Thăm lại chiến trường xưa

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/19975- 30/4/2017), chúng tôi những cựu chiến binh của Hội Cựu chiến binh cơ quan Liên đoàn lao động TP Hà Nội lại lên đường thăm những chiến trường xưa.

17 giờ chiều, chúng tôi xuất phát từ trụ sở cơ quan Liên đoàn lao động TP Hà Nội, số 51 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Sau bữa ăn tối ở Ninh Bình, xe ô tô chạy suốt đêm đưa đoàn chúng tôi qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Lâu ngày không gặp lại, anh em hầu như không ngủ mà bồi hồi nhớ lại, kể cho nhau nghe kỷ niệm về những cuộc hành quân trong đêm, những trận chiến đấu cam go ác liệt trên các chiến trường Tây nguyên, Tây Nam, phía Bắc. Cả đoàn đều háo hức mong trời mau sáng để đến địa danh đầu tiên trong chương trình thăm lại chiến trường xưa, với tinh thần hành quân thần tốc về giải phóng Sài Gòn năm xưa.

Đài tưởng niệm trong thành cổ Quảng Trị

Đó là địa đạo Vĩnh Mốc, thuộc địa phận Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Để chống lại những trận mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phải đào hàng chục km hào, hầm trong lòng đất, bố trí nơi hội họp, nhà ăn, nhà trẻ, trạm y tế, kho chứa lương thực, vũ khí… để trường kỳ kháng chiến, vượt mọi gian khó, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đi trong hầm địa đạo, nghe hướng dẫn viên kể chuyện, anh em trong đoàn chúng tôi thầm ngàn lần cảm phục ý chí kiên cường của đồng bào chiến sỹ nơi đây, mới thấu hiểu sức mạnh của lòng dân, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, và chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do.

Rời địa đạo Vĩnh Mốc, đoàn chúng tôi lần lượt đi thăm viếng các nghĩa trang Gio Linh, Trường Sơn, đường 9. Tại các nghĩa trang đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của nhân dân đã hy sinh anh dũng vì độc lập của dân tộc. Chúng tôi kính cẩn mặc niệm tưởng nhớ đến hàng chục vạn thanh niên đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.

Chúng tôi tiếc thương và tự hào về các anh, các chị, lớp thanh niên thời ấy đã xác định cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới tương lai. Nằm yên nghỉ nơi đây là những đồng đội, chiến sỹ từ mọi miền đất nước, với tên tuổi, đơn vị cụ thể. Nhưng còn rất nhiều ngôi mộ chưa biết tên. “ Anh tên gì hỡi anh yêu quý, anh đứng đó lặng im như bức thành đồng…, không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường, chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…tên anh đã thành tên đất nước, tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Khúc tráng ca bi hùng của nhà thơ, nhạc sỹ Lê Anh Xuân như rót vào lòng, nói hộ tâm trạng tôi lúc này. Nước mắt làm nhòe ống kính, tay tôi run run không thể lấy nét cho tấm hình…

Đoàn chúng tôi đến thành cổ Quảng Trị chiều hôm ấy, trời nắng nóng. Những đọn mây trắng như xếp hàng trên nền trời xanh thẳm. Xa xa, những áng mây hồng rực sáng lên phía chân trời. Đoàn chúng tôi xếp hàng vào làm lễ dâng hương và báo công tại tượng đài liệt sỹ mang hình cây hương. Nhìn bóng hình các anh đổ dài trong hoàng hôn trời chiều, lòng tôi thấy nao nao nhớ về những người đồng đội…Bài báo công của đoàn có đoạn: Chúng tôi, những cựu chiến binh, những cán bộ công đoàn của Thủ đô Hà Nội xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ. Cảm phục, tự hào và noi gương các anh, chúng tôi nguyện đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn để quan tâm vì lợi ích đoàn viên và người lao động.

Đoàn công tác thăm lại chiến trường xưa.

Thăm bảo tàng tỉnh Quảng Trị tại thành cổ, chúng tôi được nghe những câu chuyện về đức hi sinh và lòng dũng cảm đẹp như truyện cổ tích của các chiến sỹ, liệt sỹ. Mặc dù đến thăm thành cổ Quảng Trị đã 3, 4 lần nhưng khi nghe lá thư của một người con Hà Thành là sinh viên đại học viết trước khi chiến đấu và hy sinh tại thành cổ Quảng Trị, gửi cho người mẹ và người vợ mới cưới ở quê nhà, chúng tôi vẫn không cầm được nước mắt. Giá trị cao đẹp mà các anh để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau chính là biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích tập thể, vì nước quên thân. Về thăm Quảng Trị hôm nay, nơi đã từng diễn ra cuộc chiến đấu quyết tử thấm đẫm máu đào của các chiến sỹ, liệt sỹ, nơi mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật, chúng tôi mới cảm nhận rõ thêm những giá trị cao đẹp của con người mà các anh đã truyền lại…

Ngày thứ hai của hành trình thăm lại chiến trường xưa, chúng tôi trở về vùng đất Quảng Bình, nơi có bến sông Nhật Lệ, một thời mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội qua sông dưới làn đạn bom của quân thù. Đoàn chúng tôi đến Vũng Chùa, đảo Yến, nơi an nghỉ cuối cùng của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại đây đoàn đã đặt hoa, dâng hương tưởng niệm vị tướng tài ba lỗi lạc trong quân sự nhưng đức độ trong đời thường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày thứ ba, ngày cuối của hành trình, chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi trước đây là vùng đất diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa một bên là bom đạn của máy bay Mỹ và một bên là tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm của quân và dân ta, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong để giành dật từng tấc đất, từng con đường, cây cầu, đảm bảo giao thông, tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

Đoàn làm lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và 10 cô gái thanh niên xung phong quê Hà Tĩnh, đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ mở đường khi tuổi đời đang độ thanh xuân mười tám đôi mươi. Chúng tôi đến thắp hương, dâng đồ lễ gồm nón, gương, lược, khăn tay, dép, hoa cúc trắng và cả những bông hoa sim, hoa mua thắm đượm sắc tím cho 10 ngôi mộ mang tên Hà Thị Xanh, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hồ Thị Cúc. Chúng tôi được nghe kể về cuộc sống gian khổ nhưng vô tư trong sáng của các cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, được nghe bài thơ “Cúc ơi” kể về sự hi sinh anh dũng của các cô gái. Các thành viên trong đoàn đứng lặng trước từng phần mộ, thầm cảm phục những tấm gương trong sáng, cao cả về sự chấp nhận hi sinh cho độc lập tự do hạnh phúc của Tổ quốc.

Trên đường trở về Hà Nội, về với cuộc sống đời thường, với bao lo toan vất vả của bộn bề cuộc sống, công việc, đoàn chúng tôi đi trên quốc lộ 1A đã được đầu tư mở rộng, êm ái, được tận mắt chứng kiến những đổi thay của đời sống kinh tế đất nước, qua hình ảnh các nhà máy, công trình, khu công nghiệp ở hai bên đường, lòng vui phơi phới. Chợt vang lên từ trong xe ô tô lời của một bài hát: “ Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên, sao tôi quên, bài ca tôi đã hát, với quê hương, với đồng đội, với cả lòng mình, tôi không thể nào quên”.

Quả thật, bài hát đã nói hộ ai đó trong chúng tôi cái tâm trạng băn khoăn của người mắc lỗi. Hình như có lúc, có việc, có người sống chưa xứng với sự hi sinh cao cả của những người đi trước. Trong lòng tôi lúc này như có cái gì đó dâng lên nghèn nghẹn. Lòng dặn lòng tôi tự nhủ, ráng sống sao cho xứng với sự hi sinh của các anh, các chị.

“Cho tôi hôm nay vào thành cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ, xin chớ vô tình, với người hi sinh, trên mảnh đất quê mình”.

Ghi chép của Ngô Văn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tham-lai-chien-truong-xua-52378.html