Tham nhỏ, bỏ lớn!

Chỉ vì “tiện tay” lấy một vài nguyên liệu thừa trong công ty, nhà xưởng mà nhiều công nhân đành phải ngậm ngùi chấp nhận các hình thức xử lý kỷ luật, kể cả buộc thôi việc.

Tác phong làm việc chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ tôn trọng quy định của công ty, dù là điều nhỏ nhất.

Bị sa thải vì lấy vải vụn về may gối!

Công ty mà chị Tuyến làm việc đóng tại quận Bình Tân, TPHCM, chuyên về may mặc, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Chị Tuyến làm việc ở đây được 5 năm, với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca. Với thu nhập tương đối, cùng với lương của chồng, cuộc sống gia đình chị tạm gọi đầy đủ. Cứ nghĩ được làm việc lâu dài với công ty, nào ngờ tháng 8 vừa rồi, chị bị trưởng phòng nhân sự kêu lên thông báo rằng công ty sẽ cho chị nghỉ việc. Lý do được phòng nhân sự đưa ra là “vi phạm quy định mà công ty nghiêm cấm”.
Quy định công ty nghiêm cấm là công nhân không được sử dụng bất kỳ tài sản của công ty vào mục đích cá nhân nếu không được ban giám đốc đồng ý, trong khi đó chị Tuyến lại lấy vải vụn để may áo gối. Chị Tuyến trình bày, công ty chuyên xuất hàng đi nước ngoài nên vải rất đẹp, chất lượng tốt. Chị làm việc ở bộ phận cắt nên vải thừa rất nhiều. Chị nghe một số đồng nghiệp cho biết, toàn bộ vải thừa được công ty tiêu hủy. Một vài chị em bàn nhau lấy vải thừa may áo gối, may túi đựng cơm…
“Thấy nhiều người làm nên tôi cũng làm. Một bữa đang trong giờ nghỉ trưa, khi tôi ngồi khâu vá, quản đốc đi qua thấy nhưng không nói gì. Tôi tưởng mọi chuyện không có gì phức tạp nhưng nay, phòng nhân sự thông báo cho tôi nghỉ việc vì đã vi phạm nội quy công ty, đó là tùy tiện sử dụng tài sản công ty mà không được công ty đồng ý” – chị Tuyến nói. Cùng bị xử lý với chị Tuyến còn có hai chị khác nữa với với lý do tương tự. Chị Tuyến và các công nhân khác tỏ ra hối lỗi và mong công ty xem xét lại vì tất cả đều là công nhân lâu năm, thế nhưng trưởng phòng nhân sự cho hay: “Ban giám đốc đã quyết, không thể thay đổi được”.
“Lấy được cái nhỏ mà không bị xử lý thì sẽ lấy cái lớn. Một người lấy mà không bị xử lý thì nhiều người sẽ lấy. Vải vụn đúng là sẽ được công ty tiêu hủy nhưng đó là việc của công ty. Cty có lý do để làm việc đó, đó cũng là một trong các yêu cầu của khách hàng khi ký hợp đồng với công ty. Nếu để phía khách hàng biết được, công nhân lấy vải may đồ dùng thì uy tín của công ty sẽ ra sao. Xấu nhất là mất hợp đồng, hàng trăm công nhân khác sẽ bị ảnh hưởng” – Trưởng phòng nhân sự giải thích.

Đau đầu khi hàng mẫu trôi nổi ngoài thị trường

3 năm nay, công ty V.N chuyên may ba lô, túi xách, thú bông ở Thủ Đức phải siết chặt kỷ luật, công nhân ra về phải để bảo vệ kiểm tra túi xách, túi áo quần để tránh trường hợp công nhân lấy hàng mẫu của công ty ra ngoài. Nguyên nhân của “thiết quân luật” này bắt đầu từ việc, một con thú bông tặng kèm theo hộp sữa mà công ty nhận thực hiện cho một nhãn hàng bỗng dưng xuất hiện trên thị trường trước cả ngày công ty này chuyển giao hàng cho khách!
“Đơn hàng mà chúng tôi ký với khách hàng là những chú gấu xinh xắn, có in tên nhãn hàng. Đến tháng 11 mới giao hàng để đầu năm sau khách hàng dùng cho đợt khuyến mãi. Vậy mà mới đầu tháng 11, khách hàng đã gửi hàng loạt hình ảnh, chứng minh sản phẩm đã có mặt ở thị trường khiến cho quà tặng của họ mất giá trị. Trong điều khoản hợp đồng, chúng tôi cam kết là bảo mật thông tin cho khách hàng, vậy mà lại xảy ra sự cố. Toàn bộ sản phẩm đã hoàn thiện đều bị hủy. Sự cố đó khiến chúng tôi bị thiệt hại nặng nề, uy tín giảm sút” – chị Mỹ Linh, Trưởng phòng kinh doanh Cty V.N trình bày.
Sau sự cố, công ty đã âm thầm cho điều tra, đặc biệt ở bộ phận bảo vệ, ban giám đốc yêu cầu bảo vệ phải kiểm tra kỹ các túi xách, túi áo quần của công nhân để xác định hàng mẫu bị tuồn ra ngoài từ đâu. “Bảo vệ phát hiện có một vài nữ công nhân giấu một vài bộ phận của con gấu bông ở trong người. Ban giám đốc yêu cầu công nhân lên làm việc thì được giải thích là do thấy con gấu đẹp quá nên muốn lấy về để khâu cho con gái một con. Một chị khác thì cho biết, có một vài người đến đề nghị chị khâu con gấu bán cho họ với giá 500 ngàn đồng. Chị nghĩ công ty may hàng trăm ngàn con, mất một vài thì cũng không sao nên chị làm liều, đâu ngờ lại gây ra lỗi lớn như vậy” – một nữ công nhân trình bày.

Cần tôn trọng nội quy công ty, dù là nhỏ nhất!

“Tôi không ngờ lỗi của mình gây ra lại lớn như vậy, đến mức công ty phải hủy toàn bộ đơn hàng, chịu phạt. Công ty buộc tôi nghỉ việc tôi cũng không dám phàn nàn gì. Đây là bài học lớn nhất đời tôi” – chị M, một trong 3 công nhân bị phát hiện đã đem nguyên liệu làm gấu bông về nhà, thở dài.
“Lao động phổ thông, công nhân trực tiếp sản xuất đang làm việc ở các công ty chủ yếu là từ nông thôn ra, đa phần không được đào tạo về kỹ năng, hoặc thiếu tác phong làm việc công nghiệp, chuyên nghiệp cho nên hay lơ là hoặc không quan tâm đến nội quy công ty. Thêm nữa, họ không đánh giá được tác hại mà các hành vi do mình gây ra mà luôn nghĩ mọi việc rất đơn giản kiểu như đồ thừa, công ty vứt đi thì mình tận dụng. Do đó, điều quan trọng đối với các doanh nghiệp, khi tuyển dụng không chỉ là hướng dẫn công nhân làm việc sao cho đạt được hiệu quả lao động cao nhất mà phải rèn những kỹ năng cho người lao động. Khi ký hợp đồng lao động, nhiều công ty còn không đưa nội quy công ty, thỏa ước lao động tập thể cho người lao động đọc. Hoặc có phổ biến nhưng không giải thích cho người lao động hiểu nên mới để xảy ra những hậu quả đáng tiếc” – ông Nguyễn Thế Bình, phụ trách nhân sự công ty M.L Vina (TPHCM) chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Lan Phương, giám đốc công ty Đức Phương, chuyên sản xuất túi xách xuất khẩu chia sẻ, để xảy ra sự cố, công ty có một phần lỗi khi không phổ biến hoặc giải thích nội quy công ty cho công nhân hiểu. Tuy nhiên, khi đất nước hội nhập, cạnh tranh lao động, người lao động cần thể hiện thái độ chuyên nghiệp trong quá trình làm việc, tôn trọng các quy định của công ty, dù đó là quy định nhỏ nhất!
“Bên cạnh các quy định mà công ty xây dựng theo quy định của pháp luật, tùy vào đặc điểm sản xuất, thị trường xuất khẩu mà công ty sẽ có những quy định mới sao cho phù hợp, đặc biệt với yêu cầu của khách hàng. Tôi ví dụ như trường hợp vải vụn, nếu khách hàng không quan tâm, công ty có thể cho công nhân lấy thoải mái, thế nhưng khách hàng đã yêu cầu hủy thì công ty phải tôn trọng, không thể tùy tiện để lọt ra ngoài. Nếu đã được phổ biến mà công nhân vẫn vi phạm thì công ty phải xử lý nghiêm để bảo vệ đơn hàng, bảo vệ khách hàng, bảo vệ các công nhân khác” – bà Phương nhấn mạnh.

Lê An Nhiên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-viec-lam/tham-nho-bo-lon-618987.bld