'Thảm họa giàn khoan' có thể trở thành thảm họa phòng vé

Bộ phim 'Deepwater Horizon' đang đứng trước nguy cơ trở thành 'bom xịt' khi không giành được sự quan tâm từ khán giả đại chúng, đặc biệt là người trẻ.

Trailer bộ phim 'Thảm họa giàn khoan' "Deepwater Horizon" kể lại vụ nổ giàn khoan cùng tên gây ra sự cố tràn dầu lịch sử tại vùng biển Vịnh Mexico hồi tháng 4/2010.

Cuối năm 2013, bộ phim mang đề tài chiến tranh Lone Survivor của đạo diễn Peter Berg lầm lũi ra rạp. Nó bất ngờ thu tới 37,4 triệu USD sau ba ngày, và sau đó kiếm tổng cộng 154,8 triệu USD trên toàn cầu.

Đó là một thắng lợi vang dội bởi Universal chỉ phải bỏ ra 40 triệu USD để thực hiện tác phẩm điện ảnh dựa trên câu chuyện có thật về một toán lính biệt kích SEAL chiến đấu trên đất Afghanistan và có sự tham gia của ngôi sao Mark Wahlberg trong vai chính.

Lone Survivor (2013) của Peter Berg và Mark Wahlberg từng gặt hái thành công lớn tại phòng vé, bất chấp bị lọt bản phim lên mạng Internet từ sớm. Ảnh: Universal.

Lone Survivor (2013) của Peter Berg và Mark Wahlberg từng gặt hái thành công lớn tại phòng vé, bất chấp bị lọt bản phim lên mạng Internet từ sớm. Ảnh: Universal.

Sau ba năm, Peter Berg và Mark Wahlberg tái ngộ. Họ tiếp tục thực hiện một bộ phim dựa trên những sự kiện có thật nhưng ở quy mô hoành tráng hơn rất nhiều: Deepwater Horizon kể lại sự cố cháy nổ trên giàn khoan cùng tên và gây ra thảm họa tràn dầu nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành dầu khí thế giới hồi tháng 4/2010.

Theo tờ The Hollywood Reporter, dự án đã tiêu tốn của Lionsgate, Participant Media và một đơn vị đầu tư Trung Quốc khoảng 110-120 triệu USD. Với số tiền đó, họ đã dày công xây dựng nên một giàn khoan có kích thước bằng 80% so với công trình ngoài đời thực tại phim trường để ghi hình bộ phim.

Tuy nhiên, sau khi chính thức ra rạp hôm 30/9, tác phẩm mới chỉ thu vỏn vẹn 20,6 triệu USD trong ba ngày cuối tuần qua và bị đánh bại bởi Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children của Fox.

Theo thống kê của Fandango, 67% số người mua vé xem Deepwater Horizon nằm ở độ tuổi trên 35. Bộ phim đã không thể tiếp cận khán giả trẻ, đối tượng chủ yếu của các rạp chiếu phim ngày nay.

Giới chuyên gia phòng vé cho rằng tác phẩm mang đề tài thảm họa quá tốn kém, và chỉ nên có mức đầu tư khoảng 60 triệu USD. Chưa kể, hướng khai thác mà ê-kíp lựa chọn cho Deepwater Horizon không hẳn là quyết định sáng suốt.

Kỹ sư trưởng Mike Williams của giàn khoan Deepwater Horizon không nổi tiếng như cơ trưởng Sully. Chọn anh làm nhân vật chính của bộ phim chuyển thể không hẳn là quyết định sáng suốt. Ảnh: Lionsgate.

Nhìn bề ngoài, Lionsgate quảng bá đây là bộ phim xoay quanh những người hùng khi sự cố cháy nổ kinh hoàng xảy ra trong buổi tối định mệnh 20/4/2010. Có lẽ họ muốn “đu theo” hiệu ứng của Sully, bộ phim kể lại câu chuyện về vị cơ trưởng đáng kính Chesley “Sully” Sullenberger do Tom Hanks thể hiện và sự kiện “phép màu trên dòng sông Hudson”.

Tuy nhiên, Sully là nhân vật được cả thế giới biết đến và ca ngợi. Còn vị kỹ sư trưởng Mike Williams của Mark Wahlberg trong Deepwater Horizon lại không có được điều đó.

Thậm chí, cái tên của giàn khoan chủ yếu được người ta biết tới vì hậu quả tràn dầu sau đó, chứ không phải câu chuyện về những người công nhân dầu khí bình dị trong sự cố cháy nổ.

Giờ thì Sully đã cầm chắc thắng lợi khi Warner Bros. chỉ phải bỏ ra 60 triệu USD cho dự án có sự góp mặt của Tom Hanks. Hiện tác phẩm tiểu sử do đạo diễn Clint Eastwood thực hiện có tổng doanh thu lên tới 151,7 triệu USD sau khoảng một tháng trình chiếu.

Đại chúng nhớ tới Deepwater Horizon chủ yếu vì thảm họa tràn dầu sau khi giàn khoan phát nổ, chứ không phải những người công nhân trên đó. Ảnh: AFP.

Với Deepwater Horizon, đây không phải là tác phẩm mang đề tài thảm họa dựa trên sự kiện có thật đầu tiên gặp khó khăn tại phòng vé. Mới năm 2015, chính Warner Bros. phải chịu lỗ khi thực hiện The 33 - bộ phim kể lại câu chuyện về 33 công nhân mỏ bị kẹt dưới lòng đất tại Chile hồi 2010. Nó chỉ thu được 25 triệu USD, so với kinh phí sản xuất lên tới 26 triệu USD.

Lionsgate, đơn vị phát hành Deepwater Horizon, đang bị nhiều cổ đông chỉ trích rằng lẽ ra họ nên dùng cái tên Mark Wahlberg nhiều hơn để quảng bá cho tác phẩm.

Trước đó, hãng được cho là đã chi ra tới hơn 40 triệu USD cho các hoạt động marketing và quảng cáo bộ phim. Dù thế nào, Lionsgate cũng đang trải qua quãng thời gian khó khăn, nhất là khi họ vừa nhận thất bại với Blair Witch hồi tháng 9.

Hy vọng duy nhất lúc này dành cho Deepwater Horizon là hiệu ứng truyền miệng. Phim nhận điểm A- theo điều tra sau giờ chiếu của Cinema Score, cùng điểm 83% trên chuyên trang tổng hợp ý kiến giới phê bình Rotten Tomatoes.

Song, chuyện Deepwater Horizon có thể duy trì tốc độ kiếm tiền hay không lại phụ thuộc rất nhiều ở thành tích ra mắt cuối tuần này của The Girl on the Train. Đó là bộ phim dựa trên tác phẩm văn học cùng tên ăn khách, cũng nhắm tới đối tượng khán giả lớn tuổi và được đánh giá là “Gone Girl tiếp theo” của Hollywood.

Còn tại các thị trường quốc tế, tình cảnh của Deepwater Horizon cũng đang như “chỉ mành treo chuông”. Phim chỉ thu được 12,4 triệu USD từ 52 nước cuối tuần qua, nhưng còn một số thị trường lớn chưa đặt chân tới.

Cho đến giờ, giới quan sát vẫn nghiêng về khả năng rằng bộ phim sẽ “chìm nghỉm” giống như giàn khoan Deepwater Horizon trong phim của kỹ sư trưởng Mike Williams.

Việt Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tham-hoa-gian-khoan-co-the-tro-thanh-tham-hoa-phong-ve-post686924.html