Thận trọng điều hành giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 11 và 12 đang chịu nhiều áp lực từ sự biến động giá của nhiều mặt hàng trong rổ tính. Theo đó, từ 1-11, giá gas bán lẻ tăng lần thứ 3 liên tiếp với mức tăng thêm 19.000 đồng/bình 12kg. Trong khi đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước cũng sẽ có đợt tăng giá thứ 6 liên tiếp nếu cơ quan điều hành giá không tiếp tục cho sử dụng quỹ bình ổn như đang làm. Chưa kể công tác điều hành giá còn nhiều áp lực do các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm... Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng dự kiến sẽ tác động tới tình hình lạm phát.

Trước diễn biến này, công tác điều hành giá trong 2 tháng cuối năm cần tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, quyết liệt.

Theo đó, về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu Bộ Công Thương giữ ổn định giá bán lẻ điện trong 2 tháng còn lại của năm 2016, theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp để không tạo lạm phát kỳ vọng, bảo đảm cân đối cung cầu thị trường các mặt hàng khác thuộc chức năng quản lý, nhất là đối với mặt hàng đường góp phần bình ổn thị trường trong dịp lễ, Tết.

Bộ Công Thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các bộ liên quan đến sản xuất chỉ đạo các cơ quan của bộ và phối hợp với các địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm sạch, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây sốt giá, có kịch bản đối phó với điệu kiện thời tiết khó khăn, triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương cho các dịp tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi để có giải pháp điều hành phù hợp. Tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết 31-12-2016, đồng thời tính toán kịch bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành sau khi hết thời hạn bình ổn giá. Các bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo điều hành giá dự báo lạm phát và đề xuất kịch bản điều hành giá trong năm 2017 đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 20-11-2016.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Tiếp tục chỉ đạo để ổn định và có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, ổn định lãi suất huy động, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng. Điều hành tín dụng nhịp nhàng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất cần thiết, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo, nhà ở xã hội. Chú ý mức độ tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực có yếu tố rủi ro. Quản lý có hiệu quả hơn thị trường ngoại hối. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực tổ chức triển khai việc đấu thầu giá thuốc để kéo giá thuốc giảm xuống. Đối với giá dịch vụ y tế do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan xem xét, tính toán kỹ việc điều chỉnh giá có tính tiền lương và phụ cấp đối với các địa phương còn lại với liều lượng và thời điểm thích hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, đề xuất phương án báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ trước khi điều chỉnh.

Đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường mà Nhà nước không định giá. Theo đó giá các dịch vụ sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý phù hợp với thị trường. Các bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện theo phân cấp quản lý của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá theo quy định của pháp luật đối với những dịch vụ này. Trường hợp những loại phí sang giá có tính chất đặc thù, cần phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương pháp định giá, xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm, tính toán chi phí thực tế hợp lý để hình thành nên giá. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hàng hóa cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161102/than-trong-dieu-hanh-gia.aspx