Thăm dò khảo cổ nơi nghi có dấu tích lăng mộ vua Quang Trung: Phát hiện nhiều cổ vật

Trong 3 ngày tiến hành thăm dò khảo cổ các chuyên gia đã phát hiện một lớp đất, đá khác lạ và nhiều cổ vật...

Trong ngày 9/10, các chuyên gia Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thám sát tại 3 hố đào ở nhà người dân, chùa Vạn Phước ở phường Trường An, TP Huế - nơi nghi ngờ có dấu tích phủ Dương Xuân, cung điện Đang Dương và là chỗ chôn cất vua Quang Trung.

Tại hố khảo cổ thứ 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, đoàn thám sát đã đào được vào một lớp đất lạ có dấu hiệu khác với các tầng đất khác, nằm ở độ sâu khoảng 0,5 m. Theo quan sát, đây là một lớp sỏi đằm trộn cát khác với lớp đất bình thường bên cạnh nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc. Lớp đất này nằm một nửa ở hố khảo cổ có màu vàng pha trắng như dấu của cát và sỏi. Tầng đất lạ này hiện được giữ nguyên, còn tầng đất bên cạnh được đào xuống tiếp tục.

Phát hiện một lớp lớp sỏi đằm trộn cát khác với lớp đất bình thường bên cạnh nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc.

Tại hố khảo cổ thứ 2 trước sân chùa Vạn Phước cũng đào được một mẩu vật tựa như thanh đoản kiếm lưỡi cong. Nhiều gạch, mảnh sứ, một số mảnh sành cũng đào được nhiều ở 3 hố.

Dự kiến, trong những ngày tiếp theo, các chuyên gia khảo cổ học sẽ đào thêm 2 hố tại chùa Thuyền Lâm trong tổng số 5 hố đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đồng ý. Các hố này sẽ đào tới tầng sinh thổ đất gốc để xem xét, tìm kiếm các hiện vật phục vụ cho khảo cổ. Trước đó, trong 2 ngày thăm dò khảo cổ, các chuyên gia đã thu giữ nhiều hiện vật nhằm phục vụ nghiên cứu.

Có nhiều hiện vật cổ xưa được phát hiện. (Ảnh: QN).

Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m², từ ngày 30/9 đến 15/10.

Trước đó, sau nhiều năm nghiên cứ Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, Gò Dương Xuân xưa kia là nơi nghi có dấu tích tồn tại cung điện Đan Dương của triều Tây Sơn và đây cũng chính là nơi chôn cất vua Quang Trung.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cùng với giáo sư Phan Huy Lê và đoàn đi thực địa. (Ảnh: VT).

Theo đó, trong thời gian thăm dò, các cơ quan cấp phép phải chú trọng đến việc bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Những hiện vật thu thập được, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế bảo quản, báo cáo Bộ trưởng Văn hóa phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Gần 1 năm trước vào ngày 30/10/2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn tại Huế. Tại đây, nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người 30 năm đi tìm kiếm tư liệu, thực địa, cho rằng cung điện Đan Dương được xây dựng gần chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, ngay gò Dương Xuân. Dưới cung điện là nơi chôn cất vua Quang Trung.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân còn cho biết, sử sách cũng đã ghi cung điện Đan Dương do vua Quang Trung xây dựng. Khi Ngô Thì Nhậm làm bài thơ “Cảm hoài” để tưởng nhớ vua Quang Trung, đã chỉ đích danh điện Đan Dương.

Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu mộ vua Quang Trung ở Huế đã không đồng tình. Theo giáo sư Phan Huy Lê, theo cảm nhận của ông cung điện Đan Dương có tồn tại nhưng vấn đề về lăng mộ của vua Quang Trung nằm ở đâu thì còn phải nghiên cứu.

"Còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm về vua Quang Trung cũng như cung điện Đan Dương xưa", giáo sư Phan Huy Lê đánh giá.

Theo kế hoạch dự kiến, ngày mai (6/10), Viện Khảo cổ học sẽ đến tỉnh Thừa Thiên - Huế để tiến hành thủ tục động thổ đào thăm dò khảo cổ.

Được biết giả thuyết này được ông Nguyễn Đắc Xuân đúc kết sau hơn 30 năm dày công tìm kiếm các tư liệu lịch sử, văn học trong và ngoài nước.

Đăng Hậu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tham-do-khao-co-noi-nghi-co-dau-tich-lang-mo-vua-quang-trung-phat-hien-nhieu-co-vat-d26377.html