'Thần đèn' ra tay cứu các công trình cổ ở Trung Quốc

Đô thị hóa nhanh chóng khiến hàng nghìn công trình cổ ở Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị phá hủy để phục vụ cho mục đích mới. Đây là lý do các công ty "thần đèn" xuất hiện.

Từ năm 1995 tới 2015, dân số thành thị ở Trung Quốc tăng mạnh và có khoảng 10.000 di tích cổ bị phá bỏ. Vì vậy, di chuyển tới một địa điểm mới được coi như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa cho sự tồn tại của những "chứng nhân lịch sử" này.

Ảnh chụp ngôi nhà cổ có tên Yin Yu Tang, được di chuyển từ tỉnh An Huy, Trung Quốc sang bang Massachusetts, Mỹ. Việc di chuyển các công trình kiến trúc bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc từ những năm đầu thế kỷ 21.

Nhà hát Thượng Hải trước và sau khi được di dời. So với việc phá hủy, di dời những công trình kiểu này tiết kiệm hơn về mặt thời gian, công sức và chi phí. Một công ty ước tính giá để di chuyển nhà hát này rơi vào khoảng 1,3 triệu USD. Ban đầu, công trình được nâng lên 1,4 m và đặt trên các đường ray. Sau đó, quá trình di dời sẽ diễn ra bằng cách để ngôi nhà trượt tự nhiên, hoặc dùng lực kéo.

Ngôi nhà mang tên Murray từng nằm ở trung tâm Hong Kong được tu bổ và di chuyển vào năm 1982 bằng cách tách thành các phần nhỏ rồi ghép lại sau quá trình vận chuyển.

Tòa nhà ba tầng 100 năm tuổi ở Vũ Hán được di chuyển 90 m vào năm 2016. Những công ty trong lĩnh vực này ngày càng ăn nên làm ra ở Trung Quốc, vì số lượng công trình lịch sử cần được bảo tồn ở đây rất lớn.

Tòa nhà Zhengguanghe ở Thượng Hải có tuổi đời 78 năm là công trình nặng nhất từng được di dời. Đây là công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư George Wilson và xây dựng vào những năm 1930. Nó được di chuyển tới vị trí mới cách 38 m nhằm phục vụ cho việc quy hoạch.

Đền thờ Trương Phi bên cạnh núi Phi Phụng, trên một con sông thơ mộng. Đây là công trình cổ được xây dựng từ những năm 900 và tồn tại qua nhiều thế kỷ. Nó được di dời vào năm 2000, cách vị trí cũ 32 km với chi phí khoảng 12 triệu USD.

Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn mọi hành vi tác động tới công trình lịch sử. Cuối năm 2016, Bắc Kinh đưa ra danh sách 98 công trình bắt buộc bảo tồn, đây được coi là bước tiến lớn trong việc gìn giữ lịch sử ở nước này.

Những công trình đã được di dời khỏi vị trí ban đầu trên khắp Trung Quốc. Từ trên xuống lần lượt là tòa nhà trạm cứu hỏa Hakou Yiyong ở Vũ Hán, lễ đường Jinlun ở Quảng Châu, rạp hát Thượng Hải, tòa nhà cũ của Ngân hàng Công nghiệp và Nông nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh và tòa nhà Zhengguanghe ở Thượng Hải. Đồ họa: CNN.

Thế Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/than-den-ra-tay-cuu-cac-cong-trinh-co-o-trung-quoc-post729719.html