Thảm kịch đang cận kề 'giáng xuống' hai ngôi làng bên bờ sông Lô

Hàng chục cuộc gọi khẩn từ xã Tứ Yên và Vĩnh Phú đến đường dây nóng của Báo NNVN giọng vừa bức xúc vừa thê thảm: Xin hãy cứu lấy nhân dân chúng tôi. Đất đai, mồ mả cha ông trôi theo dòng nước hết rồi. Cứ đà này, không khéo vườn tược, nhà cửa cũng không được yên...

Đất đai sản xuất liên tục bị sạt lở, nỗi lo vỡ đê đe dọa thường trực, mồ mả ông cha bị cuốn trôi theo dòng nước… Đó là thảm cảnh của hàng trăm hộ dân hai bờ sông Lô thuộc các xã Tứ Yên (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) và xã Vĩnh Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) kể từ khi Cty CP Thương mại và Đầu tư Thái An được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát sỏi trên khúc sông này.

“Xin hãy cứu chúng tôi”

Sau khi Báo NNVN phản ánh tình trạng khai thác cát sỏi gây hỗn loạn trên sông Hồng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc quyết liệt. Mặc dù vậy, ở một con sông khác, sông Lô, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn, nhưng vẫn chưa thấy sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền.

Hàng chục cuộc gọi khẩn từ xã Tứ Yên và Vĩnh Phú đến đường dây nóng của Báo NNVN giọng vừa bức xúc vừa thê thảm: Xin hãy cứu lấy nhân dân chúng tôi. Đất đai, mồ mả cha ông trôi theo dòng nước hết rồi. Cứ đà này, không khéo vườn tược, nhà cửa cũng không được yên. Cả tính mạng chúng tôi cũng đang bị chúng nó đe dọa.

Có mặt tại những địa phương này, điều khác biệt đầu tiên có thể nhận ra là từ đường làng, ngõ xóm đến bãi bờ ven sông không khác gì khung cảnh thời chiến. Già trẻ, gái trai trong các ngôi làng phải cắt cử nhau canh gác DN khai thác cát nhăm nhăm tấn công các bãi bồi. Trống đánh chiêng khua, người dân tụ tập canh giữ trên bờ còn những chiếc tàu khai thác cứ nhởn nhơ giữa dòng sông. Chỉ cần sơ hở trong tích tắc thôi thì hậu quả vô cùng đau đớn. Đất đai, mồ mả có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào.

Đã 94 tuổi, còng lưng, mờ mắt nhưng cụ bà Nguyễn Thị Hịu ở thôn Yêu Kiều vẫn cứ phải mò mẫm ra bờ sông chung sức với dân làng. Đứng nhìn bờ sông nham nhở những dấu tích sạt lở, mép sông ăn tận chân kè, bà cụ liên tục lẩm bẩm: “Ai cứu chúng tôi với. Cứ thế này thì dân làng tôi sớm muộn gì cũng gánh chịu tai họa giống như năm 1986 thôi các chú ơi”.

Đất đai sản xuất bị sạt lở ở Tứ Yên do Cty Thái An khai thác cát

Tai họa mà cụ Hịu nhắc đến cách nay 30 năm. Cũng trên chính khúc sông này. Trận lũ lớn phá vỡ cả đê kè, nhà cửa, trâu bò, lợn gà rồi cả mồ mả tổ tiên đều bị cuốn trôi theo dòng nước. Dân làng lâm vào đại nạn lớn đến nỗi cho đến bây giờ nhắc lại họ vẫn còn cảm thấy hãi hùng.

Tiếp lời cụ Hịu, anh con trai Nguyễn Duy Hoạt (51 tuổi), đại biểu HĐND xã Tứ Yên nói rằng, sau trận lũ lịch sử năm 1986, nhà nước cùng với nhân dân đắp đê, dựng kè nhằm bảo vệ những ngôi làng ven sông và một số địa phương lân cận. Suốt một thời gian dài, khi DN Thái An chưa nhảy vào khai thác cát sỏi thì nhân dân yên ổn canh tác trên các bãi bồi của mình.

Nhưng kể từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp mỏ khai thác cát cho DN này trên chính khúc sông từng bị vỡ đê này thì đất đai cứ bị thu hẹp dần, đến cả đê kè cũng bị sạt lở. Nhiều nơi sông ngoạm vào lòng bãi bồi hình hàm ếch rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Là người được cử tri tin tưởng, ông Hoạt đã nhiều lần gửi đơn thư và phản ánh trực tiếp đến các cơ quan chức năng về vấn nạn khai thác cát gây sạt lở bờ sông Lô của DN Thái An nhưng không có kết quả. Ròng rã nhiều tháng trời, tàu cuốc của DN vẫn ngày đêm móc ruột lòng sông, đất đai vẫn cứ sạt lở, người dân cứ việc kêu.

Đứng từ xã Tứ Yên nhìn sang bên kia sông Lô, hàng trăm hộ dân xã Vĩnh Phú cũng chung số phận, nếu không muốn nói là thê thảm hơn. Trong các lá đơn của mình, người dân thôn Long Châu, thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cầu cứu: Từ đầu năm đến nay, hàng chục chiếc tàu cuốc đã ồ ạt kéo đến khúc sông này khai thác bất kể ngày đêm, còn số tàu mua cát thì không đếm xuể. Hoạt động khai thác cát sỏi ồ ạt đã gây sạt lở đất sản xuất của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực kè bảo vệ sông Lô.

Khu vực ven sông Lô của xã Vĩnh Phú là một bãi bồi cổ tồn tại hàng trăm năm nay. Đó là cánh đồng trồng ngô, hoa màu rất tốt và là nơi an nghỉ của những người quá cố ở địa phương. Kể từ khi DN Thái An về khai thác cát, hàng triệu m3 đất bãi chuyên trồng hoa màu đã đổ xuống sông, mồ mả cũng trôi theo dòng nước. Thậm chí, nhiều người khẳng định, nếu tình trạng khai thác cát sỏi tiếp diễn thì hàng trăm hộ dân trong xã không những mất đất sản xuất mà đến đất ở cũng không còn.

Theo tài liệu của NNVN do Sở TN-MT Vĩnh Phúc cung cấp: DN Thái An được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác điểm mỏ với diện tích 30,6 ha từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2024. Cũng theo qui định của tỉnh này, hoạt động khai thác không được vượt quá độ sâu cos + 2m. Thái An cũng cam kết với chính quyền địa phương chỉ khai thác từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Tuy nhiên, tất cả những qui định, cam kết này đều không được thực hiện nghiêm túc.

“Chúng nó đòi chém chết”

Trước mối đe dọa thường trực từ sông Lô, ròng rã hàng năm trời người dân Tứ Yên và Vĩnh Phú gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng nhưng không hiểu sao DN Thái An vẫn bình yên vô sự. Không thể chờ đợi vào công lý từ chính quyền, nhân dân các xã phải cắt cử người xua đuổi DN khai thác cát.

Tại xã Tứ Yên, hàng trăm hộ dân của ba thôn Yên Kiều, Yên Lập, Yên Mỹ cắt cử người trông coi doanh nghiệp khai thác cát. Để tiện bề thông báo, họ đành phải góp tiền mua trống, khiêng kẻng ra tận mé sông lập “chốt”. Tuy nhiên, hành động bảo vệ đất đai, mồ mả, đê kè của người dân thường xuyên bị côn đồ trên sông đe dọa.

Mới đây nhất, sáng 10/7, phát hiện máy cẩu cùng thuyền của doanh nghiệp Thái An đang khai thác cát ở giáp bờ đất bãi trồng ngô (bên đò ngang xã Tử Yên) người dân trong xã đã đánh trống tập hợp đề nghị doanh nghiệp này cho máy cẩu ra khỏi khu vực trên.

Quá bức xúc, người dân xã Vĩnh Phú đốt cháy tàu của Cty Thái An

Tuy nhiên, thay vì di chuyển ra nơi khác, công nhân của DN Thái An đã đe dọa, thách thức lại quần chúng nhân dân. Không thể chống chọi đám côn đồ hung hãn, nhân dân địa phương đã thông báo cho UBND xã Tứ Yên cũng như Công an huyện Sông Lô xuống giải quyết. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng xuất hiện, những phương tiện khai thác cát của đơn vị này lại rời vị trí, di chuyển ra khu vực được cấp phép.

“Chúng tôi nghe nói chủ DN Thái An có ô dù rất to. Họ còn thuê xã hội đen bảo kê. Dân ra cản trở chúng nó đòi chém chết”, ông Hoạt dù rất bức xúc nhưng cũng hết sức lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Bắc, trưởng thôn Yên Kiều khẳng định: Tôi nhiều lần kêu cứu cho bà con rồi nhưng tình hình không suy chuyển.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Quang Sỹ, Chủ tịch xã Tứ Yên đã thừa nhận tình trạng bất ổn tại địa phương mà nguyên nhân chính là do quá trình khai thác cát của doanh nghiệp Thái An.

Ông Trần Quang Sỹ

Ông Sỹ nói, ủy ban xã đã báo cáo toàn bộ sự việc lên cấp trên, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho đơn vị này khai thác cát quá gần bờ bãi nên mới dẫn đến tình trạng sạt lở như bà con phản ánh. “Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh và Sở TN-MT Vĩnh Phúc nên thu hẹp địa giới khai thác hoặc cho doanh nghiệp Thái An tránh xa khỏi địa điểm nơi xảy ra sạt lở".

Không cam chịu được giống nhân dân Tứ Yên, người dân xã Vĩnh Phú thậm chí phải dùng đến phương án tổ chức vây bắt tàu của DN Thái An để phòng tránh những hiểm họa của việc khai thác cát. Cụ thể, ngoài việc cắt cử các gia đình canh giữ ngay tại bãi sông, người dân thôn Long Châu còn huy động đóng góp tiền mua trống và cả một con tàu để thực hiện việc canh gác và truy đuổi nạn khai thác cát sỏi. Bằng việc huy động mỗi gia đình đóng góp 300 ngàn đồng, thôn Long Châu đã bắt quả tang 4 chiếc tàu khai thác cát sỏi ngoài chỉ giới của DN Thái An.

Sau rất nhiều lần răn đe nhưng không có kết quả, tháng Tư vừa rồi, người dân trong thôn đã tổ chức theo dõi và bắt giữ hai chiếc tàu khai thác của DN Thái An. Theo người dân địa phương đây chính là những chiếc tàu thường xuyên hút, nạo vét trộm cát sỏi trên dòng sông Lô gây sạt lở đất đai sản xuất. Quá bức xúc, ngay buổi chiều hôm đó người dân địa phương đã dội xăng đốt cháy một tàu cuốc của DN này.

Nhằm mục đích làm rõ những trách nhiệm liên quan đến tình trạng sạt lở đất sản xuất của người dân, nhưng rõ ràng là nhiều cơ quan ở tỉnh Vĩnh Phúc đang đá bóng trách nhiệm. Kể cả biên bản buổi làm việc giữa đại diện DN với người dân, có sự cam kết của chính quyền địa phương về việc bồi thường hỗ trợ diện tích sạt lở đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Xin được nhắc lại, trong giấy phép khai thác, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Thái An khai thác đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất qui định. Mặc dù DN này liên tục sai phạm nhưng có vẻ như cơ quan chức năng cũng phớt lờ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tham-kich-dang-can-ke-giang-xuong-hai-ngoi-lang-ben-bo-song-lo-post172804.html