Thành công bước đầu trong nghiên cứu vật liệu từ

Cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm-kim loại chuyển tiếp”, có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng nghiên cứu vật lý của Việt Nam. Cụm công trình đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao, đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH và CN) năm 2016.

Cụm công trình nói trên gồm 50 bài báo, một số chương được đăng trong hai sách chuyên khảo, do các nhà xuất bản có danh tiếng ở nước ngoài phát hành. Một số tác giả của cụm công trình đã đoạt giải thưởng quốc tế và giải thưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các nghiên cứu cơ bản của cụm công trình đã góp phần vào sự hiểu biết cơ bản về tính chất từ của hợp kim liên kim loại, đất hiếm - kim loại chuyển tiếp, nâng cao vị thế của Việt Nam và hội nhập quốc tế về KH và CN. GS, TSKH Thân Đức Hiền cùng các tác giả chính của các bài báo thuộc cụm công trình là thành viên của phòng thí nghiệm vật lý nhiệt độ thấp thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kết kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. Trong giai đoạn năm 1980-1982 nhóm nghiên cứu đã cập nhật được hướng nghiên cứu hiện đại về vật liệu từ đất hiếm, đã được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI, SCOPUS đạt mức ngang với các nhóm nghiên cứu ở châu Âu và Hoa Kỳ. Với số lượng hơn 50 bài báo có chỉ số h cao (h=20, trung bình mỗi bài được trích dẫn 20 lần trở lên), có bài được trích dẫn đến 109 lần đã chứng tỏ công trình được nhiều tác giả quan tâm và luôn có tính thời sự cao. PGS, TS Vũ Đình Lãm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, đây là các công trình nghiên cứu chuẩn mực và “kinh điển” của lĩnh vực từ học của Việt Nam, nhưng vẫn tiếp cận được với các vấn đề thời sự của thế giới. Trong đó, có bốn hướng nghiên cứu về tương tác trao đổi, dị hướng riêng chỗ, trường tinh thể và hiện tượng chuyển pha từ giả bền luôn tham gia vào nhóm tiên phong của thế giới, được mời báo cáo, thuyết trình, có số trích dẫn cao. Bởi vậy, những phát hiện của các công trình vẫn tiếp tục được cộng đồng nhà khoa học thế giới quan tâm với tổng trích dẫn tính đến năm 2015 là 1.008 lần.

Xét về mặt nghiên cứu ứng dụng, nhóm tác giả đã nghiên cứu chế tạo thành công các nam châm, đất hiếm chất lượng cao, có tích năng lượng (BH)max gấp từ năm đến mười lần tích năng lượng của các nam châm đang được sử dụng ở Việt Nam. Cụm công trình đã sử dụng đất hiếm do Việt Nam chế tạo (Mish metal) cũng đạt được tích năng lượng tương đối cao, sẽ làm giảm thiểu các thiết bị dùng nam châm mà tính năng thiết bị lại tăng lên. Theo GS, TSKH Thân Đức Hiền, các nam châm đất hiếm do cụm công trình chế tạo đã được ứng dụng trong chế tạo các sản phẩm như: đồng hồ đo nước, mô-tơ bước, công-tơ điện… cho kết quả khả quan. Các nghiên cứu ứng dụng này đã góp phần thúc đẩy việc sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới vào trong các thiết bị ở trong nước. Nhất là việc nhờ thực hiện cụm công trình đã xây dựng được một cơ sở nghiên cứu về từ mạnh nhất Việt Nam, với một tập thể các nhà khoa học có thể nghiên cứu thực nghiệm về từ ở trình độ quốc tế.

GS, TS Bạch Thành Công, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nhóm nghiên cứu đã có đóng góp quan trọng về số lượng công bố quốc tế của cả nước giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2000 (chiếm 10% tổng công bố quốc tế của Việt Nam), hỗ trợ cộng đồng khoa học, các đơn vị khác về đào tạo nghiên cứu từ học và vật liệu từ. Thông qua việc thực hiện nghiên cứu, đã đào tạo được nhiều cán bộ có trình độ cao (năm GS, hai TSKH và hai PGS), đào tạo được bảy tiến sĩ đạt trình độ quốc tế. Nhờ đó đã cung cấp được một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu đào tạo, sản xuất, quốc phòng… nhiều cá nhân đã trở thành lãnh đạo những đơn vị, trung tâm nghiên cứu lớn ở các giai đoạn tiếp theo. Với kinh phí đầu tư không nhiều, tập thể tác giả với các kết quả xuất sắc, như vậy có thể coi là một hình mẫu trong việc phát huy nội lực, cộng tác chặt chẽ với các nhà khoa học nước ngoài, đã đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu và đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/khoa-hoc/item/31249302-thanh-cong-buoc-dau-trong-nghien-cuu-vat-lieu-tu.html