Thảm họa bùn đỏ ở Hung-ga-ri

Ngày 5-10, bể chứa chất thải của nhà máy sản xuất nhôm A-cai Tim-phôn-gia ở thị trấn A-ca, cách Thủ đô Bu-đa-pét (Hung-ga-ri) khoảng 160 km về phía tây-nam, bị vỡ. Sự cố này làm hơn một triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn khỏi bể chứa, gây tác hại đối với một vùng rộng đến 40 km2.

Đây là chất thải trong quá trình sản xuất nhôm, chứa nhiều kim loại nặng và rất độc, gây hại cho sức khỏe của con người và môi trường sinh thái. Bùn độc hại đã làm bảy người chết và khoảng 150 người bị thương. Ngày 9-10, Thủ tướng Hung-ga-ri V.Ô-ban đã tới thị sát khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa bùn đỏ. Cùng ngày, khoảng 800 người dân làng Cô-lon-ta, nằm gần bể chứa chất thải, đã được sơ tán do tường của bể chứa rạn nứt có khả năng đổ vỡ. Hãng thông tấn Hung-ga-ri MTI cho biết, các nhân viên cứu hộ đang sẵn sàng sơ tán toàn bộ 5.400 người dân ở thị trấn Đê-véc-xơ, gần bể chứa chất thải. Hơn 310 quân nhân, 127 phương tiện giao thông và năm đoàn tàu hỏa đã được triển khai để sơ tán người dân tại đây khi cần thiết. Dòng bùn độc hại đã lan tới dòng sông Đa-nuýp (dài 2.850 km), con sông lớn thứ hai ở châu Âu, chảy qua Hung-ga-ri, Crô-a-ti-a, Xéc-bi-a, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni và U-crai-na, trước khi đổ ra Biển Đen. Đã xuất hiện cá chết trên các sông nhánh của sông Đa-nuýp, là sông Ra-ba và sông Mô-xô-ni. Dòng nước chứa bùn đỏ theo sông Đa-nuýp tiếp tục chảy về hướng Xéc-bi-a và Ru-ma-ni. Trước nguy cơ thảm họa bùn đỏ tiếp tục lan rộng, Chính phủ Hung-ga-ri đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thiết lập cơ chế bảo vệ dân sự cho toàn bộ Liên hiệp châu Âu (EU). EC cho biết, một sĩ quan liên lạc, thuộc Trung tâm giám sát và thông tin (MIC) của EC, đã tới Hung-ga-ri để điều phối công việc của đội chuyên gia xử lý ô nhiễm môi trường đến từ các nước thành viên EU. Các chuyên gia này giúp ngăn chặn dòng bùn đỏ độc hại, khử độc và giảm nhẹ tác hại đối với môi trường. AL ủng hộ Pa-le-xtin tạm ngừng đàm phán trực tiếp với I-xra-en Tại cuộc họp, ngày 8-10 ,tại TP Xớt (Li-bi), Ủy ban sáng kiến hòa bình của Liên đoàn A-rập (AL) đã ủng hộ quyết định của Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát về việc tạm thời ngừng các cuộc đàm phán trực tiếp với I-xra-en vì Ten A-víp không chấp nhận gia hạn lệnh đình chỉ xây dựng các khu định cư Do Thái tại khu Bờ Tây. Trong một thông báo chính thức, Ủy ban này khẳng định, sẽ không có đàm phán hòa bình chừng nào I-xra-en chưa ngừng hoàn toàn các hoạt động xây dựng khu định cư tại những vùng đất chiếm đóng của Pa-le-xtin, trong đó có Đông Giê-ru-xa-lem. Ủy ban cũng kêu gọi Mỹ tiếp tục nỗ lực để chuẩn bị đầy đủ điều kiện nối lại tiến trình hòa bình và đưa tiến trình này đi đúng hướng, kể cả việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái. Phát biểu ý kiến trước cuộc gặp ở TP Xớt, Tổng Thư ký AL A.Mu-xa nêu rõ: 'Sẽ không có cuộc đàm phán nào vào thời điểm hiện nay vì lập trường của I-xra-en là rất tiêu cực. Họ không hợp tác trong các cuộc thương lượng'. Theo kế hoạch, 13 bộ trưởng ngoại giao của Ủy ban sáng kiến hòa bình AL sẽ nhóm họp vào tháng 11 tới để đánh giá các đề xuất của Tổng thống Áp-bát nhằm tìm giải pháp cho vấn đề khu định cư Do Thái. Trong đó có đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ và Mỹ công nhận một Nhà nước Pa-le-xtin theo các đường biên giới hồi trước chiến tranh năm 1967; thông qua Đại hội đồng LHQ yêu cầu đặt lại các phần lãnh thổ bị chiếm đóng dưới sự quản lý của quốc tế. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu không bình luận gì về thông báo của AL. Ông chỉ trích Pa-le-xtin đã không giữ lời hứa bằng việc 'tiếp tục đặt những điều kiện tiên quyết' đối với cuộc đàm phán như yêu cầu ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư. Trong khi đó, ngày 8-10, bảy người Pa-le-xtin đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa binh sĩ I-xra-en với người biểu tình phản đối I-xra-en xây bức tường ngăn cách tại khu Bờ Tây và các khu định cư Do Thái. Làn sóng bãi công lan rộng ở Pháp Bất đồng chung quanh kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí do Chính phủ Pháp đưa ra, các cuộc bãi công của người lao động nước này tiếp tục lan rộng trong nhiều ngành với quy mô rộng lớn hơn. Ngày 8-10, cuộc bãi công của công nhân tại cảng Mác-xây, cảng chuyên chở dầu thô chủ yếu, bước sang ngày thứ 12 khiến nhiều nhà máy lọc dầu phải đóng cửa. Trong khi đó, tám nghiệp đoàn chính ở Pháp, trong đó có công đoàn ngành đường sắt Pháp, công đoàn vận tải Pháp (CGT) ở Thủ đô Pa-ri, đã kêu gọi bãi công không thời hạn ở một số khu vực, bắt đầu từ ngày 12-10 để phản đối Dự luật cải cách chế độ hưu trí, và sẽ kêu gọi biểu tình với mục đích tương tự sau đó bốn ngày. Hãng Roi-tơ cho biết, nước Pháp có thể bị 'tê liệt' trong ngày 12-10 khi nhân viên các ngành đường sắt, lọc dầu, năng lượng và tàu điện ngầm đồng loạt bãi công. Các cuộc bãi công này nổ ra sẽ là làn sóng mới tiếp theo hàng loạt đợt biểu tình của người lao động Pháp từ nhiều tháng qua phản đối kế hoạch kinh tế 'thắt lưng buộc bụng', nâng tuổi về hưu của người lao động mà Chính phủ Pháp đề xuất. Theo đó, từ nay đến năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Pháp sẽ nâng lên 62 tuổi so với quy định hiện hành là 60 tuổi. Chính phủ Pháp coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia ngày càng tăng đang đe dọa nền kinh tế. Song kế hoạch này không được người lao động Pháp ủng hộ vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của họ. Hạ viện Pháp đã thông qua điều khoản nâng tuổi nghỉ hưu hồi tháng 9 vừa qua. Ngày 8-10, Thượng viện Pháp đã thông qua điều khoản nói trên. Chính phủ Pháp hy vọng Thượng viện sẽ thông qua toàn bộ dự luật vào cuối tháng này.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/qu-c-t/th-gi-i-tu-n-qua/th-m-h-a-bun-hung-ga-ri-1.267834