Thâm nhập thị trường đồ nội thất Đức

Với dân số 83 triệu người sống trong 39,1 triệu hộ gia đình, Đức là một trong những thị trường về đồ nội thất lớn nhất của châu Âu và là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường đồ nội thất của Đức: Doanh thu từ đồ nội thất ở Đức đạt 18.800 triệu euro trong năm 2006, trong đó doanh thu từ đồ nội thất nhập khẩu là 6.900 triệu euro. Tỉ lệ tăng trung bình năm là 2,2% về giá trị và 3,5% về số lượng. Sản phẩm nội thất được sử dụng nhiều nhất ở Đức là đồ bọc da, chiếm 25,4% tổng mức bán ra của ngành. Đức và Anh là hai thị trường tiêu dùng mặt hàng này lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Từ năm 2005 đến năm 2006, doanh thu từ đồ nội thất bọc da tăng 3%, đạt 4.791 triệu euro. Nhóm đồ dùng trong phòng ăn và phòng khách tăng từ 4.008 triệu euro lên đến 4.225 triệu euro, chiếm 22,4% thị phần đồ nội thất ở Đức. Tiêu dùng đồ nội thất nhà bếp tăng 4%, đạt 3.772 triệu euro, chiếm 20% thị phần. Nhóm mặt hàng nội thất phòng ngủ chiếm 9,6% thị phần, tăng 4%, đạt 1.800 triệu euro. Các mặt hàng còn lại tăng 4% từ 175 triệu euro lên 181 triệu euro, chiếm 22,6%. Xu hướng tiêu dùng đồ nội thất của Đức tập trung chủ yếu vào đồ nội thất gia đình và ngày càng chịu ảnh hưởng bởi thời trang và thiết kế. Người tiêu dùng Đức đang thay đổi đồ dùng trong nhà để phù hợp với lối sống mới. Thiết kế theo “phong cách Á Đông”, “thuộc địa châu Phi” hay sử dụng gam màu đen trắng đang là những xu hướng phổ biến trong thiết kế đồ nội thất ở Đức. Người Đức cũng rất ưa thích các sản phẩm làm bằng gỗ. Theo Hiệp hội thương mại bán buôn của Đức, năm 2006 sản lượng nhóm hàng nội thất làm bằng gỗ tăng 11%. Tình hình nhập khẩu: Hiện nay, Đức nhập khẩu nhiều nhất đồ nội thất từ Ba Lan với 19,4% tổng mức nhập khẩu của Đức, tiếp theo là từ Italia với 10%. Đồ nội thất nhập khẩu từ các nước đang phát triển vào Đức chỉ chiếm khoảng 19% (đạt 2,3 triệu euro). Tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng con số này đang tăng nhanh theo từng năm. Từ năm 2002 đến năm 2007, nhập khẩu đồ nội thất từ các nước đang phát triển vào Đức tăng 13% về kim ngạch và 10,8% về số lượng. Các nước đang phát triển cung cấp chính cho thị trường Đức là Trung Quốc và Nam Phi. ASEAN đứng thứ 11 trong số các thị trường xuất khẩu đồ nội thất vào Đức với 2,54% thị phần. Mặc dù trong ASEAN, Indonesia là nước xuất khẩu lớn nhất vào Đức nhưng trong những năm gần đây Việt Nam đang thu hẹp dần khoảng cách. Năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất của ASEAN vào Đức là 272 triệu euro, tăng 2,43% so với năm 2005. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Indonesia là 103 triệu euro, giảm 4,53%, thì Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu là 99 triệu euro, tăng 9,61% so với năm 2005. Với xu hướng này, Việt Nam sẽ sớm trở thành nước cung cấp đồ nội thất lớn nhất của ASEAN cho thị trường Đức. Trong giai đoạn 2002-2006, đồ nội thất xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 1,3% thị phần đồ nội thất tại Đức. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này là đồ nội thất bằng gỗ mây, tre dùng trong phòng ăn và phòng khách. Tiếp cận thị trường: Thị trường đồ nội thất của Đức là thị trường tự do, không bị áp đặt hạn ngạch nhập khẩu và thuế nhập khẩu là 0%. Mặc dù không có quy định bắt buộc riêng đối với ngành hàng này, nhưng do Đức là thành viên của EU nên mặt hàng nội thất nhập khẩu vào Đức sẽ vẫn bị ràng buộc bởi những quy định chung của EU. Kể từ tháng 5/2004, Liên minh châu Âu đã thống nhất với 25 nước về chính sách thương mại đối ngoại và hệ thống thuế chung dự trên các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo đó, tất cả nguyên vật liệu chế biến và sản phẩm nội thất nhập khẩu vào Đức đều phải tuân thủ những quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn quốc tế về sức khỏe và độ an toàn. Các nguyên liệu có độc tố như chì có trong sơn sẽ bị cấm. Các mặt hàng gỗ đều phải có chứng chỉ FSC (chứng chỉ của Hội đồng Quản lý rừng Quốc tế) mới được phép nhập khẩu vào thị trường Đức. Những mặt hàng này đều phải có giấy chứng nhận xuất xứ loại A. Hầu hết các mặt hàng nội thất nhập khẩu vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng đều không bị đánh thuế nhập khẩu trừ hai nhóm hàng HS 9404 (giường ngủ và các vật dụng liên quan như chăn, đệm, gối) chịu thuế nhập khẩu là 3,7% và nhóm hàng HS 9406 (vật liệu làm sẵn sử dụng trong kiến trúc nội thất) chịu 2,7% thuế. Ngoài ra, các mặt hàng nhập khẩu vào Đức đều phải chịu thuế 19% thuế doanh thu nhập khẩu được tính theo giá CIF của hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù thị trường nội thất của Đức rất lớn và khả năng cung ứng các mặt hàng này của Việt Nam là cao nhưng thị phần đồ nội thất của Việt Nam tại Đức vẫn còn rất khiêm tốn. Để phát triển thị trường nội thất tại Đức, các doanh nghiệp cần có chương trình xúc tiến thương mại hợp lý và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Cách định vị và thâm nhập thị trường nước ngoài tốt nhất đối với các doanh nghiệp là tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại. Về mặt tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, Đức là nhà tổ chức số một trên thế giới. Hàng năm, khoảng 150 hội chợ, triển lãm quốc tế được tổ chức tại Đức, thu hút 170.000 các doanh nghiệp tham gia và 9-10 triệu người tham dự. Các hội chợ, triển lãm ở Đức đang ngày càng thu hút các du khách và doanh nghiệp đến thăm quan. Imm cologne là một trong những hội chợ về nội thất lớn nhất trên thế giới, được tổ chức hàng năm tại Đức. Ngoài ra, hội chợ thương mại Spoga và Interzum ở Cologne cũng là những hội chợ về đồ nội thất lớn và nổi tiếng của Đức. Các doanh nghiệp nếu tự tham gia các hội chợ này sẽ rất khó khăn. Do vậy, các doanh nghiệp nên liên kết với nhau, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và Thương vụ Việt Nam tại Đức để tổ chức các đoàn thăm quan và tham dự các hội chợ quốc tế lớn. Những chương trình như thế sẽ gây chú ý và có tác động nhất định đến các đối tác nước ngoài, vừa đem lại hiệu quả cao lại vừa có thể quảng bá thương hiệu Việt Nam sang thị trường này. Hiện nay, xuất khầu đồ nội thất của Việt Nam sang Đức chủ yếu thông qua các kênh phân phối của Đức hoặc qua các công ty thương mại đa quốc gia, chưa thâm nhập trực tiếp vào thị trường bán buôn hoặc bán lẻ của nước này. Để tiếp cận trực tiếp thị trường Đức, các doanh nghiệp cần phải xác định khách hàng mục tiêu và phải có chiến lược quảng cáo sản phẩm, quảng bá doanh nghiệp hợp lý. Đức có một môi trường kinh doanh thông thoáng về thuế và cơ sở hạ tầng, đồng thời chính phủ nước này có thái độ rất tích cực với nguồn đầu tư từ bên ngoài. Đây sẽ là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư vào Đức như mở văn phòng đại diện hay tìm kiếm đối tác sản xuất và phân phối sản phẩm.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/12665-tham-nhap-thi-truong-do-noi-that-duc