Tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh có bắt buộc?

Chị Nguyễn Thị Nhu (Khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội) hỏi: Vào đầu năm học, trong các khoản thu có 1 mục là mua bảo hiểm y tế. Cho tôi hỏi, việc tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh có bắt buộc không? Nếu phải tham gia, mức đóng cho 1 học sinh là bao nhiêu? khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, các cháu được hưởng những quyền lợi gì?

Nội dung chị hỏi, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết: Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Ảnh: L.N

Học sinh là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng. Ảnh: L.N

Cụ thể: Hỗ trợ 100% mức đóng cho HSSV thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc đang sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo; hộ cận nghèo mới thoát nghèo, hộ cận nghèo sống tại các huyện nghèo, học sinh mầm non, HSSV là thân nhân người có công, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định.

Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo còn lại và hỗ trợ 30% mức đóng cho HSSV khác. Như vậy, để tham gia BHYT, mỗi HSSV đóng tối đa 491.400 đồng cho 1 năm.

HSSV tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi như: Được cấp thẻ BHYT; được đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) ban đầu vào đầu mỗi quý; được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học và được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB theo các mức sau: Hưởng 100% chi phí khi KCB tại tuyến xã hoặc tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị.

Hưởng 100% chi phí nếu HSSV là con của liệt sĩ, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sống tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Hưởng 100% chi phí nếu HSSV đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sống tại xã đảo, huyện đảo.

Hưởng 100% chi phí nếu tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp KCB trái tuyến). Người bệnh lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Hưởng 95% chi phí KCB đối với HSSV thuộc hộ cận nghèo. Hưởng 80% chi phí KCB đối với HSSV còn lại.

Trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến, nếu điều trị nội trú tại tuyến tỉnh được hưởng 60% chi phí, tuyến trung ương được hưởng 40% chi phí. Luật cũng quy định khi HSSV KCB tại cơ sở có ký hợp đồng KCB BHYT nhưng không đủ thủ tục KCB BHYT theo quy định, được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định.

Trường hợp HSSV có thẻ BHYT KCB tại cơ sở không ký hợp đồng KCB BHYT, được quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, tối đa cho 1 đợt điều trị không vượt quá mức: 60.000 đồng điều trị ngoại trú tại tuyến huyện và tương đương; nếu điều trị nội trú, mức thanh toán là 500.000 đồng đối với tuyến huyện và tương đương; 1.200.000 đồng đối với tuyến tỉnh và tương đương; 3.600.000 đồng đối với điều trị tại tuyến trung ương.

Riêng trong trường hợp cấp cứu, HSSV tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tham-gia-bao-hiem-y-te-cho-hoc-sinh-co-bat-buoc-58384.html