Thảm họa cháy quán karaoke: 'Mất bò mới lo làm chuồng'

Tạm dừng hoạt động tất cả quán karaoke tại quận Cầu Giấy - quyết định được UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đưa ra sau vụ cháy nghiêm trọng làm 13 người chết ngày 1.11 tại quán karaoke ở phố Trần Thái Tông. Nhìn vào “động thái” này, các chuyên gia xây dựng cho rằng, việc này chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”.

Khám nghiệm hiện trường vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông ngày 2.11.

Đó là thảm họa!

Khoảng 13h30’ ngày 1.11, nhiều người dân phát hiện ngọn lửa bùng lên dữ dội tại quán karaoke 68 đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Đám cháy sau đó lan nhanh sang các nhà hàng, quán karaoke, khách sạn bên cạnh. Nhận tin báo, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã điều hàng chục lượt xe cứu hỏa đến hiện trường khống chế ngọn lửa, đồng thời cứu nạn những người mắc kẹt bên trong. Sau nhiều giờ tích cực, lực lượng chức năng mới cơ bản dập tắt được đám cháy.

Hậu quả của vụ hỏa hoạn: Toàn bộ diện tích mặt ngoài của 4 căn nhà bị cháy rụi, chỉ còn trơ lại khung sắt và những mảng tường loang lổ bám đầy muội đen. Hàng loạt xe máy, ôtô trước cửa các căn nhà do hỏa hoạn cũng bị thiêu rụi. Đau xót hơn cả, số người thiệt mạng trong vụ cháy lên đến 13 người.

Ngày 2.11, Công an TP. Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự: Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke kể trên.

Thông tin tới PV, ông Dương Cao Thanh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông là bà Nguyễn Diệu Linh (30 tuổi, ở Hà Nội). Cơ sở này thực hiện kinh doanh khi chưa có đầy đủ các giấy phép theo yêu cầu của pháp luật như thẩm định về phòng cháy chữa cháy, điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép về kinh doanh karaoke. Cũng theo vị Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trong tháng 10.2016, lực lượng chức năng sở tại đã 3 lần kiểm tra địa chỉ này. Chủ cơ sở cam kết chỉ hoạt động khi có đủ các giấy tờ theo quy định.

Liên quan đến việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay, theo thông tin ban đầu, nguyên nhân đám cháy có thể do hàn xì, cháy biển quảng cáo của quán karaoke 68 sau đó cháy lan sang ba nhà khác. Nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì biển quảng cáo quán karaoke gây cháy, thì người thợ trực tiếp hàn xì đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

“Trường hợp chủ cơ sở karaoke không có giấy phép kinh doanh hoặc không có đủ điều kiện an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy mà vẫn hoạt động kinh doanh thì đó là lỗi vi phạm hành chính”, luật sư Thơm cho biết thêm.

Cảnh báo mãi rồi…

“Cảnh báo mãi rồi, mà có ăn thua đâu” - ý kiến chua xót của TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội sau thảm họa xảy ra tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông hôm 1.11. Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh vấn đề này, ông Nghiêm cho biết, mặc dù rất đau xót, nhưng ông và những người trong ngành không cảm thấy ngạc nhiên trước sự cố, bởi nó chỉ là vấn đề sớm hay muộn. “Hầu hết các quán karaoke ở Hà Nội đều thiết kế theo kiểu bịt hết cửa sổ, ban công để làm phòng kín, cách âm. Hậu quả là khi xảy cháy người bên trong không có lối thoát hiểm, còn lực lượng chức năng muốn vào ứng cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn…” - TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo lời TS Nghiêm: Thiết kế thông thường tại những quán karaoke hiện nay là bịt kín với những vật liệu cách âm nhưng lại rất dễ bắt lửa như mút xốp, phông vải, ghế sofa… Những nguyên vật liệu này vừa dễ cháy và khi cháy thì lại sinh nhiệt độ rất cao và cả khí độc nên nhiều nạn nhân khi chưa tử vong vì cháy đã bị ngạt chết. Không những thế, chủ cơ sở thường xuyên thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa, trang trí nội thất nhằm thu hút khách hàng. Đây chính là nguyên nhân để hỏa hoạn bùng phát nếu không tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, hút thuốc, bật lửa trong phòng karaoke. Khi xảy ra cháy sẽ khó có thể dập tắt và thoát hiểm do cả căn nhà gần như bị bịt kín hoàn toàn.

Về kiến trúc, cách bố trí trang thiết bị của các quán hát đều có quy chuẩn. Tuy nhiên, việc thực hiện có đúng không và việc giám sát của ngành chức năng đến đâu thì mới đáng bàn. “Thiết kế nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đều có những cơ quan thẩm định và duyệt về mức độ an toàn PCCC. Những nơi này phải có hệ thống cảnh báo hỏa hoạn, tự động chữa cháy, tự động ngắt điện... Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc này chưa được tuân thủ một cách đúng mực” - TS Nghiêm nêu quan điểm.

Cháy tại dãy nhà trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) vào chiều ngày 1.11. Ảnh Trần Vương

Thiếu kiến thức về PCCC

Cùng chung quan điểm “những vụ cháy bắt nguồn từ biển quảng cáo thường để lại hậu quả nghiêm trọng vì đa số các tấm biển được làm bằng vật liệu dễ cháy như bạt hiflex hay polycacbonnat, chỉ một điểm bắt lửa là ngọn lửa dễ dàng lan rộng. Hơn thế, với kích thước lớn, hệ thống khung xương của biển lúc bốc cháy bịt kín các ngả vào, gây khó khăn cho lực lượng cứu hỏa khi tiếp cận cứu người”, trung tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, để tránh tiếng ồn, chủ các cơ sở kinh doanh karaoke thường để mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo. Điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn và chữa cháy đối với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các quán karaoke đa phần được thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán hát nên không đáp ứng được điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều không bảo đảm về lối thoát nạn nên khi xảy ra cháy, khói lửa bao trùm hành lang cầu thang nên các nạn nhân không thể thoát ra ngoài được.

Bên cạnh đó, các cơ sở này không lắp đặt các phương tiện thiết bị báo cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn nên không phát hiện đám cháy sớm. Không dừng lại ở đó, chủ các cơ sở kinh doanh này lại thiếu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy hoặc không quan tâm đến an toàn cho chính cơ sở và khách hàng.

Phải nói rằng, các tụ điểm kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke là một trong những loại hình thường xuyên xảy ra cháy và gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng ý thức được điều này và có sự quan tâm, đầu tư đúng mực về công tác PCCC. Phần lớn, các quán xảy ra cháy nổ đều đang trong quá trình sửa chữa nhưng vẫn hoạt động. Điều đáng nói là quán karaoke 68 này chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và từng bị kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần song vẫn vi phạm.

Chiều 2.11, ông Dương Cao Thanh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, ông đã yêu cầu đình chỉ tất cả quán karaoke trên địa bàn để tổng rà soát. “Hôm nay, quận đã yêu cầu kiểm tra từng quán một, quán nào không đủ điều kiện không được phép mở vẫn mở thì ông chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sẽ đi kiểm tra tất cả quán karaoke, đã cấp phép mà không đảm bảo thì phải dừng để khắc phục xong”, ông Thanh nói.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, kỹ sư Hoàng Hải Nam (Công ty cổ phần tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng - CONINCO) cho biết, đáng lẽ ra, việc này đã phải được thực hiện từ rất lâu rồi, đặc biệt là sau khi đã có cảnh báo mạnh mẽ từ vụ cháy quán karaoke số 85G Nguyễn Khang (TP. Hà Nội) hôm 17.9.

Được biết, kể từ đầu năm 2016 đến nay cả nước có 23 vụ cháy cơ sở kinh doanh quán karaoke, gây thiệt hại trên 9 tỉ đồng, khiến 13 người chết, 2 người bị thương. Riêng trên địa bàn Hà Nội xảy ra 6 vụ cháy cơ sở kinh doanh quán karaoke. Đặc biệt, vụ cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông là nghiêm trọng nhất, khiến 13 người thiệt mạng.

Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản sau vụ cháy nghiêm trọng trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ (C66 - Bộ Công an) đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ như: Quán karaoke, vũ trường, quán bar, nhà hàng…Trên cơ sở kết quả kiểm tra, hướng dẫn cơ sở khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

“Cần lưu ý, kích thước biển quảng cáo cũng là một hiểm họa rất cần được quan tâm đúng mực. Bởi hầu hết biển quảng cáo được chiếu sáng từ trong nhờ hệ thống đèn tuýp hoặc đèn led. Nhiều bóng đèn mắc song song với hàng trăm mối nối chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Nếu mối nối không chặt, điểm nối sẽ phát nhiệt, nung nóng sợi dây. Càng nhiều đèn, nhiệt độ trong biển càng cao, nguy cơ cháy nổ càng tăng”.

(TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)

CAO NGUYÊN - LONG NGUYỄN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/tham-hoa-chay-quan-karaoke-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-607241.bld