'Thần dược' tràn lan vỉa hè, người dùng dễ mua… bệnh

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, đặc biệt là trước cổng khu công nghiệp bày bán tràn lan các loại thảo dược. Mặc dù các loại cây cỏ này không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như công dụng chưa được kiểm định nhưng người bán công khai quảng cáo như “thần dược” chữa bách bệnh. Tin vào những lời quảng cáo đó, nhiều người mua về sử dụng để rồi tiền thì mất mà còn rước thêm bệnh vào thân.

Cỏ quảng cáo như “thần dược”

Có mặt trên các tuyến phố Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi, TP.HCM), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cảnh tượng thảo dược được bày bán tràn lan trên vỉa hè. Điều đáng nói, các loại thuốc chủ yếu là cây, cỏ, lá, hoa, quả, hạt... được đựng vào bao tải, bên ngoài không ghi nhãn mác, tên thuốc, công dụng. Chúng chất thành đống và được người bán quảng cáo như “ thần dược ” chữa bách bệnh.

“Thần dược” bày bán tràn lan ở vỉa hè.

Trong vai người đang cần mua thuốc chữa bệnh , chúng tôi tấp vào một quầy bên đường tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi. Trước mặt chúng tôi là hàng chục loại cây cỏ đã được phơi khô, đựng trong các bao nylon không hề có nhãn mác. Thấy chúng tôi ghé vào, một người phụ nữ trung niên, dáng mập mạp đon đả ra hỏi: “Các em cần mua gì? Ở đây, thuốc gì chị cũng có hết, đảm bảo uống một thời gian bệnh tình sẽ thuyên giảm”.

Vờ tin vào nhưng lời quảng cáo của người phụ nữ này, chúng tôi nói: “Em mắc bệnh sỏi thận, uống thuốc tây không khỏi, bây giờ bác sĩ yêu cầu phải mổ. Nhưng, em nghe nhiều người mách không cần mổ, bệnh này uống thuốc nam là khỏi”. Như bắt đúng mạch, người phụ nữ liến thoắng: “Đúng rồi đó em, cửa hàng chị có lá kim tiền thảo, thuốc này chữa sỏi thận hay lắm. Em mua về, mỗi ngày lấy một nắm sắc lên rồi uống thay nước, chỉ một thời gian thôi là đảm bảo sỏi thận sẽ tan. Ở đây chị bán nhiều người uống khỏi bệnh lắm”.

Không để chúng tôi kịp phản ứng, người phụ nữ đó hỏi: “Thế em lấy mấy kg? Ở đây lá này chị có 2 loại, loại bình thường giá 75.000 đồng/kg, còn loại đặc biệt là 150.000 đồng/kg”. Người phụ nữ tiếp tục chỉ vào các loại thuốc và không ngừng quảng cáo: “Ở đây, cửa hàng chị có nhiều loại thuốc và giá cũng cạnh tranh nhất. Như vỏ cây xà cừ chữa bệnh ghẻ lở, nhọt mụn; Cây chó đẻ răng cưa thì chữa tất cả các bệnh liên quan đến gan; Quả sơn trà chữa được bách bệnh; Còn cây xà đen và xà vàng chữa bệnh ung thư hiệu nghiệm lắm. Cây này nhiều người tìm mua nên giá hơi mắc hơn những loại khác. Còn nhiều các loại thuốc nữa, em hay người nhà cần thuốc gì cứ đến đây, loại nào chị cũng có”.

Sau khi để người phụ nữ thao thao bất tuyệt quảng cáo công dụng thần kỳ của các loại thảo dược , chúng tôi hỏi: “Thuốc này có nguồn gốc ở đâu hả chị?”. Người phụ nữ không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói: “Từ nhiều nơi lắm, mỗi loại thuốc chị nhập ở một địa phương khác nhau nên không kể hết được”. Với lý do về nhà lấy tiền chúng tôi hẹn tí nữa sẽ quay lại. Mặc dù không vui, nhưng người phụ nữ vẫn với theo chúng tôi: “Nhớ quay lại nhé, ở đây giá của cửa hàng chị là mềm nhất rồi đấy”.

Cẩn thận “mua” bệnh vào thân

Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đường tỉnh lộ 8, gần khu công nghiệp Linh Trung 2, huyện Củ Chi có hơn chục cửa hàng bày bán các loại thảo dược trên. Họ bỏ mỗi loại vào một bao nylon vô tư bày ra vỉa hè mặc cho bụi bặm bay vào mà chẳng cần che đậy. Sản phẩm chủ yếu mà những người này bày bán là khổ qua rừng, dâm dương hoắc, rễ cây xáo tam phân, vỏ cây xà cừ, cây chó đẻ răng cưa, cây xà đen, xà vàng, lá cây kim tiền thảo, lá sen khô, quả sơn tra, cây cỏ tranh, lá đắng, thân cây đinh lăng... Giá dao động của các loại “thần dược” này từ 70 -300.000 đồng/kg.

Mặc dù họ dọn hàng ra bán từ sáng, nhưng thời gian mua bán tấp nập nhất là từ 4h chiều vì lúc đó công nhân ở các khu công nghiệp được về. Theo ghi nhận của chúng tôi, khách hàng chính của những quầy thuốc “di động” này chủ yếu là công nhân và những người già cả. Do họ không có nhiều thông tin, nên thường mù quáng tin vào những lời quảng cáo “trên trời”. Vì thế, có không ít người mua “thần dược” về sử dụng, bệnh tình không giảm mà còn tăng thêm.

Đến khi bệnh tình trở nặng, họ đến bệnh viện thăm khám mới biết những loại thuốc họ uống chẳng có tác dụng gì, thậm chí có nhiều cây còn có độc tính gây tác dụng ngược đối với sức khỏe.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ: “Trước đây, nghe nhiều người nói cây chó đẻ tốt có thể chữa được bệnh về gan, còn nếu ai chưa bị mắc bệnh thì uống để bồi bổ cho gan. Nghe mọi người nói vậy, tôi đi tìm và mua cây chó đẻ về uống thay nước. Thời gian đầu thấy bình thường, nhưng sau khi uống được hơn 2 tháng tôi thấy hay bị đi tiêu ra máu. Tôi nghĩ cơ thể nóng nên ăn nhiều đồ mát, đồng thời cũng tích cực uống nước cây chó đẻ nhiều hơn. Nhưng, bệnh tôi không giảm mà ngày càng nặng hơn. Sợ quá tôi đi khám thì bác sĩ nói tôi bị chảy máu bao tử và phải uống thuốc điều trị”.

“Tôi ăn uống điều độ, không ăn cay, không gặp stress gì, nên tôi không biết vì sao mình lại bị chảy máu bao tử. Sau khi tìm hiểu ra tôi mới biết trong cây chó đẻ còn có tác dụng phá huyết. Nếu không mắc bệnh gan, hoặc lạm dụng dùng cây chó đẻ không đúng cách sẽ bị phá hồng huyết cầu từ suy giảm hệ miễn dịch, hại gan và chảy máu bao tử như tôi”, chị Nga cho biết thêm.

Để tìm hiểu về công dụng thực sự của những thảo dược bày bán tràn lan ở vỉa hè, chúng tôi đã tìm gặp Lương y Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch hội Đông y quận 1. Ông giải thích: “Việc sử dụng thuốc đông y để chữa bệnh có nhiều ưu điểm như không để lại tác dụng phụ, dễ thích ứng và chữa tận gốc được bệnh. Tuy nhiên, sử dụng các loại thuốc này phải đến các thầy thuốc đông y bắt mạch, khám và chẩn đoán bệnh sau đó sẽ có những bài thuốc phù hợp chứ không phải cứ nghe truyền miệng rồi mua về nhà tự uống”.

“Hiện nay, có nhiều người mua các loại cây cỏ rồi bày bán tràn lan ở vỉa hè. Những người này đều là lái buôn, họ không nắm được đặc tính, tố chất có trong loại dược liệu, chỉ dựa trên truyền miệng dân gian rồi mua các loại thảo dược về bán. Những loại thuốc họ bán có thể có chất để chữa bệnh nhưng dùng thuốc đông y phải phối hợp các loại thuốc mới ra được bài thuốc để chữa bệnh. Không có một thảo dược nào chỉ uống một loại mà có thể chữa được bệnh. Bên cạnh đó, một số loại thảo dược còn có độc tính, ví dụ như lá cây dừa cạn ngoài tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh thì trong cây còn có hoạt chất Vincristin trong cây dừa cạn gây độc hại cho thai nhi. Vì vậy, nếu phụ nữ mang thai và đang cho con bú mà sử dụng lá cây này dễ bị sảy thai hoặc nguy hiểm cho em bé”, lương y Dũng chia sẻ.

Tự ý mua thảo dược ngoài đường sẽ vô cùng nguy hiểm

Lương y Lê Văn Việt (hội Đông y TP.HCM) phân tích, mỗi loại thảo dược phải sơ chế rồi bào chế mới thành vị thuốc để chữa bệnh, chứ không phải cứ đem phơi khô rồi sắc uống là thành thuốc. Ngoài ra, những loại thảo dược bày bán ngoài đường thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, không kể đến việc những loại cây họ phơi khô có đúng như những cây thuốc họ nói hay không. Rồi còn việc trong quá trình phơi cây thuốc đó có đảm bảo vệ sinh, có bị sâu hay nấm mốc gì không, nếu uống phải những loại thảo dược không đảm bảo sẽ tiền mất mà tật mang. Việc tự ý mua các loại thảo dược bày bán ngoài đường về sử dụng là vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh nếu muốn sử dụng thuốc đông y thì nên đi khám ở phòng khám hoặc cơ sở uy tín để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

THU HIỀN

Xem thêm video:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/than-duoc-tran-lan-via-he-nguoi-dung-de-mua-benh-a168252.html