Thâm cung bí sử (93 - 1): Danh gia vọng tộc

Trong căn nhà 4 tầng của ông Thành ở Hà Nội có 5 vị tiến sĩ.

Ông Thành là tiến sĩ báo chí, tốt nghiệp ĐH Lomonoxop. Bà Thuận (vợ ông Thành) là tiến sĩ xã hội học, được đào tạo trong nước. Hồng Lam (con gái ông Thành) là tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Havard (ở Hoa Kỳ). Hồng Lĩnh (con trai ông Thành) là Tiến sĩ Sinh vật học, tốt nghiệp Đại học Galile (ở Italia). “Ngự” trên tầng 4 là một vị tiến sĩ danh giá mà ông Thành gọi là ông nội, đó là cụ Đạt, đỗ tiến sĩ giữa thế kỷ thứ 19, được vua nhà Nguyễn phong hàm quan Chánh tứ phẩm.

Căn nhà 4 tầng này do ông Công (thân phụ ông Thành) xây cất lên. Ông Công là cử nhân toán học, nhưng là thầy giáo dạy giỏi. Mấy chục năm liền, ông mở lò luyện thi. Học trò của ông rất đông nên mỗi ngày ông phải dạy ba ca. Ông dạy nhiều tới mức nhiễm độc bụi phấn, ho ra máu và qua đời khi mới 62 tuổi. Nhưng một đời lao động cần cù ông đã xây dựng được cơ ngơi này và chu cấp cho cậu con trai học tới tiến sĩ báo chí Lomonoxop.

Nơi thờ phụng cụ Đạt và ông Công đặt trên tầng 4. Nhưng đây là nơi thờ vọng. Từ đường chính để thờ cụ Đạt ở Diễn Châu, Nghệ An. Đây là một ngôi nhà lim năm gian được vua ban cho ông quan Chánh tứ phẩm. Ngôi nhà tọa lạc trên khoảng đất rộng 4 sào Trung Bộ. Bây giờ ở làng cụ Đạt có nhiều người đã xây được nhà 4-5 tầng nhưng vẫn không thể sang bằng ngôi nhà lim này. Khuôn viên của ngôi nhà được bao bọc bởi bốn hàng rào bằng cây mạn hảo. Loại cây này thời tiết nào cũng xanh tốt. Cây được trồng rất dày và được cắt tỉa bằng phẳng và thẳng tắp, tạo nên bức tường bao độc đáo và rất đẹp. Em trai của ông Công, tức là chú ruột của ông Thành trông coi từ đường. Không hiểu vì lý do gì mà ông chú này không lấy vợ, sống độc thân và trở thành người quản gia mẫn cán. Ông trông coi từ đường, thu hoạch các loại trái cây trong vườn đem bán để sống. Thỉnh thoảng ông Thành về làng biếu chú chút tiền gọi là tiền trà rượu. Mỗi năm ông Thành về quê 5 lần vào các dịp giỗ ông nội, giỗ bà nội, giỗ bố, giỗ mẹ và dịp Tết Âm lịch.

Vợ ông Đạt là thứ nữ của một vị cử nhân Nho học, làm tới chức Đông các đại học sĩ trong triều đình nhà Nguyễn. Mẹ ông Thành là con gái của một ông Phó Ty giáo dục (nay là Sở GD&ĐT), cũng là con quan. Người làng gọi ngôi nhà lim 5 gian này là nhà quan. Nhà này là danh gia vọng tộc và đất này là đất học. Không phải bỗng dưng mà một nhà có nhiều tiến sĩ đến thế. Tuy chỉ 4 sào đất ở nhà quê nhưng mảnh đất này được xem là giá trị nhất làng, vì là đất đỗ đạt. Người làng cũng hay lấy tên của con cháu trong nhà này để đặt tên con, hy vọng chúng cũng đỗ đạt cao như ông Thành, Hồng Lam và Hồng Lĩnh.

Người duy nhất xuất thân từ tầng lớp bình dân lọt được vào cái nhà danh gia vọng tộc này là bà Thuận. Bố mẹ bà Thuận là nông dân thuần túy nên để làm vợ ông Thành, bà Thuận đã phải vượt qua nhiều khó khăn.

(Còn nữa)

Khánh Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-93-1-danh-gia-vong-toc-20161010093820165.htm