Thành công bước đầu của OCOP

Xây dựng thương hiệu nông sản của Quảng Ninh, ngoài những cách truyền thống, thì vẫn có những giải pháp riêng mang tính đột phá. Một trong những giải pháp này là chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Nâng tầm nông sản

Con hàu là một trong những loài nhuyễn thể có giá trị về dinh dưỡng và kinh tế cao. Nhưng vài năm trước, con hàu vẫn chủ yếu bán ở dạng tươi sống, vì thế gây nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi hàu Thái Bình Dương ở Quảng Ninh theo chương trình OCOP

Từ thực tế đó, Quảng Ninh triển khai dự án “Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái Bình Dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướp gia vị và nem hàu tại Quảng Ninh”.

Theo đó, Cty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh được lựa chọn thực hiện dự án. Kết quả đã xây dựng được 3 quy trình công nghệ chế biến hàu sấy khô, hàu tẩm ướp gia vị và nem hàu; bàn giao quy trình công nghệ và đào tạo cho các cán bộ kỹ thuật, công nhân thuộc Cty.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, GĐ Cty cho biết: "Nhờ dự án, chúng tôi đã có được công nghệ chế biến hàu. Tuy nhiên bước quan trọng tiếp theo, đó là việc xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Thật may mắn, lúc này tỉnh đã quan tâm, triển khai chương trình OCOP và sản phẩm ruốc hàu được lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh".

Qua đó, sản phẩm không chỉ được hỗ trợ SX và nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn được hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, website quảng bá theo hướng hiện đại. Đến nay, sản phẩm ruốc hàu đã có mặt tại hầu hết thị trường tiêu dùng trong nước và quảng bá đưa ra thị thường nước ngoài.

Cùng với sản phẩm hàu, một số sản phẩm như vải chín sớm Phương Nam, na dai Đông Triều, chả mực Hạ Long... cũng đã được đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Từ đó, các DN có cơ hội kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, quy mô SX, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng nông thôn, đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững cùng với công cuộc xây dựng NTM của tỉnh.

Tiêu biểu là sự kiện hội chợ OCOP thường niên 2 lần/năm vào mùa xuân và mùa hè nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, khuyến khích tiêu dùng và thúc đẩy SX phát triển, góp phần cung cấp nguồn hàng hóa phong phú đến người tiêu dùng.

280 sản phẩm OCOP đã và đang được hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác đẹp, kiểu dáng chuyên nghiệp. Đặc biệt, nhãn hiệu OCOP đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH- CN cấp bằng bảo hộ trong phạm vi quốc gia.
Các sản phẩm được tổ chức đánh giá và phân hạng theo Bộ tiêu chí của tỉnh, từ 1-5 sao. Hiện 99 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận từ 3-5 sao. Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, y tế đối với 74 sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ trong và ngoài nước, như: Hội chợ du lịch thương mại hành lang Đông Tây tại Đà Nẵng, Hội chợ nông nghiệp thực phẩm Quốc tế TP HCM, Hội chợ ngành nông nghiệp, Hội chợ nông sản Tây Bắc, Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc tại Nam Ninh (Trung Quốc)...

Cùng với đó, các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ, Hải Hà, Bình Liêu đã hình thành hệ thống trung tâm, điểm bán hàng sản phẩm OCOP. Đồng thời, quảng bá mạnh mẽ, rộng rãi về sản phẩm OCOP trên hệ thống truyền thông trong và ngoài tỉnh.

Hình thành chuỗi SX hàng hóa

Là một chương trình chưa có tiền lệ trong nước để học tập nên ngay từ những ngày đầu triển khai, Quảng Ninh phải đối mặt với không ít khó khăn. Dựa trên thực tiễn địa phương và học tập mô hình của Nhật Bản, Thái Lan, tỉnh đã phê duyệt Đề án OCOP.

Chương trình nhằm hình thành SX theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (sản xuất - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ), gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa. Trong đó, các chủ thể SX (từ cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, DN) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động SX, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian qua, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm...

Đáng chú ý, chương trình không chỉ thúc đẩy SX, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, mà còn xây dựng các mối liên kết giữa các hộ SX, tổ chức, cá nhân qua mô hình DN vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác.

Điều này được thể hiện rõ qua các con số: Toàn tỉnh hiện có 119 đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia OCOP (33 DN, 35 HTX, 51 tổ hợp tác). Phần lớn các mô hình kinh tế này bước đầu phát huy hiệu quả, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa SX và tiêu thụ nông sản.

“Chương trình là đòn bẩy tăng cường sự liên kết giữa 4 nhà. Thông qua các kỳ hội chợ như: Hội chợ OCOP Quảng Ninh, Hội chợ thương mại ASEAN tại Nam Ninh (Trung Quốc), Hội chợ đưa hàng về miền núi... không chỉ tạo chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm, mà còn hình thành chuỗi phát triển sản phẩm từ nguyên liệu, SX, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ”, ông Ngô Tất Thắng, Thường trực Ban Điều hành OCOP tỉnh Quảng Ninh, cho hay.

Với những thành công của Quảng Ninh, tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2016 về việc ban hành Chương trình công tác năm 2016 của BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhân rộng phong trào OCOP trên phạm vi toàn quốc. Chương trình OCOP cũng là mô hình tiêu biểu cho các địa phương trong toàn quốc đến Quảng Ninh học tập.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thanh-cong-buoc-dau-cua-ocop-post178537.html