Thần dược... gan cóc

Con cóc là cậu ông trời. Cóc hiền lành thế, nhưng gan cóc thì là một chất kịch độc. Biết bao người có thêm sức khỏe, lại thoát khỏi các chứng còi xương thấp nhỏ nhờ thịt cóc. Thịt cóc ngon bổ ngần nào không biết, nhưng ai cũng chắc chắn một điều: Gan cóc là thứ chỉ dùng để tự tử. Nhiều người mổ cóc, để dính tí gan vào món ruốc, lập tức mấy mạng người bị tước đoạt. Tuy nhiên, ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội, lại có gia đình ông Lang Chuột (tức Nguyễn Văn Thời, 95 tuổi) mấy mươi năm qua làm nghề thuốc nam chữa các bệnh về xương khớp, dùng gan cóc xay nhuyễn để cứu người. Họ nhốt cả vài trăm con cóc trong nhà, thuê người mổ lấy lá gan quý báu của nó điều chế làm “thần dược”.

Ở tuổi 95, cần phải có người nâng dậy thì cụ Thời mới hút thuốc lào được, nhưng việc chữa bệnh cứu người chưa bao giờ cụ bớt chuyên tâm.

Bệnh nhân nào thầy cũng hỏi: “Nhà mình có điều hòa nhiệt độ không”?

Lúc đầu nghe tin, chúng tôi ngỡ đồn nhảm. Vào vai khổ khách có người nhà bị gẫy xương tai hại, đến tận các góc nhà, nhòm vào các chuồng lóc nhóc toàn “cậu ông giời” đang thản nhiên chờ ngày lên thớt, chúng tôi vẫn chưa tin. Đi phỏng vấn cả chục người tự cho rằng mình đã được chữa khỏi bệnh gãy chân, gãy tay, gãy xương sườn, xương bẹn và xương bả vai, chúng tôi vẫn không ngớt hoài nghi. Vô lý, bao nhiêu khoa học tân tiến, thuốc Đông thuốc Tây, đinh nẹp i-nox sáng choang với các giáo sư tiến sĩ lừng danh, nào có dễ gì chữa được cái bệnh gãy xương không tài nào liền nổi của người già. “Xương gà dễ liền hơn xương người (các cụ dạy: “xương gà da chó”); xương trẻ con bao giờ cũng dễ lành hơn xương người già. Vậy nhưng, bà Nguyễn Thị Hằng, ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội ngoại lục tuần rồi mà vẫn liên tục buồn vì tai nạn, rồi vui vì có phúc được cụ Thời giúp thoát khỏi cảnh tàn phế vì gãy xương. Có bà cụ 91 tuổi bị gãy xương bẹn, cụ Thời bó một lá thuốc là khỏi.

Bà lẩm bẩm: Trời xui đất khiến thế nào, xe máy Tàu nhập về nhiều, nhò ra ngõ là thấy tai nạn. Cứ thỉnh thoảng tôi lại phải đem cái thân già làm “người trong cuộc” của một trong vô vàn những vụ kia. Rồi bà dẫn chúng tôi đi thăm một loạt các bệnh nhân ở ngay gần nhà bà, toàn người được cụ lang Thời chữa khỏi bệnh một cách rất “khôi hài”. Bà Hằng bị tai nạn xe, con trai bà cũng bị, tất cả đều đến chỗ cụ Thời. Nam giới thì mổ 7 con cóc, lấy 7 lá gan, nữ giới thì con số này là 9. Đem giã nhuyễn gan cóc, bỏ thêm mấy con gà con mới nở, bổ sung vài vị thuốc lá thơm thơm, thế là thành miếng đắp liền xương.

Có người đi viện về, vài tháng chưa liền xương, nhưng đến cụ Thời, “bó” vài miếng gan cóc gà con là khỏi tiệt. Trong quá trình bó cóc, tuyệt đối kiêng hơi lạnh của đám ma. Bà Hằng đã dính và nhiều người đã mắc, ấy là, cứ có hơi đám ma là thuốc tan rã, tanh òm. Phải hái lá cây về tắm rửa sạch rồi nhanh chóng đến nhà cụ Thời giã thuốc đắp bù ngay. Nhiều người cứ đắp thuốc xong là phải nằm điều hòa nhiệt độ, nằm đâu nằm đấy, kẻo mồ hôi ra, gặp tiết nóng nực là thuốc tan hết. Gần đây, khi bốc thuốc, làm miếng đắp cho người ta, ông cụ Thời và chị Yến (con dâu kế nghiệp cụ) lần nào cũng phải hỏi: Nhà có điều hòa nhiệt độ không. Vào phòng điều hòa “nằm thiền” với các mớ gan cóc là an toàn nhất.

Bà Hằng dẫn chúng tôi đến gặp bà Nga, thông gia nhà mình. Bà Nga bị thoát vị đĩa đệm, khám chữa khắp nơi, đau như búa bổ; giữa lúc thân tàn ma dại, bác sĩ tây y bảo “mổ!”. Giá là 100 triệu đồng. Mà kết quả cũng chỉ là 50/50, chưa chắc đã tốt đẹp gì. Nghe bà Hằng giới thiệu, bà Nga bán tín bán nghi đi taxi, bò lê kéo càng vào nhà cụ Thời, xin đắp thử một vài miếng “cao gan cóc”.

Thần kỳ thay, bà Nga khỏi bệnh đã 7 năm nay. Cụ Thời kể và chúng tôi vào vai khách xin “miếng đắp” cũng chứng kiến nhiều người được bó và bệnh tiến triển rất tốt. Có bà cụ ngoài 80 tuổi, bị gẫy xương, vỡ cổ đùi ở ngang bẹn, bó gan cóc vẫn lành. Có cô đi từ Hòa Bình xuống để chữa xương chậu bị vỡ toang. Không chỉ nắn, bó xương cho mau lành, các bệnh về xương khớp khác, bí quyết mang tên gan cóc cũng tham gia chữa khá mát tay.

Hầu hết người đến chữa bệnh đều bị gãy xương, đau xương, nên chẳng ai đi xe máy hay ngồi xe máy đến gặp thầy lang Chuột cả. Toàn đi ôtô và taxi, bệnh nhân hầu hết nằm trên xe rồi được dìu vào gặp thầy thuốc. Sân nhà cụ Thời giăng mắc toàn ôtô. Gặp chúng tôi, phải nhờ người dìu dậy bắn điếu thuốc lào trong cái điếu bát cổ kính, cụ lang Chuột nheo một con mắt (mắt còn lại cụ bị hỏng) hóm hỉnh: “Trò đời, dao sắc không gọt được chuôi. Tôi 95 tuổi, bị tai biến gần như liệt nửa người, vẫn phải nhỏm dậy cứu bà con!”. Chị Yến, 46 tuổi, là con dâu cụ Thời, được coi là đệ tử chân truyền. Chị này mau mắn, nói năng dịu dàng, làm việc rất chuyên nghiệp và đặc biệt dị ứng với việc báo chí đề cập đến bài thuốc bí truyền của nhà chồng.

Không phải là người có bệnh xương khớp nên chúng tôi không hiểu cụ thể hơn tác dụng của các miếng đắp gan cóc kỳ quái đó. Chỉ biết, chị Yến đang dịu dàng khám, đọc kết quả chụp xương cho bà Nguyễn Thị Yến, 89 tuổi, người xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín. Bà bị gãy xương bẹn. Bên cạnh là anh Nguyễn Đông Hà, tuổi ngoài 50, xăm trổ đầy mình, đến bó cái xương sườn gẫy 2 rẻ do ngã cột điện (như lời anh nói). Chị Yến có mấy miếng thuốc gồm cơm nếp trộn gà con và gan cóc giã nhuyễn, thêm vài vị thuốc bí mật thoang thoảng hương rừng lá núi, cứ thế dán, bó lại.

Khi chúng tôi hỏi về công dụng của bài thuốc bằng gan cóc, các bệnh nhân nhao nhao kể với tất cả sự thần phục bài thuốc “cụ lang Chuột”. Một anh nói: “Mẹ tôi ngã gãy 4 xương sườn, cụ bó vài miếng, thế mà bây giờ lại phi xe máy ầm ầm”. Anh Nguyễn Văn Thuận, người Hải Dương thì nói, dở buồn dở vui: Lần trước tôi bị gãy xương mu bàn chân, cụ Thời bó 2 “miếng cóc” là khỏi. Nay ngã xe máy, gẫy 4 xương sườn lại đến bó tiếp.

Một bệnh nhân gãy xương sườn đang được chị Yến, con dâu cụ Thời bó bằng thuốc gồm gan cóc xay nhuyễn (ảnh chụp lén).

Tại sao lại là gan cóc?

Cụ Thời sống giản dị, có gì cụ tâm sự hết. Chị Yến cũng chân chất, rằng không muốn báo chí viết gì cả, khoe khoang nó mất đi cái thơm thảo của việc trị bệnh giúp người. Vả lại mình bắt cóc, mua cóc về, thuê người mổ, rồi lại còn mua cả máy nghiền gan cóc lẫn với bột nếp, với gà con, thuê người vào rừng lấy thêm lá thuốc bí truyền. Tốn kém lắm, với giá hơn 300 nghìn đồng/miếng “bó cóc” cũng chẳng rẻ mà cũng chẳng đắt. Bài thuốc gia truyền chữa được bệnh cho người khác, thế là mừng rồi.

Ngoài những bệnh nhân, ngoài những “vai diễn” để tìm ra sự thật, chúng tôi cũng liên lạc với Chủ tịch UBND rồi Trạm trưởng Y tế xã Liên Châu, nơi ông Thời đã “hành nghề y dược” hơn nửa thế kỷ qua. Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng thôn Từ Châu, nơi cụ Thời đón tiếp rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày, xác nhận: Thuốc của gia đình cụ Thời cứu biết bao nhiêu người, quá tốt.

Anh Ích, là cán bộ văn phòng UBND xã được Chủ tịch giao nhiệm vụ trao đổi với chúng tôi về thực hư câu chuyện gan cóc trị bệnh của ông lang Chuột, thì xúc động: Từ bé tôi đã sang nhà cụ Thời chơi. Bấy giờ còn đi bắt cóc, giã gan cóc giúp cụ mà. Cụ này thừa kế nghề “bó cóc, bó gà con” của bố mình. Nhưng lúc trẻ ông chỉ thích đi câu cá, du sơn du thủy, đã có ý bỏ nghề sau khi bố chết. Lúc thấy bố mình già yếu quá, thấy bệnh nhân đến nhiều, nghĩ mất cái nghề bó cóc thì khổ bà con quá, nên ông Thời đã tiếp quản nghề. Và bây giờ, ở tuổi 95, ông lại giao cho con trai và con dâu. Các cán bộ trạm y tế xã đều xác nhận về nhân thân tốt, việc trị bệnh chưa bao giờ để lại một tai biến hay điều tiếng gì trong toàn khu vực. Họ cũng quan sát thấy, nhiều bệnh nhân được bó liền xương, nhanh hơn cách mà nhiều BV đang làm.

Rít thuốc lào roen roét, căn phòng tối om, cụ Thời liệt nửa người đã lâu. Cụ bảo, có người lòi cả lòng ra, khi ngã, xương gẫy nhiều, có người thịt đã thối, nhưng tôi bó vài miếng là khỏi. Lúc còn đi được, lúc nào cụ cũng giắt vài miếng cao bí truyền trong người, ai gặp nạn là xông đến cứu. Tính cụ mã thượng. Lại hóm. Nên cụ nhớ nhất là “có bà bằng tuổi tôi, cũng ngoài 90 rồi. Đến thấy xương gẫy nặng quá, tôi bảo từ từ để tính. Bà cụ chắp tay lạy tôi như tế sao, bảo tôi bằng tuổi ông, bị bọn đi xe máy cẩu thả nó đâm, ông không cứu tôi thì ông cứu ai!”.

Cụ Thời lý giải đơn sơ: Gan cóc rất nóng, cần gà nhép giã nguyên con thì mát. Hai chất này giúp xương phát triển và mau lành. Anh Ích khẳng định, có thể chính cụ Thời cũng không hiểu vì sao bài thuốc gia truyền nhà mình lại hiệu quả đến thế trong chữa trị các bệnh xương khớp. Vấn đề dễ gây tranh luận, gây ngạc nhiên này, chắc là cần được các chuyên gia nghiên cứu đầy đủ thêm nữa.

Người xưa nói, bà con Việt Nam chịu chết vì đủ thứ bệnh trong khi hằng ngày vẫn dẫm đạp lên cỏ cây hóa lá - những kho thuốc vô tận được trời ban từ thượng cổ. Như cụ Phan Kế Bính nói, các bài thuốc dân gian hoa cỏ kia, lúc này có thể ta chưa hiểu hết được chúng, chưa hiểu thì rồi đây sẽ tùy duyên mà hiểu dần. Cái trước tiên là không nên bài bác khi chửa hiểu hết được nó. Thiết tưởng, chuyện ở Hà Nội có gia đình cụ lang Chuột nuôi hàng nghìn con cóc, thuê người mổ, mua máy xay lớn về để nghiền gan cóc trị bệnh cứu người - đã là một ví dụ tiêu biểu.

Đem câu chuyện chữa bệnh bằng gan cóc đến hỏi GS.BS Đỗ Doãn Đại, người rất giỏi chuyên môn, từng 15 năm làm Giám đốc BV Bạch Mai, ông Đại không tỏ ra ngạc nhiên. Ông bảo ông biết cái lý của chuyện này. Riêng TS Nguyễn Văn Nhường, đương kim Trưởng khoa Đông Y, BV Bạch Mai lại rất cặn kẽ: Trong con cóc có các hoạt chất giúp giảm trạng thái đau đớn, giảm viêm tấy.

Nhiều tài liệu của nước ngoài cũng nói về điều này, hoạt chất đó tên là Bufotoxin. Nó này từng được người Trung Quốc đưa vào nghiên cứu điều trị ung thư. Trong con cóc có chất axit amin mà hầu như tất cả các loài vật khác đều không có được. Khi sử dụng thịt cóc, nó cho con người một sức đề kháng vượt trội. Dường như đó là nguyên nhân để nhiều nơi ở nước ta, như báo chí phản ánh, đã ăn (một ít) thịt cóc, mật cóc, gan cóc nhằm chữa trị ung thư. Tôi không khuyến khích các hành vi trên, nhưng các hiện tượng đó rất đáng để chúng ta nghiên cứu về các công dụng lạ lùng của Cậu Ông Trời.

Hoàng Dưỡng - Tâm Am

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/than-duoc-gan-coc-616991.bld