Thăm thầy giáo từng dạy Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Cụ Bùi Ngọc Lâu, sinh ngày 17/6/1938 , quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình – thầy giáo dạy môn Hóa học tại Trường phổ thông Cấp 3 Kim Sơn B (tỉnh Ninh Bình) những năm cuối thập niên 60 – đầu thập niên 1970. Trước khi về dạy tại quê nhà, thầy Bùi Ngọc Lâu từng dạy Trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình từ năm 1959 đến đầu năm 1962, Trường PT Cấp 3 Ba Đồn (Quảng Trạch) từ cuối năm 1962 đến giữa năm 1965. Ông là một trong số ít các giáo viên Hóa học dạy Cấp 3 được đào tạo Đại học chính quy của Ngành Giáo dục hồi đó, cũng là lớp thầy giáo đầu tiên của Trường Cấp 3 Ba Đồn nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ cứ nước - thời gian tôi được học tập tại đây.

Chân dung thầy Bùi Ngọc Lâu

Khóa học 1969 – 1972, cụ Bùi Ngọc Lâu dạy học trò Trần Đại Quang 3 năm liền từ lớp 8 đến hết lớp 10 tại Trường phổ thông Cấp 3 Kim Sơn B. Học trò Trần Đại Quang học giỏi đều các bộ môn; rất chăm ngoan, gương mẫu trong mọi sinh hoạt tập thể trường lớp - xã hội.

*

* *

Lần trước đi thăm thầy Đỗ Khắc Thành, khi đăng lên FB, bạn Hoàng Thị Minh Lý đọc được, đã viết Commnet: "Sao Lê quang Vinh lẻn đi một mình mà không rủ Minh Lý đi cùng, Lý rất tiếc. Không được đến thăm thầy, nhưng nhìn ảnh thấy thầy Thành khỏe mạnh là mừng rồi. Xin kinh chúc thầy luôn khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc." - Chị Hoàng Thị Minh lý (FB "Minh Ly Hoang"), là bạn học từ thở ấu thơ - vỡ lòng đến... hết lớp 10 với LQV).

Lần ni, từ sáng sớm (15/11/2016), liên tục gọi điện cho Minh Lý, nhưng có lẽ "người một nơi, máy ĐT một nẻo", nên chị ấy không nghe được và cũng chả thấy hồi tin lại; thế là đi một mình sang Gia Lâm thăm hai cụ Bùi Ngọc Lâu cùng Mai Xuân Trang.

Tuy nhiên, khi dắt xe ra ngõ, gọi điện để thưa trước hai Thầy, thì chỉ có thầy Bùi Ngọc Lâu là ở nhà, còn thầy Mai Xuân Trang đang đi chơi tận Bắc Giang, tối mới về; chị Cúc - vợ Thầy, lại đang về thăm quê.

Tôi vẫn "quyết tâm" đi thăm một mình thầy Bùi Ngọc Lâu, vì đã định thế rồi.

*****

Giữa tôi và thầy giáo Lâu thì cũng như muôn học trò khác của ông với thầy của mình. Nhưng trước khi ra Bắc, trở về quê hương Ninh Bình dạy học, tôi có một kỷ niệm với Cụ đúng thời điểm đó.

Hình ảnh hai vợ chông thầy Lâu

Trong bài báo "Thư gửi bạn lớp 10 xưa" ("Thăm thầy giáo cũ cách nay 50 năm: Nhớ về lớp 10 thuở ấy...") của tôi, có đoạn:

"Người bạn “chia tay” chúng ta quá sớm nữa, khi tiền đồ phía trước dường như đang huy hoàng là anh Nguyễn Tuất – Con trai người thợ rèn “có tiếng” là ông Nguyễn Chịt. Lò rèn ông Chịt rèn rựa chặt củi sắc lẹm, dáng dao lại rất đẹp; cùng mọi nông cụ, vật dụng gia đình khác… Nguyên liệu của lò ông, đa phần là mua lại sắt tà vẹt và đường ray tàu hỏa Pháp để lại từ thời “ăn rau má, phá đường tàu” (đầu cuộc KC chống Pháp) do dân Thổ Hạ bòn mót, giữ lại cung cấp đều đều. Chỉ những lò rèn cao thủ mới “xơi tái” được món vật liệu quá khổ này. Sản phẩm lò rèn ông “Mẹt Chịt” (tục danh bọ anh Tuất) luôn bán chạy, nổi tiếng cả vùng 3 huyện Quảng Trạch, Bố Trạch (lên tận chợ Khương Hà để đến được tay bà con dân tộc thiểu số), Tuyên Hóa (gồm cả Quy Đạt – Minh Hóa bây giờ nữa)… Nhà anh Tuất ở xóm Nhân Hòa, thôn Hòa Ninh, xã Quảng Hòa. Nguyễn Tuất, nối được nghiệp cha nên nhỏ thế đã thành tay “thợ rèn” có hạng, rèn được nhiều thứ dao rựa rất cừ khôi. Năm 1964 – 1965, chiến tranh bắt đầu lan ra miền Bắc, phong trào “quân sự hóa” nổi lên từ mọi ngõ xóm thôn quê nhà; thế là bỗng chốc mỗi người dân QB là một “chiến sĩ” bảo vệ Tổ quốc. Ban đầu thầy Bùi Ngọc Lâu dạy Hóa (người Phát Diệm, Ninh Bình), thầy Thành (người Lâm Thao, Phú Thọ) dạy Sinh vật (C3 Quảng Trạch) nhờ cánh tôi đặt rèn dao găm cho các thầy để “phòng thân” do biệt kích nhảy dù hoặc từ biến vào, khi đi bộ ra Bắc (được chuyển công tác) và phục vụ sinh hoạt dọc đường. Thời ấy, ai ai ra Bắc cũng đều phải chuẩn bị vật thiết yếu vậy. Tôi bàn với Tuất rèn 2 con dao găm này tặng hai thầy. Dần dà lan ra trong nhiều đứa cùng trọ học ở Đông Dương như Đồng (Cu Khải), Quang (Mẹt Hiều), Trần Kim Đính (Đính Bổn), Nguyễn Bằng... Thế là Tuất trở thành “nhà cung cấp” cho tụi con trai mỗi đứa một “tuyệt tác” dao găm có rãnh sâu đường “thoát huyết” thứ thiệt (“tiêu chuẩn hóa” như dao bộ đội). Dao găm chúng tôi luôn “thủ” trong người, “sẵn sàng” cùng người lớn “bắt biệt kích”, hoặc “tóm phi công Mỹ” nhày dù... Con dao găm được bọn ta luôn đeo bên mình, từng trở nên “mốt” (mode) – cho sự kỳ khôi (kỳ dị), đỏng đảnh, làm duyên của các chàng “thư sinh” đồng ruộng; chứ không phải để đâm chém, sát phạt nhau như những kẻ trộm cướp, hư hỏng bây giờ... Nguyễn Tuất rất tài "học thuộc lòng" (tất cả) mọi môn học từ toán, lý, hóa đến văn, sử, địa, chính trị, ngoại ngữ... Anh ngồi học mà như "ngâm giọng Bắc" rõ to vang xa khắp xóm, ai qua đường nghe cũng “ngẩn người ra” vì phục sự ham học của cậu học trò này. Nguyễn Tuất mơ ước được tuyển vào “Khoa Cơ khí” – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – mới “trúng tủ” với truyền thống nghề rèn của gia đình mình. Thế nhưng số phận lại đưa đẩy Nguyễn Tuất vào học tại Trường Đại học Kinh tế – kế hoạch. Sau 4 năm dùi mài học hành, sinh viên Nguyễn Tuất được giữ lại để trường đào tạo tiếp thành “cán bộ giảng dạy” ở đây. Chưa kịp “êm chỗ” trên cương vị mới, anh đã phải tòng quân. Đang trong thời gian rè luyện, người chiến sĩ trí thức trẻ phơi phới vậy, lại mắc luôn bệnh “máu trắng”. Nguyễn Tuất được quân đội đưa đi chữa trị tại Quân y viện 304 ở Hà Nội (Bệnh viện này gần Cột cờ Hà Nội). Được vài tháng, anh qua đời tại đây luôn. Trong thời gian Nguyễn Tuất nằm viện, tôi có đến thăm bạn được vài lần".

*****

Còn nhớ, sự "chơi" của thầy Bùi Ngọc Lâu là cầu kỳ lắm.

Hôm Thầy gặp tôi để sai rèn dao găm, cụ gọi ra sau gát (ở Đông Dương, Pháp Kệ gọi phía rừng tràm - reèng reèng sau làng là "gát"). Tay cầm con dao găm nhỏ, dài khoảng 20 phân Tây cả chuôi lẫn lại (lưỡi dao); Thầy nói: Con dao này là của "ngoại" đấy, chuôi nó bằng "Polime". Tôi không hiểu: "Pô li me" là thứ chi rứa hả Thầy? Cụ giảng giải:

"Polime là những hợp chất có phân tử khối rất lớn do nhiều đơn vị nhỏ (gọi là mắt xích) liên kết với nhau tạo nên. Hệ số "n" được gọi là hệ số polime hóa hay độ polime hóa hay hệ số trùng hợp. Polime có 3 loại: Theo nguồn gốc: polime thiên nhiên (có nguồn gốc từ thiên nhiên), polime tổng hợp, polime nhân tạo hay bán tổng hợp. Theo cách trùng hợp: polime trùng hợp, polime trùng ngưng. Theo cấu trúc: polime mạch thẳng, polime mạch nhánh, polime mạng lưới không gian...". Đại loại Thầy nói rứa, sau này, tôi tìm hiểu lại thì chính xác như ri - lời Thầy.

Tôi thưa: "Ở Hòa Ninh, không mần được thứ ni". Thầy nói: "Làm sao được, chỉ cần cán gỗ mà đẽo cho thật đẹp là được".

Về nhà, tôi nhờ ông Tri Hòa, thợ tiện để cụ ni tiện cán dao cho Thầy. Đẹp lắm, nó bằng củi "ran" rất cứng. Con dao sẽ giúp Thầy tôi trong mọi sinh hoạt của quãng đường đi bộ từ Quảng Bình tới miền Bắc xa xôi...

*****

Sáng nay, khi mới bước vô nhà, Thầy đã vồ vập phê bình luôn: "Vinh viết bài về thầy Đạng khá hay, nhưng...sai sự thật!". (Bài báo "Thầy Nguyễn Quang Đạng trong tôi", in trong tập sách "Một thời đáng nhớ" của Trường cấp 3 Quảng Trach.

Hình ảnh thầy trò Bùi Ngọc Lâu và Nhà báo Lê Quang Vinh

Tôi thưa: "Sao lại rứa hả Thầy?". Thày cao giọng: "Hồi ấy mi học lớp 8, không ai dạy "Giá trị thặng dư" cả". Tôi bật lên, cãi lại: "Thưa Thầy, là lớp 9, có học "Triết học", chương "Chủ nghĩa tư bản". Có vẻ... Thầy chịu; nhưng nói thêm: "Ông ấy giảng chưa đến mức như mi viết đâu". Tôi im lặng.

Nhân đây, cũng nên nói vài lời về tập sách "Một thời đáng nhớ" với Thầy Bùi Ngọc Lâu - người có tới mấy bài trong đó.

Tôi mạnh dạn thưa: Em thấy cuốn sách "hỗn lốn" thế nào ấy. Nó được NXB "Hội Nhà văn" xuất bản nên "oai" lắm chứ. Nhưng chắc các BTV (biên tập viên) của nhà xuất bản này không đọc, họ thấy tên tuổi của hàng mấy chục học trò "vai vế" được ghi danh trong sách nên in đại cho xong. Chỉ tiếc là sao không làm một tập sách riêng của thầy Phạm Ngọc Căng và thêm chỉ rặt di cảo của các thầy giáo cũ thời đó (đã qua đời) thôi, vì có nhiều bài viết và tư liệu các thầy để lại rất đáng trân trọng. Đằng này lại sưu tập "đủ thứ mà rằn", đậm đặc các bài viết "vô thưởng, vô phạt", thiên về "báo cáo thành tích" xưa và nay (thì hiện tại của Trường THPT số 1 Quảng Trạch - nay là Trường THPT Lương Thế Vinh?). Hàng mấy chục học trò tài danh ấy mà chỉ "đẻ" được tập sách chất lượng vậy sao? Sự góp mặt như để "chưng diện" là chính. Vì thế, tập sách chả nói được gì cho nghề dạy học hiện đang rất cần "canhh tân"!. (Bài học gì của việc "dạy và học" trong ngôi trường xưa nó như thế nào, bởi suýt "anh hùng" của thời đó cơ mà? Cái gì còn có giá trị đến môi trường GD của ngày hôm nay cho ngôi trường hiện tại?). Kỷ niệm về trường cũ, thầy cũ mà sáo vẹt, vô hồn; rặt những chuyện ai ai cũng biết cả rồi "khổ lắm nói mãi", gần như tất cả đều giọng điệu chung ấy, nên ít gây xúc động cho người đọc...(Có khá nhiều bài thơ "con cóc", nhiều hồi ký khoe mẽ ngày ấy mình học hành giỏi dang ra làm sao...). Rất may, phần cuối sách có đoản văn Nguyễn Quang Lập – Như “bó nứa làm bè" để chở cuốn sách “sang sông” đưa đi in.

Những chuyện cũ về thầy cô giáo thời Thầy giáo dạy chúng em, có khối chuyện vô cùng “cao khiết” mà lại giản dị, ngỡ như cha dạy con trong gia đình, bởi các cụ luôn dồn hết tâm trí và tài năng để làm giáo dục một cách chất phác, vô tư; vì thế nó vẫn "thời sự nóng hổi" cho cả hôm nay.

Đó là cách dạy Sử với phong thái trầm tĩnh mà cuốn hút, lớp lang bài bản; kết hợp cùng giọng điệu đậm chất Huế như đức cha truyền đạo trong nhà thờ của thầy Nguyễn Khoa Tịnh. Giờ Lịch sử của thầy là quá trình phát huy tâm lý, dẫn dắt khơi gợi trí não học sinh để "cùng thầy" và "tự mỗi chúng ta" khám phá những huyền tịch trong mê cung tầng tầng lớp lớp thời gian nghìn năm lịch sử nhân loại cũng như lịch sử đất nước, lịch sử quê hương... Cho nên, giờ học Sử ngày ấy sao nó thiêng liêng, hấp dẫn đến vậy. Đúng là thầy giáo của chúng ta là người chịu trách nhiệm cùng bản ngã GD của thiên chức nhà trường "vén màn kho báu" bộc lộ ra vẻ đẹp huy hoàng những pho lịch sử bi hùng trước sự ngỡ ngàng của lớp trẻ.

Rồi cách dạy Hóa "bí ẩn" như thầy phù thủy, như người làm xiếc khiến học trò phải "nín thở" đoán già đoán non qua bài giảng lý thuyết lẫn thực hành của thầy Bùi Ngọc Lâu (người quê Phát Diệm - Ninh Bình). Cả lớp chúng em vô cùng thích thú, cứ mỗi bài mỗi chất hóa học, mỗi định luật…, qua cách dạy của Thầy là những câu chuyện khai sáng văn minh trong lịch sử nhân loại. Ở Thầy là cả kho tàng văn hóa xã hội lẫn tự nhiên đầy ắp ngỡ như không bao giờ vơi cạn nếu thầy dạy chúng em liên tục cả chục năm. Cách phê học bạ “độc nhất vô nhị” của thầy nữa. Giai thoại như sau: Có anh Nguyễn Bá Trinh, con cụ Nghè Cơ người Hòa Ninh (xã Quảng Hòa), học giỏi “siêu đẳng”. Cuối năm, thầy Lâu mất cả tháng mới tìm được lời phê học bạ của ông thầy dạy nhà bác học Albert Einstein người Đức, rồi dùng nguyên xi thế phê luôn học bạ lớp 10 của học trò Nguyễn Bá Trinh (HS lớp 10 đầu tiên của Trường Cấp III Quảng Trạch).

Người mặc áo vetton màu xanh đen là thầy giáo Mai Xuân Trang tại lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch - năm 1996.

Hôm nay, việc đã sau mấy chục năm - hơn nửa thế kỷ rồi, gặp thầy Bùi Ngọc Lâu tại nhà, tôi hào hứng kể lại chuyện xưa; thầy nghe rồi chỉ biết cười ríu mắt mà vui đáo để.

Phong thái và cách dạy môn Địa lý của thầy Mai Xuân Trang cũng là “để đời” cho chúng tôi. Tôi nhớ khi học bài Địa lý về “Hệ thống sông Cửu Long”, mở đầu bài giảng thầy đọc cho nghe bài thơ “Cửu Long giang ta ơi…” của Nhà văn Nguyên Hồng, với nhưng câu thơ hùng vĩ:

“Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh

Nguồn tự Trung Hoa có Vạn lý trường thành

Có Hy Mã lạp sơn, Động Đình hồ, Tây du, Thủy Hử

Mê Kông chảy

Cây lao đá đổ

Ngẫm nghĩ voi đi

Thác Khôn cười trắng xóa

Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương

Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn”.

Bài học về hệ rừng Trường Sơn “vừa che bộ đội, vừa vây quân thù” và những đồng bằng phì nhiêu trù phú 2 miền Bắc – Nam của nước ta, thầy đọc cho nghe mấy câu thơ trong bài “Bài ca Hắc Hải” của Nhà văn đa tài Nguyễn Đình Thi:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn (dập dờn?)

Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mất thương yêu

Bao nhiêu đời đã đổ nhiều máu xương”.

Đăm chiêu qua đôi mắt cùng giọng đọc thơ “chất Nghệ An” trầm hùng mà thảng thốt, gieo vào tâm khảm học trò đến mê mẩn. Thầy đọc hay lắm, không thua kém giọng đọc diễn cảm của bất cứ một thầy giáo dạy Văn nào. Thầy vừa giảng vừa vẽ bản đồ, loáng một cái là hiển hiện ra liền hình thù “năm châu bốn biển”, hình thù nước VN liền một giải với cầu Hiền Lương – sông Bến Hải đang tạm thời chia cắt đôi miền... Nhiều thầy giáo khác, khi đứng lớp, một tay cầm phấn viết, một tay cầm giẻ lau, cứ nhồm nhoàm bụi phấn và lọ nghẹ. Riêng thầy Trang, một tay vừa phấn vừa giẻ lau, còn tay kia thường dành cầm giáo án hay sách giáo khoa, sạch sẽ gọn ghẽ từ đầu chí cuối. Hình ảnh “Bản đồ mới tường vôi cũng mới - Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao” và dáng người đậm nhưng “thư sinh” của thầy Trang ngày ấy trong cách ăn vận chiếc áo sơ mi vải “pô - pờ - lin” cổ cồn trắng muốt, quần ka ki vàng nhạt có nếp là sắc như dao và đôi sandal thầy đeo cũng vàng nhạt da bò là hình mẫu lý tưởng, là ước ao được làm người “trí thức” trong giới trẻ nhà quê nam sinh bọn anh. Hóa ra, người thầy cũng phải luôn song hành với trò như một hình ảnh đạo đức, thẩm mĩ cao khiết khai sáng đầy lãng mạn để dần góp phần tạo nên hoài bão, ước mơ và nhân cách sống trong khoảng đầu đời vô cùng quan trọng của học trò.

Chắc chắn những chuyện tôi vừa kể, sẽ là những bài học quý mà lại giản dị, dễ “thẩm thấu” cõi lòng lớp thầy cô bây giờ, chứ không chỉ là "chuyện cũ chép lại".

Hà Nội, 18 giờ 32' - ngày 15/11/2016

Lê Quang Vinh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/tham-thay-giao-tung-day-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang.html