Tham vọng điều khiển thời tiết của con người

Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đang chi hàng triệu USD mỗi năm để thực hiện các dự án nghiên cứu hoặc triển khai công nghệ điều khiển thời tiết.

Con người luôn khao khát điều khiển được thời tiết. Ảnh minh họa: Flickr.

Theo Business Insider, trong mùa hè năm 2016, Trung Quốc chi 30 triệu USD cho dự án gây nhiều tranh cãinằm trong chiến dịch mang tên "công nghệ điều khiển thời tiết"để bắn những viên đạn chứa đầy muối và chất khoáng lên bầu trời. Trung Quốc từng sử dụng công nghệ này ít nhất một lần để ngăn mưa trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, có ít nhất 52 quốc gia đang thực hiện các chương trình điều khiển thời tiết, nhiều hơn 10 nước so với 5 năm trước.

Từ thập niên 1940, hai nhà khoa học tại tập đoàn General Electric, Mỹ, thực hiện thí nghiệm kích thích tăng tinh thể băng trong những đám mây siêu lạnh trên đỉnh núi Washington thuộc tiểu bang New Hampshire. Ngọn núi được mệnh danh "núi bão tố" này là địa điểm tốt nhất để thực hiện thí nghiệm trong điều kiện lạnh. Hai nhà nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra mưa nhân tạo nhờ sử dụng những viên đạn chứa bạc iotua (AgI) bắn vào đám mây. Họ nhận bằng sáng chế kỹ thuật gieo mây (cloud-seeding) năm 1948.

Trong không khí luôn chứa độ ẩm, và ngay cả vùng đất khô nóng vẫn có hơi nước lơ lửng trên bầu trời. Trước khi trời mưa, hơi nước trong không khí lạnh dần và ngưng tụ trên những phần tử nhỏ xíu (bụi, khói…) trong khí quyển, tạo thành mây. Khi các giọt nước hoặc băng đá phát triển đủ lớn và nặng, chúng sẽ rơi xuống và tan chảy trên đường đi gây ra mưa.

Kỹ thuật gieo mây hoạt động dựa trên nguyên lý tương tự. Các nhà khoa học đưa thêm hóa chất vào đám mây để giảm nhiệt độ, đồng thời cung cấp thêm nhiều hạt nhân ngưng tụ hơi nước khiến quá trình tạo mưa diễn ra nhanh hơn.

Theo các nhà khoa học, vấn đề lớn nhất của kỹ thuật gieo mây là tính hiệu quả của nó. Ngay cả với công nghệ tiên tiến ngày nay, con người rất khó phân biệt thời tiết diễn ra tự nhiên hay do kỹ thuật gieo mây tạo ra.

"Câu hỏi luôn được đặt ra là, nếu bạn không gieo mây thì trời có mưa không", Alan Robock, giáo sư địa vật lý tại Đại học Rutgers, Mỹ, cho biết.

Dù có nhiều tranh luận về cách thức hoạt động của kỹ thuật gieo mây, vài nơi trên thế giới đã sử dụng công nghệ kiểm soát thời tiết để ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách tạo ra sự thay đổi nhiệt độ và lượng mưa trên quy mô lớn.

Trong đợt hạn hán ở California và một số bang thuộc vùng Trung Tây Mỹ, dự án gieo mây được áp dụng để tăng lượng mưa, nhằm cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ canh tác nông nghiệp.

Theo Reuters, Bộ Tài chính Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng công nghệ gieo mây nhằm tạo hơn 60 tỷ m 3 mưa bổ sung mỗi năm tính từ năm 2020. Năm 2015, bang Maharashtra, Ấn Độ chi 4,5 triệu USD để gây mưa nhờ kỹ thuật gieo mây trong một đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Tháng 5/2016, chính phủ Nga chi 1,3 triệu USD cho một dự án nhằm ngăn mưa vào ngày Quốc tế Lao động.

Theo VNExpress

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/tham-vong-dieu-khien-thoi-tiet-cua-con-nguoi/20160802083433401p1c160.htm