Thâm cung bí sử (95 - 4): Mở rộng kinh doanh

Khi quyết định đưa hai em lên làm việc, trong óc Đàm đã hình thành những khối lượng công việc lâu dài cho chúng nó.

Đất trồng bạch đàn của anh nằm trên hai quả đồi kề nhau. Giữa hai quả đồi đó là thung lũng. Chỉ cần thuê hai ca máy ủi và hai ca máy xúc đắp một con đập nối hai quả đồi với nhau là anh đã có một cái ao khá rộng. Anh sẽ nuôi cá trắm cỏ trong ao này. Đây là loại cá có sức sống mạnh tốt, lớn nhanh và ít bệnh. Thức ăn của cá trắm cỏ cũng đơn giản, chỉ là cỏ và cây chuối rừng băm ra ném xuống ao. Kiên và Cường lên đây sẽ trông coi cái ao cá này. Hàng ngày cắt cỏ và băm cây chuối cho cá ăn. Cá giống thả xuống ao sau 3-4 tháng là đã có thể ăn được rồi. Chỉ cần một cọng cỏ non móc vào lưỡi câu ném xuống ao, một lúc sau giật lên là đã có một con trắm. Đầu cá và lòng ruột để nấu riêu, còn mình và đuôi thì kho với riềng. Đã nghĩ là làm, tính Đàm như vậy. Cái ao cá đã hiện lên đúng như trong trí tưởng tượng của anh. Nước trong xanh, nhìn rõ cả bóng đồi bạch đàn soi xuống nước. Đàm thả cá giống xuống. Kiên và Cường hàng ngày chăm sóc cá. Cá lớn rất nhanh. Đêm nằm trong nhà đã bắt đầu nghe tiếng cá quẫy. Nhưng lứa cá ấy mất sạch. Ba anh em đêm lắng tai nghe không còn tiếng cá quẫy nữa. Cắt cỏ ném xuống ao cũng không thấy cá ăn. Cá đi đâu hết? Và kẻ nào đã trộm cá trong ao? Đàm thức thật khuya để rình. Hóa ra kẻ trộm là lũ rái cá. Thế là ba anh em phải mua dây thép mắt cáo về bao kín quanh ao để ngăn bọn rái cá. Họ còn đặt nhiều bẫy dưới chân bờ rào thép. Và cứ vài hôm 3 anh em lại có một nồi thịt rái cá. “Bây giờ thì không thể mất cá được nữa rồi. Và chúng ta sẽ thắng”. Đàm nói với hai em như vậy. Và đúng như thế. Vụ cá năm đó Đàm thu được hơn 300 triệu đồng. Anh đưa cho Kiên và Cường mỗi đứa 100 triệu đồng và nói rất nghiêm khắc: “Không được tiêu pha bừa bãi. Ra ngân hàng gửi tiết kiệm và đem sổ tiết kiệm về đây cho anh xem. Các em rồi cũng phải lập nghiệp và cũng cần đến vốn. Vì thế không được chi tiêu theo kiểu bóc ngắn cắn dài. Khi cần tiền tiêu vặt thì hỏi anh chứ không được rút tiết kiệm ra để tiêu”. Tối hôm đó Đàm rán một con cá trắm và thổi một nồi cơm nếp để thắp hương báo cáo với bố. Anh quyết tâm sau 10 năm để tang bố anh sẽ lập nghiệp thành công và lo cho các em có gia thất. Nhưng điều này Đàm không trò chuyện với bố. Anh chỉ báo cáo với bố những việc đã làm được, còn những dự định thì anh không nói mà chỉ âm thầm thực hiện.

Một buổi chiều ba anh em rủ nhau đi tắm sông. Nhìn những chiếc bè gỗ lừ đừ trôi trên sông, Đàm nói với Kiên và Cường: “Chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền từ những bè gỗ này đấy, phải làm một bến gỗ để mở dịch vụ mua bán tre bươn và gỗ. Muốn tập kết gỗ phải có bến. Nếu để gỗ dọc bờ sông thì một trận lũ là mất hết. Phải làm bến để tập kết gỗ mới không bị mất. Và việc này tốn khá nhiều công sức. Phải chọn một khúc sông cong rồi nạo vét và xẻ đất mới thành cái bến gỗ. Việc này máy móc không làm được. Anh sẽ thuê người làm. Chắc phải mất một tháng mới xong”.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-95-4-mo-rong-kinh-doanh-20161128094606332.htm