Tháng Tư hành hương về những 'địa chỉ đỏ'

Tháng Tư - thời gian miền Trung chuyển mùa, nhưng cái nắng gay gắt đầu mùa không làm chậm bước chân dòng người hành hương về 'địa chỉ đỏ' Quảng Trị.

Đoàn Thanh niên Cục Hải quan Quảng Trị thăm khu trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Du khách phương xa lần đầu ghé Quảng Trị thường dừng chân bên cầu Hiền Lương bắc ngang dòng Bến Hải - biểu tượng của sự chia cắt đất nước một thời. Hình ảnh những người con quê hương miền Nam đứng bên bờ Bắc sông Bến Hải ngóng trông về Nam là hình tượng từng gây xúc động bao thế hệ. Nay dấu vết tàn phá của đạn bom thời chiến không còn nữa, thay vào đó là những xóm làng trù phú, những cánh đồng lúa xanh tươi, những ao hồ nuôi cá, tôm bạt ngàn hai bên dòng sông hiền hòa ghi dấu ấn công sức của người dân anh hùng Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị.

Là một cán bộ công tác tại địa phương, tôi có nhiều chuyến tham gia "về nguồn" cùng các đoàn hành hương thuộc nhiều thành phần từ nhiều địa phương trên cả nước. Qua mỗi chuyến đi, tôi lại thấy được nhiều hơn tình cảm thiêng liêng, trân trọng của mọi người dân cả nước khi về hành hương Quảng Trị, khi nói đến những dấu tích của một thời hào hùng của đất nước.

Tham gia cùng đoàn công tác của UBND TP. Hồ Chí Minh đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, giữa cái nắng gay gắt đầu mùa, như bao lần đến nơi đây, tôi chứng kiến dòng người vào viếng không ngớt. Bên những công trình tưởng niệm khang trang, những người đến viếng đứng lặng trước hàng vạn nấm mộ liệt sĩ, bên làn khói là mùi hương thoảng đưa. Có những cụ già tóc bạc phơ, những cựu chiến binh, những em bé đang tuổi đến trường, người giọng bắc, người giọng nam chung nhau câu chuyện về thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc… Mỗi người hành hương về mảnh đất này đều có chung một cảm nhận về những mất mát, hy sinh to lớn của bao thế hệ đi trước để đất nước hoàn toàn thống nhất hôm nay.

Và còn nhiều nữa những chứng tích cho một thời hào hùng trên mảnh đất này như hệ thống địa đạo mà nổi bật nhất là Địa đạo Vịnh Mốc – pháo đài bất khả xâm phạm dưới lòng đất thép Vĩnh Linh; là chiến thắng Làng Vây- nơi lần đầu tiên xe tăng quân giải phóng xuất hiện tại chiến trường miền Nam và với phương pháp hành quân rất đặc biệt là tháo rời, gùi cõng rồi lắp ráp ngay dưới chân đồn địch. Đó là hệ thống hàng rào điện tử McNamara hiện đại nhất của Mỹ lúc đó với “con mắt thần” là cứ điểm Cồn Tiên - Dốc Miếu - đã sụp đổ dưới tay của những người chiến sĩ du kích Gio Hải, Gio Phong…

Tham gia thả hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.

Những kỷ niệm về tháng Tư lịch sử ùa về khi chúng tôi- những cán bộ trẻ của Cục Hải quan Quảng Trị đến dâng hương tại Khu lưu niệm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và Khu Di tích Thành cổ Quảng Trị trong ngày cả nước hướng về ngày kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên dòng Thạch Hãn hiền hòa, cách Thành cổ Quảng Trị vài cây số. Thế hệ trẻ chúng tôi lớn lên dù đã được học lịch sử qua trang sách nhưng khi đến Khu lưu niệm mới có dịp thấy rõ hơn công lao, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư. Chúng tôi có nhận thức mới mẻ, sâu sắc hơn về con người kiệt xuất của quê hương Triệu Phong này. Nhiệt huyết tuổi trẻ bỗng trào dâng trong mỗi chúng tôi khi ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Từ một cậu bé nông dân sau này trở thành một Tổng Bí thư với trí tuệ lớn lao, một biểu tượng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước.

Trở lại Thành cổ Quảng Trị dù mỗi thành viên trong đoàn ít nhiều đã từng đến nơi đây nhưng mỗi lần về lại, mỗi chúng tôi đều không khỏi xúc động, học hỏi, tìm hiểu sâu sắc, kỹ càng hơn về những trận đánh, những dấu tích thấm đẫm máu xương thế hệ cha anh. Nơi đây được mọi người biết đến như là một mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là tượng đài của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà người làm nên là nhân dân Quảng Trị và những người lính trẻ miền Bắc trong 81 ngày đêm chiến đấu giữ Thành cổ. Giờ đây, Thành cổ được xem như là một nấm mộ chung rất linh thiêng mà người đến thăm có thể cảm nhận thông qua các biểu tượng tưởng niệm và trong câu thơ của người cựu chiến binh Phạm Đình Lân năm ấy:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào

Có cùng cảm nhận ấy, tôi được người cựu chiến binh Ngô Quốc Bình (quê ở Ba Vì, Hà Nội) kể về xúc động của mình khi ông đến thăm Thành Cổ. Ông vượt hàng trăm cây số từ Ba Vì hành hương vào Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa. Người cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Đại đội 20, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 chia sẻ: “Thành cổ là nơi tôi và đồng đội tham gia chiến đấu. Ngày ấy, Thành cổ chỉ còn lại những tường gạch vụn như một vùng trắng mà giặc Mỹ ngày đêm vẫn cứ oanh kích, phản công nhằm tái chiếm lại vùng đất quan trọng này”. Đôi mắt rớm lệ, nhìn về phía Bắc thành, nơi con sông Thạch Hãn, ông Ngô Quốc Bình tâm sự: “Trở lại đây hơn bốn mươi năm sau chiến tranh, chứng kiến sự hồi sinh của một đô thị trẻ, lòng tôi dâng tràn một cảm xúc khó nói thành lời. Tôi và những người may mắn còn sống sẽ nguyện cầu cho đồng đội đã anh dũng hy sinh được siêu thoát, tiếp tục phù hộ độ trì cho mảnh đất này vững chãi trên con đường phát triển”.

Trong chiến tranh, Quảng Trị là vùng đất lửa. Ngày nay Quảng Trị là vùng "đất tâm linh". Nơi đây mãi mãi là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Văn Trí (Cục Hải quan Quảng Trị)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thang-tu-hanh-huong-ve-nhung-dia-chi-do.aspx