Thận trọng với quy định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Ngày 29/3, thảo luận về Dự án Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, nhiều thành viên trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đây là việc mới lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nên cần quy định thận trọng, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC.

Có quyền phong tỏa tài sản

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu hậu quả góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự. Đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho hay, hiện nay có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản, quyền tài sản của mình đang bị xâm phạm. Nhưng vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra tòa án hoặc họ muốn tự thương lượng để giải quyết với nhau trước khi quyết định khởi kiện. Nhiều trường hợp cần tòa án hỗ trợ, áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Từ những lập luận trên, TANDTC đề xuất cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện là: Kê biên, cấm chuyển dịch, cấm thay đổi hiện trạng tài sản; phong tỏa tài sản; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu…

Cần thận trọng, chặt chẽ

Nêu ý kiến của nhóm nghiên cứu về Dự án luật trên, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là dự án luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Nhưng Tờ trình còn chung chung, thiếu tính thực tiễn, nhất là chưa làm rõ được nếu chậm ban hành hoặc không ban hành luật thì hậu quả sẽ thế nào.

Bên cạnh đó, qua thảo luận, một số ý kiến trong nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là loại việc mới chưa có thực tiễn nên bước đầu cần quy định thận trọng, chặt chẽ. Đồng thời chỉ nên quy định trong luật các biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến yêu cầu bảo toàn tài sản, quyền tài sản để bảo đảm tính hợp lý, khả thi cũng như căn cứ cho tòa án xem xét, ấn định mức bảo đảm về tài chính đối với từng trường hợp cụ thể, tránh việc lạm dụng.

Tuy nhiên, theo ông Luật, cũng có ý kiến trong nhóm nghiên cứu cho rằng, nên mở rộng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mới đáp ứng yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức. Một số ý kiến khác thì đề nghị bổ sung quy định nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp phải cung cấp tài liệu về nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà họ sẽ khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền.

Trước đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thẩm phán TAND Quận 5 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”. TAND Quận 5 buộc báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, đến ngày 29/3, tòa án đã quyết định rút lại quyết định trên.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/phap-luat/than-trong-voi-quy-dinh-ap-dung-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-1135367.tpo