh đến huyện và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai bài bản, đồng bộ tới lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị. Từ đó phát huy những kết quả đã đạt được, kiên quyết khắc phục những yếu kém, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, xác định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và có kết quả các nhiệm vụ được giao. Tỉnh thống nhất triển khai 8 giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng các quy hoạch có chất lượng cao và ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn; ưu tiên vốn ngân sách Nhà nước và kêu gọi vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư tạo bước đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu. Tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan... theo hướng rút ngắn thời gian, giảm bớt đầu mối các cơ quan, đơn vị cùng giải quyết một công việc, đồng thời thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Thanh Hóa nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch cho doanh nghiệp, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, gây phiền hà đối với nhà đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết: tỉnh xác định việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Cùng với việc đoàn kết, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, các cấp, ngành trong tỉnh sẽ chọn lựa những vấn đề còn nhiều vướng mắc để khắc phục ngay. Trước mắt, tỉnh chú trọng giải quyết những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, giá đất, giao đất và thu hồi đất...tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp sớm được đầu tư và tổ chức sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2015 số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 15.000 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 310.000 tỷ đồng. Đồng thời cải thiện rõ nét về thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, đến năm 2015 đạt thứ hạng cao trong cả nước. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thời gian qua mặc dù đã có nhiều cố gắng, song trên thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh tại Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, chưa thực sự thông thoáng, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong đó nổi cộm là một số quy hoạch chất lượng còn thấp, tầm nhìn hạn chế, quản lý quy hoạch thiếu nhất quán, thường có điều chỉnh, bổ sung, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh ban hành chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung và ở các khu, cụm công nghiệp, Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng còn thiếu và chưa đồng bộ. Cảng biển nước sâu chưa phát huy hiệu quả, cảng hàng không và đường cao tốc chưa được đầu tư. Thêm vào đó, nguồn lao động trong tỉnh đông nhưng chất lượng thấp, phần lớn chưa qua đào tạo. Thủ tục hành chính còn phiền hà, cơ chế phối hợp giải quyết công việc còn nhiều bất cập. Một số bộ phận cán bộ, công chức vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ, vừa thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, đang gây trở ngại và làm nản lòng các nhà đầu tư... Tỉnh Thanh Hóa cũng đã mạnh dạn đưa ra những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên trước hết là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, ban hành các chủ trương, giải pháp đồng bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương và một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp trong giải quyết công việc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa tốt, chưa rõ trách nhiệm. Việc xử lý cán bộ thiếu năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ chưa kiên quyết. Một số ngành, địa phương chưa xác định và chưa lựa chọn được những công việc trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề có tính chiến lược để dồn sức chỉ đạo thực hiện, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=472987&co_id=30065