Thâm cung bí sử (93 - 8): Quyền lực của đồng tiền

Bà Thuận nhận thấy quyết định của chồng cũng hợp ý mình nên không phản đối. Nếu không bái tổ, không khao vọng thì làng xã sẽ không biết con gái bà đỗ đạt như thế nào. Bà nói với Hồng Lam: “Cứ làm theo ý bố đi, mặc dù chuyến về quê này tiêu tốn mất cả tháng lương của mẹ nhưng vẫn nên về”.

Lễ bái tổ và khao vọng của Hồng Lam được bà Thuận tổ chức rất chu đáo, kể cả việc ủng hộ quỹ khuyến học của xã. Sáng Chủ nhật, đài truyền thanh của xã đưa tin: “Cô Hồng Lam, con gái ông Thành và bà Thuận, đỗ tiến sĩ ở Mỹ đã về quê bái tổ và ủng hộ quỹ khuyến học của xã 2 triệu đồng. Đây là một tấm gương sáng về thành tích học tập của tuổi trẻ xã ta”. Nghe bản tin đó, bà Thuận thấy như nở từng khúc ruột. Bà con trong làng kéo nhau đến xem mặt vị tiến sĩ vừa tốt nghiệp ở Mỹ về. Bà Thuận tiếp mọi người với nụ cười thường trực trên môi. Kể từ khi đặt chân vào nhà quan đến hôm nay, bà Thuận mới thấy mình được vẻ vang như thế.

Lễ khao vọng có đầy đủ các bậc cha, chú trong họ và cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã. Mâm cao cỗ đầy, rượu chè thịnh soạn. Ông Toàn đứng dậy nâng chén rượu nói rất trịnh trọng: “Thưa các cụ cao niên trong họ. Thưa các vị lãnh đạo xã. Hôm nay cháu tôi là Tiến sĩ Hồng Lam về bái tổ có chén rượu nhạt mời quý vị. Xin quý vị cạn chén mừng cho cháu”. Hết hai tuần rượu, ông Toàn nói với các vị lãnh đạo ở xã: “Cuộc vui hôm nay có ông Bí thư Đảng ủy và ông Chủ tịch xã, tôi xin thưa chuyện thế này. Cụ Đạt nhà tôi là vị tiến sĩ đầu tiên của xã ta, được vua phong hàm quan Chánh tứ phẩm và ban cho ngôi nhà này. Khi cụ qua đời, con cháu đã an táng cụ trên đất gia đình. Nhưng sau đó tất cả ruộng đất thuộc hợp tác xã quản lý, bây giờ do UBND xã quản lý. Vì thế gia đình chúng tôi muốn xin xã cấp cho nửa sào đất để xây lăng cụ tiến sĩ quan tứ phẩm”. Tất nhiên là hai vị lãnh đạo xã chấp thuận đề nghị của ông Toàn, vì đây là việc nên làm. Mọi việc như thế là rất thuận lợi. Khi khách khứa đã về hết, ông Toàn nói với ông Thành: “Việc cấp đất coi như đã xuôi rồi. Cháu bàn với vợ tổ chức xây lăng nên làm ngay trong tháng 11 Âm lịch”. “Việc xây lăng nhất định sẽ làm trong tháng 11. Cháu quyết định như vậy và không phải bàn bạc gì nữa. Phu xướng phụ tùy. Nề nếp nhà ta xưa nay vẫn thế mà”.

Ông Toàn nói ông Thành phải bàn bạc với vợ tổ chức việc xây lăng vì ông biết ông Thành không có tiền. Đàn ông mà cung Tài lộc lõm như trôn bát, lại có một nốt ruồi đen sì ở cung hưởng thì không bao giờ có tiền. Trái lại, bà Thuận hai lưỡng quyền cách nhau khá rộng, đó là người đàn bà có tiền và là người kiếm tiền chủ yếu trong nhà, chồng chỉ là người ngồi chơi xơi nước chứ không quyết định được vấn đề gì cả. Và ông Toàn quả là có con mắt tinh đời. Khi ra Hà Nội, bà Thuận hỏi chồng: “Chuyện xây lăng, ông xướng rất to. Ông có tiền không mà xướng to thế?”, ông Thành ngồi im thin thít.

(Còn nữa)

Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-93-8-quyen-luc-cua-dong-tien-20161026085807498.htm