Thâm cung bí sử (93 - 4): Tình cảnh kẻ sống nhờ

7h tối, ông Thành ngồi một mình bên bàn trà, chốc chốc lại nhìn ra cửa ngóng vợ về. Giờ này mọi nhà đã ăn bữa tối, nhưng nhà ông Thành thì bếp vẫn lạnh tanh. Ông không biết làm bếp, vả lại trong tủ lạnh không có miếng thịt, mớ rau nào.

Tất cả vẫn phải chờ vợ. Nhưng bà Thuận vẫn chưa về. Uống trà mãi xót ruột, ông Thành lục tủ bát thấy còn mấy cái bánh đa. Đây là bánh đa Đô Lương ngon nổi tiếng do một người đồng hương về quê đem biếu. Ông Thành bật bếp đun một nồi nước sôi. Khi nồi nước đã bốc hơi nghi ngút, ông đặt lên miệng nồi một cái rổ nhựa và thả vào đó một cái bánh đa. Hơi nước làm bánh đa mềm lại. Ông pha một bát nước mắm ớt, cuộn cái bánh đa lại, rót một chén rượu và nhâm nhi cho đỡ đói. Bánh đa cuốn kiểu này ngon hơn bánh đa nem bởi nó đã được quạt chín và có vừng nên rất thơm. Giá như có mấy lát thịt chân giò luộc và vài ngọn rau thơm thì rất tuyệt.

Rồi bà Thuận cũng về. “Sao về muộn thế?”. “Vì chưa xong việc. Sao trăng gì. Ông chưa ăn uống gì à?”. “Bếp lạnh tanh thế kia thì có gì mà ăn”. Bà Thuận bấm máy gọi cho chồng một suất cơm hộp. Bà nhìn chồng rồi nhìn cái bàn trà: “Ông ngồi đây mà cái bàn trà đầy bụi thế này sao không lau đi?”. Bà Thuận vừa lau bàn trà vừa lườm chồng: “Việc gì cũng đến tay tôi. Tôi là người chứ có phải cái máy đâu”. Có tiếng chuông cửa, cơm hộp đã đến. Bà Thuận chạy ra trả tiền và cầm hộp cơm vào nhà. “Bữa tối của ông đây. Tôi mệt quá không muốn ăn”. Ông Thành rót thêm một chén rượu nữa rồi ngồi ăn hết suất cơm hộp. Bà Thuận lót dạ bằng một hộp sữa tươi.

Ông Thành ăn xong, ném cái vỏ hộp cơm vào sọt rác rồi đến ngồi đối diện với vợ. “Có nhà, có vợ hẳn hoi mà phải ăn cơm hộp”. “Ông kiếm tiền đi. Tôi sẽ hầu ông đến tận răng có cơm ngon, có canh ngọt, có rượu ngon uống”. “Tiền có phải là tất cả đâu”. “Nhưng nhà này đang rất cần tiền. Tháng này phải gửi tiền cho thằng Hồng Lĩnh rồi. Tháng sau đến lượt con Hồng Lam. Mình ở nhà, nếu thiếu thì vay tạm chỗ nọ, chỗ kia, bí quá thì vay lãi cao. Còn chúng nó ở bên kia biết vay ai. Hết tiền là các con chết đói. Chẳng biết học xong rồi có làm nên cơm cháo gì không hay lại là tiến sĩ thất nghiệp”. Câu nói sau cùng khiến ông Thành chạnh lòng, đứng bật dậy đi lên phòng riêng.

Bây giờ ông Thành chẳng có việc gì để làm cả. Cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con đang du học ở nước ngoài hoàn toàn đặt trên vai bà Thuận. Tiến sĩ Đào Hồng Thuận là trưởng phòng quan hệ cộng đồng của một tập đoàn kinh tế lớn. Lương của bà khá cao nhưng cũng không đủ chu cấp cho hai đứa con đang đi du học, vì thế bà Thuận phải làm thêm nhiều việc, kể cả đi xin quảng cáo. Tuy vợ bận như thế nhưng ông Thành không giúp được gì. Ngay cả việc nhà ông cũng không nhìn ra. Cái sàn nhà bẩn ông không nhìn thấy để lau, cái bàn trà đầy bụi ông cũng không nhìn ra. Ông quen nhìn vấn đề lớn lao nên không thấy những việc nhỏ nhặt. Vì thế mà không ngày nào ông Thành không bị vợ cằn nhằn.

(Còn nữa)

Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-93-4-tinh-canh-ke-song-nho-20161017094657919.htm