Thâm cung bí sử (95 - 7): Vốn quý của doanh nghiệp

Đàm xác định vốn quý của doanh nghiệp là người lao động. Muốn họ cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty thì Giám đốc phải trả lương cho họ thật xứng đáng.

Phía sau mỗi người thợ ở đây có vợ con của họ. Thu nhập của họ phải đủ nuôi mình và nuôi vợ con. Đó thực chất là Đàm chia một phần tiền lãi của công ty cho người lao động. Nếu ông chủ tham lam không chịu bớt tiền lãi để cải thiện đời sống cho người lao động thì công ty sẽ sụp đổ, vì người lao động sẽ bỏ đi hết, nhất là những lao động giỏi. Đàm nói với hai em trai: “Sau này thành lập công ty, các em cũng phải coi người lao động là vốn quý nhất. Nếu có một cuốn sách dạy mua hàng chỗ này, bán chỗ kia, trả lương cho người làm ở mức này thì lợi tức sẽ là x% thì cả nước ai cũng làm chủ doanh nghiệp được hết. Nhưng không có cuốn sách đó. Cách kinh doanh, cách quản lý là do chủ doanh nghiệp nghĩ ra bằng tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình”.

Không phải ở Việt Nam mà tuổi trẻ tất cả các nước trên thế giới đều phải lo lập thân, lập nghiệp. Bài học lập nghiệp của thanh niên Mỹ ngắn gọn như sau: “Có ý tưởng lớn, bắt đầu từ những việc nhỏ và làm ngay”. Từ khi đào những cái hố đầu tiên để trồng bạch đàn, Đàm đã nghĩ tới chuyện sẽ thành lập doanh nghiệp. Mấy tháng làm thuê ở Malaysia đã cho Đàm thế nào là thân phận của người làm thuê. Khi lên đây, anh đào hố trồng cây nhưng không phải chỉ để trồng cây mà để sau này thành lập công ty. Và công ty gỗ Cao Đàm đã ra đời. Thương hiệu gỗ Cao Đàm cũng bước đầu được hình thành.

Có một việc Đàm đã nghĩ trong đầu từ lâu nhưng mãi đến nay, sau khi công ty hoạt động ổn định, anh mới làm được. Đó là tài trợ tiền học phí cho các em học sinh nghèo. Anh làm việc với trường phổ thông cơ sở của địa phương để có danh sách những em học sinh nghèo hay phải nợ tiền học phí. Có 75 em học sinh trong diện này và Đàm đã trả toàn bộ học phí cho các em. Anh cam kết tài trợ học phí cho những em này cho tới khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông. Anh không muốn các em nhỏ phải năn nỉ xin tiền học phí và bị bố đuổi đánh như anh ngày xưa.

Thực hiện lời hứa với mẹ, khi công ty bắt đầu hoạt động ổn định, Đàm chuẩn bị lấy vợ. Đối tượng của anh là cô Phương, một người bán hàng tạp hóa ở chợ thị trấn. Nghề nào tướng ấy, Phương có đôi mắt liếc rất nhanh. Bán hàng tạp hóa mắt phải tinh và nhanh. Khách hàng vừa đến, liếc nhanh một cái là biết ngay khách thuộc loại người như thế nào. Họ đến để mua hàng hay chỉ để xem và khảo giá. Thậm chí, có người đến giả vờ mua hàng nhưng không mua mà chờ khi cô chủ sơ ý thì ăn cắp. Phương tuy còn trẻ nhưng đã là một người bán hàng thực thụ, thông minh và tinh nhanh. Đàm đang cần một người vợ kiêm người bán hàng và kiêm luôn người giữ két bạc của công ty.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-95-7-von-quy-cua-doanh-nghiep-20161205082056495.htm